Tình trạng đối đầu và căng thẳng Mỹ – Trung suốt nhiều năm qua chưa bao giờ bao giờ có dấu hiệu hạ nhiệt. Mới đây, Foreign Policy đã đăng tải bài viết của tác giả Reva Goujon – Giám đốc cấp cao tại tập đoàn Rhodium Group, nói về những điều có thể xảy ra trong mùa hè 2022.
Theo ông Reva, Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2022 được xem là dấu hiệu mở màn cho một năm 2022 nhiều trắc trở trong quan hệ Mỹ – Trung. Đặc biệt khi Mỹ tuyên bố sẽ tẩy chay ngoại giao Trung Quốc thông qua việc không cử đoàn ngoại giao tham dự sự kiện này. Một số đồng minh của Mỹ như Anh, Úc và Canada sau đó cũng tuyên bố tẩy chay hưởng ứng.
Về phần mình, Trung Quốc cáo buộc Mỹ không tôn trọng các nguyên tắc và tinh thần phi chính trị hóa của Olympic, đồng thời cảnh báo sẽ có “biện pháp đáp trả kiên quyết”.
Trước đó, trong bài phát biểu tại Bộ Ngoại giao ngày 4/2/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề ra đường lối đối ngoại mới cho nước Mỹ giai đoạn 2021-2025 dựa trên phương châm “Nước Mỹ đã trở lại, sẵn sàng dẫn dắt trật tự thế giới” và “sẵn sàng tìm lại linh hồn cho nước Mỹ”.
Chính quyền của Tổng thống Biden vẫn xác định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất”; là “thử thách địa – chính trị lớn nhất trong thế kỷ 21”, bởi “Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới với sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ có thể thách thức nghiêm trọng tới hệ thống quốc tế rộng mở và ổn định”.
Trong những thập kỷ qua, khi siêu cường Mỹ gặp những khó khăn, rắc rối cả về đối nội và đối ngoại, khiến tiếng kèn điều binh nhiều khi cứ ngập ngừng tiến lui không rõ thì Trung Quốc trỗi dậy với một tốc lực đáng kinh ngạc.
Khi sức mạnh và vị thế của Mỹ có chiều hướng suy giảm, không có một quốc gia nào thực hiện chiến lược bứt phá mà đạt được những bước tiến vượt bậc như Trung Quốc. Giờ đây, Trung Quốc đã vươn lên thành nền kinh tế thứ hai thế giới và đang muốn vượt Mỹ để trở thành cường quốc số một trong tương lai không xa.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc đang hút tầm nhìn của thế giới. Ứng xử với quốc gia phương Đông khổng lồ và khó lường này đang là bài toán chiến lược hóc búa nhất của Mỹ và nhiều quốc gia khác.
Rõ ràng, mối bang giao Mỹ – Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ bản chất là cạnh tranh không khoan nhượng giữa một cường quốc đang vượt lên và một cường quốc đang mất sức bật, có chiều hướng đi xuống.
Mỹ cho rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc là thách thức không chỉ về lợi ích mà còn đối với các giá trị mà Mỹ đang muốn phổ cập toàn cầu. Còn Trung Quốc lại cho rằng, Mỹ chưa từng từ bỏ âm mưu lật đổ Trung Quốc.
Theo Trung Quốc, mặc dù vẫn nói tôn trọng “chính sách một nước Trung Quốc” nhưng thực tế Mỹ tiếp tục coi Đài Loan là “con bài chiến lược” để kiềm chế Trung Quốc và tiếp tục bán vũ khí hiện đại cho Đài Loan.
Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ không chỉ là cạnh tranh về ngôi vị quyền lực toàn cầu mà còn ở khả năng “đặt chương trình nghị sự” để dẫn dắt thế giới. Cuộc cạnh tranh này đang diễn ra quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế-thương mại, công nghệ, ngoại giao, văn hóa, quân sự đến dân chủ, nhân quyền… trong đó, lĩnh vực nóng gắt nhất thời gian gần đây là kinh tế-thương mại và công nghệ.
Theo ông Reva Goujon, an ninh mạng tiếp tục là vấn đề lớn trong thời gian tới, tác động đến cả chính sách kinh tế và chiến lược. Năm 2021, Mỹ cáo buộc Trung Quốc đứng sau những vụ tấn công tin tặc. Mỹ cũng phản đối việc sử dụng công nghệ Trung Quốc để triển khai công nghệ viễn thông thế hệ mới trên toàn cầu, nhất là 5G.
Nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập công nghệ Trung Quốc với thế giới sẽ tiếp tục trong năm 2022, bằng cách khiến các công ty Trung Quốc khó mua những phần cứng quan trọng do Mỹ làm ra.
“Mỹ mới chỉ bắt đầu siết chặt chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, sẽ còn những bước đi nữa trong năm 2022”, bà Glaser – Bộ trưởng bộ Truyền thông của Mỹ nhận định.
Trong những tháng tới, Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến sẽ xử lý những lỗ hổng về kiểm soát, ví dụ như vẫn cho phép hãng sản xuất thiết bị bán dẫn SMIC của Trung Quốc mua công nghệ quan trọng của Mỹ. Nhưng bên cạnh đó, Mỹ sẽ có thêm các tổ chức và công ty Trung Quốc bị đưa vào “danh sách đen” của Bộ Thương mại Mỹ do vi phạm chính sách bảo mật.
Liên quan tới vấn đề Đài Loan, Ngoại trưởng Mỹ Blinken nhấn mạnh, Mỹ phản đối mọi thay đổi hiện trạng đơn phương từ cả hai phía và không ủng hộ Đài Loan độc lập
Trong năm 2021, Mỹ đã chọc tức Trung Quốc bằng việc cử các đoàn nghị sĩ không chính thức đến Đài Bắc và bày tỏ ủng hộ chính quyền của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn.
Năm 2022, Trung Quốc sẽ tiếp tục phản đối những nỗ lực tiếp xúc ngoại giao với Đài Loan, cũng như những nỗ lực của Đài Bắc nhằm tham gia các tổ chức quốc tế. Căng thẳng tiếp diễn ở eo biển Đài Loan được cho là đồng nghĩa với quan hệ Mỹ – Trung không thể hạ nhiệt.
Khi căng thẳng tiếp tục ở eo biển Đài Loan, khả năng Trung Quốc tấn công quân sự hòn đảo được coi là nguy cơ bùng phát xung đột vũ trang lớn nhất giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, khi Trung Quốc đang chuẩn bị cho đại hội quan trọng, giới quan sát cho rằng, họ muốn ổn định hơn là “tạo sóng”.
“Nguy cơ Trung Quốc tấn công Đài Loan trước đại hội Đảng lần thứ 20 vào mùa thu năm 2022 là rất thấp”, bà Bonnie Glaser, Giám đốc chương trình châu Á tại Quỹ Marshall Đức chia sẻ.
Về phía Mỹ, Đài Loan vẫn sẽ là con át chủ bài nhằm kìm chế Trung Quốc trong năm 2022, theo ông Reva Goujon.
Ngoại trưởng Mỹ – Antony Blinken ngày 26/5 đã có bài phát biểu làm rõ chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc trong một loạt vấn đề bao gồm tự do hàng hải và hàng không.
Trong bài phát biểu của mình, Ngoại trưởng nêu rõ, chiến lược của chính quyền Tổng thống Biden đối với Trung Quốc trong thập kỷ tới là “đầu tư, liên kết và cạnh tranh”. Theo đó, Mỹ sẽ đầu tư cho các nền tảng của sức mạnh trong nước đó là khả năng cạnh tranh, sáng tạo và dân chủ. Đồng thời tăng cường liên kết với các đối tác và đồng minh, cạnh tranh với Trung Quốc nhằm bảo vệ lợi ích và xây dựng tầm nhìn cho tương lai.
Liên quan tới vấn đề tự do hàng hải và hàng không, Ngoại trưởng Blinken cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối các hành động gây hấn và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Gần 6 năm trước, một tòa án quốc tế đã tuyên rằng các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ ủng hộ các quốc gia ven biển trong khu vực duy trì các quyền hàng hải của mình và hơn thế nữa…”.
Theo dõi diễn biến quan hệ Mỹ – Trung trong vòng một năm qua có thể thấy, Tổng thống Biden tuy vẫn tiếp tục thi hành chính sách cứng rắn nhưng đã có điều chỉnh nhất định về cách thức tiếp cận để linh hoạt và mềm dẻo hơn, nhất là đối với những vấn đề Mỹ không thể đơn phương giải quyết được như biến đổi khí hậu, ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19… Còn các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng, chiến lược phát triển của Trung Quốc không nhằm tranh hùng xưng bá với ai mà chỉ để cho người dân Trung Quốc được sống tốt hơn mà thôi.
Mặc dù cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung sẽ còn tồn tại như một thuộc tính của mối quan hệ nhiều xung khắc giữa hai cường quốc này nhưng hai bên đều nhận thấy những “lằn ranh đỏ” để họ không bị cuốn vào những cuộc xung đột. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nếu Mỹ và Trung Quốc không hợp tác mà tiếp tục tấn công làm suy yếu nhau thì sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng không chỉ với chính nền kinh tế hai nước nói riêng mà còn với nền kinh tế toàn cầu nói chung.
Thực hiện: Lan Hoa
Đồ họa: M.N