+
Aa
-
like
comment

Mùa hè “chết chóc”?

Bảo Trâm - 18/09/2022 15:25

Khói lửa từ các trận cháy rừng, nhiệt độ tăng cao đột biến, hạn hán khắp toàn cầu, lũ lụt cuốn trôi mọi thứ đã khiến mùa hè 2022 trở thành “mùa hè chết chóc”. Nhưng rất có thể tương lai sẽ còn thêm nhiều mùa hè như thế xảy ra, khi tác hại của chúng đã tạo thêm vô số chất ô nhiễm không khí lắng đọng từ khí quyển đến mặt đất, làm gia tăng các đợt nắng nóng trong năm sau đó.

Một nhánh của sông Loire ở Loireauxence – Pháp cạn nước hôm 16-8 trong đợt khô hạn được xem là tồi tệ nhất của châu Âu trong ít nhất 500 năm qua. Ảnh: REUTERS

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Khí tượng thế giới (MWO), sự gia tăng tần suất, cường độ và thời gian của các đợt nắng nóng không chỉ tạo thêm các trận cháy rừng trong thập kỷ này mà còn làm xấu đi chất lượng không khí, gây hại cho sức khỏe con người và hệ sinh thái về lâu dài.

Theo UN News, cái vòng lẩn quẩn ngày một xấu đi này tạo nên điều mà WMO gọi là “cú phạt đền của khí hậu”. WMO dự báo khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là châu Á, nơi sinh sống của 1/4 dân số thế giới.

Báo cáo Đánh giá lần thứ 6 của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cảnh báo nếu lượng khí thải nhà kính vẫn cao khiến nhiệt độ toàn cầu tăng 3 độ C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ XXI, mức độ ozone tầng mặt (một loại khí nhà kính gây hại) sẽ tăng rất cao, đặc biệt là ở châu Á, với một số nơi như Pakistan, Bắc Ấn Độ, Bangladesh có thể tăng tới 20%.

Những cánh đồng khô héo vì hạn hán ở Fuyuan, tỉnh Trùng Khánh. Ảnh chụp ngày 19/8.

Thảm họa nhiệt kéo dài nhiều tháng ở nhiều nơi trên thế giới đang trầm trọng thêm, đơn cử là Trung Quốc – nơi vừa ghi nhận nhiệt độ cao nhất và lượng mưa thấp nhất trong 61 năm qua.

Theo Guardian, nhiệt độ trung bình toàn Trung Quốc tháng 8 cao hơn 1,2 độ C so với tiêu chuẩn theo mùa với 267 trạm quan trắc thời tiết trên khắp đất nước ghi nhận nhiệt độ kỷ lục. Lượng mưa giảm tận 23% so với mức trung bình, đồng nghĩa với mùa hè khô hạn thứ 3.

Một đợt nắng nóng được trang Guardian mô tả là “tàn bạo” cũng đang trút xuống khắp miền Tây nước Mỹ, phá vỡ các kỷ lục của 97 năm trước vào hôm 6-8 với mốc 47 độ C được ghi nhận tại thủ phủ Sacramento của bang California.

Cháy rừng tại California Mỹ

Sáu địa điểm trong khu vực vịnh San Francisco và bờ biển miền Trung nước Mỹ ghi nhận nhiệt độ “kỷ lục của mọi thời đại” là 46 độ C. Thậm chí ở thành phố cao nguyên Salt Lake (nằm ở độ cao 1.219 m), nhiệt độ vẫn đạt 41 độ C.

Các bằng chứng cho thấy, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang đưa chúng ta tới một tương lai “nóng” đầy tai họa do biến đổi khí hậu gây ra. Chỉ có giảm phát thải nhiên liệu hóa thạch một cách khẩn cấp mới có thể hy vọng cứu được trái đất.

Giáo sư Tim Palmer (Đại học Oxford) cho biết: “Khí hậu trong tương lai của trái đất có thể giống như “địa ngục”. Còn Giáo sư Dave Reay, Giám đốc điều hành của Viện Biến đổi Khí hậu của Đại học Edinburgh cho rằng: “Đây không chỉ là một báo cáo khoa học, đây là thực tế phũ phàng”.

Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc cảnh báo tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở thượng nguồn và trung lưu sông Dương Tử có thể kéo dài sang tháng 9, khi các địa phương chạy đua để tìm nguồn cung cấp nước mới và tưới tiêu cho cây trồng trước vụ thu hoạch mùa thu.

Các đợt nắng nóng và những trận mưa lớn gây ra lũ lụt trở nên dữ dội hơn và thường xuyên hơn kể từ những năm 1950 ở hầu hết các nơi trên thế giới, biến đổi khí hậu hiện đang ảnh hưởng đến tất cả các khu vực có người sinh sống trên hành tinh. Hạn hán đang gia tăng ở nhiều nơi và có khả năng hơn 66% là số lượng các trận lũ lụt và bão lớn đã tăng lên kể từ nhưng năm 1970.

Theo các nhà khoa học, cuối thế kỷ này, biến đổi khí hậu có thể trở thành mối đe dọa đối với nền văn minh nhân loại nếu lượng khí thải tiếp tục được cho phép ở mức hiện tại. Giáo sư Jonathan Bamber của Đại hoc Bristol lo lắng: “Điều này có vẻ còn lâu mới xảy ra, nhưng chúng ta vẫn đang có hàng triệu trẻ em được sinh ra, những người đáng lẽ sẽ sống khỏe mạnh vào thế kỷ 22”.

Lính cứu hỏa đang dập cháy rừng tại Bồ Đào Nha

Theo Giáo sư Rowan Sutton, Trung tâm Khoa học khí quyển quốc gia của Đại học Reading, đối phó với cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu có nghĩa là phải thực hiện các hành động khẩn cấp.

Tuy nhiên, đó sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, như ông Nick Starkey, Giám đốc Chính sách của Học viện Kỹ thuật Hoàng gia Anh, đã chỉ ra rằng, Vương quốc Anh không đạt được các mục tiêu carbon hiện có và mục tiêu giảm 78% lượng khí thải vào năm 2035 của Anh cũng khó đạt được nếu không có các biện pháp năng lượng hiệu quả sâu rộng.

Điều cần thiết là “một tầm nhìn toàn xã hội”, một kế hoạch quốc gia được đưa ra sẽ đảm bảo thực hiện tất cả các chính sách khác nhau từ giao thông đến sản xuất điện, từ sưởi ấm trong nhà đến hoạt động nông nghiệp. Theo ông Joeri Rogelj,  Giám đốc nghiên cứu tại Viện Grantham, Đại học Hoàng gia London, chúng ta cần đưa ra các chính sách trong toàn xã hội nếu không, các mục tiêu sẽ chỉ là những lời hứa suông.

Bảo Trâm (Theo Guardian)

Bài mới
Đọc nhiều