+
Aa
-
like
comment

Mua giấy tâm thần: Khi tin đồn có thật!

Thành An - 18/06/2024 09:59

Nhiều năm qua, những tin đồn râm ran về việc mua giấy tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự không phải là ít. Thậm chí còn có lời đồn thổi cho rằng những băng nhóm tội phạm luôn có sẵn các giấy chứng nhận tâm thần để tha hồ tung hoành. Thế nhưng đó chỉ là những lời đồn thổi cho đến khi Bộ Công an trực tiếp xử lý các vi phạm xảy ra tại các BV Tâm thần, Viện Pháp y Tâm thần thì đây không còn là lời đồn nữa.

Những ngày qua, Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa, trung tâm Pháp y Tâm thần của cả miền Nam trở nên hỗn loạn, thậm chí đơn vị này phải gửi công văn cầu cứu Bộ Y tế. Lý do là hàng loạt lãnh đạo, cán bộ đơn vị này hoặc đã bị bắt giam khởi tố, hoặc đang trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra. Dẫn đến việc Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa không thể hoạt động bình thường được.

Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm giám định tâm thần cho 10 tỉnh thành phía Nam và đào tạo chuyên môn.

Chiều 16/6, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa tại tỉnh Đồng Nai đã có văn bản hỏa tốc báo cáo Bộ Y tế liên quan đến việc đơn vị này đã có 13 cán bộ quản lý, bác sĩ bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt giữ và triệu tập làm việc.

Tại văn bản này, ông Nguyễn Văn Đức, Phó Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa đã báo cáo diễn biến mới nhất về việc Cơ quan Cảnh sát điều tra khám xét và triệu tập một số viên chức của đơn vị.

Theo đó, sáng cùng ngày, Công an đã khám xét nơi ở của ông Lê Văn Hùng, Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa và triệu tập ông Nguyễn Thành Công, Phó Viện trưởng phụ trách chuyên môn về TP Hồ Chí Minh để phối hợp điều tra.

Đến nay đã có 11 viên chức của Viện và 2 cán bộ đã nghỉ hưu bị khám xét và triệu tập để làm việc, gồm:

– Nguyễn Văn Trọng, bác sĩ, Trưởng khoa Điều trị bắt buộc nam 1;

– Lý Thị Hoài Nam, bác sĩ, Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu;

– Lâm Thị Ánh Hồng, Điều dưỡng trưởng Khoa Giám định;

– Nguyễn Văn Thành, bác sĩ, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Điều trị bắt buộc nữ tổng hợp;

– Đặng Quốc Tuyên, Trưởng khoa Kế hoạch tổng hợp;

– Nguyễn Thị Huyên, bác sĩ, Trưởng khoa Điều trị bắt buộc nam 4;

– Trương Thị Xuân Uyên, bác sĩ, Phó khoa phụ trách Khoa Điều bị bắt buộc nam 2;

– Phạm Văn Thắng, bác sĩ, Phó trưởng khoa Điều trị bắt buộc nam 4;

– Hà Ngọc Khánh, bác sĩ Khoa Điều trị bắt buộc nam 1.

Hai cán bộ của Viện đã nghỉ hưu là Bùi Thế Hùng, bác sĩ, nguyên Viện trưởng; Nguyễn Thành Quang, nguyên Trưởng khoa Kế hoạch tổng hợp kiêm Trưởng khoa Giám định.

Theo ông Đức, tình hình ở Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa hiện rất cấp bách, đơn vị báo cáo hỏa tốc và xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế để có phương án ổn định nhân lực công tác.

Việc bắt giữ và triệu tập nhiều cán bộ quản lý và bác sĩ và nhân viên của Viện Pháp y tâm thần Biên Hòa là để điều tra, làm rõ việc lập hồ sơ liên quan đến kết quả giám định và điều trị cho bệnh nhân tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa.

Từ vụ bắt nhiều bác sĩ ở viện trên, một luật sư đang làm việc ở tỉnh Đồng Nai nhận định: “Trên thực tế, việc một số bác sĩ tiếp tay, làm giả hồ sơ tâm thần để làm “lá bùa hộ mệnh” cho những kẻ phạm pháp đã từng xảy ra”.

Thực tế, từ giữa năm 2018, cơ quan điều tra từng bắt hai bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 nhận tiền để làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần. Sau đó, công an rà soát 94 hồ sơ bệnh án, phát hiện có đến 41 hồ sơ là của các đối tượng phạm pháp hình sự nhằm trốn tránh việc xử lý của cơ quan pháp luật.

Kết luận giám định pháp y, pháp y tâm thần là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Kết luận giám định đúng đắn sẽ giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án chính xác, khách quan, không để bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Vì vậy, khi bác sĩ tham gia giám định tâm thần tiêu cực, làm sai lệch hồ sơ không chỉ vi phạm đạo đức, nghề nghiệp mà còn tiếp tay cho tội phạm…

Tại Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa có những kết quả giám định từng khiến các cơ quan tố tụng lúng túng trong xử lý các vụ án.

Cụ thể, tháng 10/2019 Công an TP.HCM khởi tố, bắt giam bà Trần Thị Mỹ Hiền, nguyên giám đốc Công ty TNHH Đất Vàng Hoàng Gia, cùng đồng phạm phân lô đất nền dự án, lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên 816 tỉ đồng.

Phía gia đình bà này đưa ra kết luận giám định pháp y thể hiện bà Hiền bị tâm thần. Vì vậy, Công an TP.HCM đề nghị một trung tâm giám định pháp y tâm thần tại TP.HCM (thuộc Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa) giám định tâm thần đối với Hiền.

Sau đó, viện này kết luận “đương sự mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”. Cho rằng kết luận pháp y chưa đảm bảo khách quan, cơ quan điều tra đã ra quyết định trưng cầu giám định đề nghị Viện Pháp y tâm thần trung ương (Hà Nội) giám định lại.

Tháng 9/2020, cơ quan này cũng có kết luận bà Hiền “mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi” như Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa kết luận. Do kết quả không thay đổi, Công an TP.HCM phải tạm đình chỉ bị can, đưa bà Hiền chữa bệnh bắt buộc tại Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa. Tuy nhiên, ngày 18/3/2024 Công an TP.HCM nhận được thông báo bà Hiền đã bỏ trốn khỏi viện.

Một vụ khác liên quan Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa là trường hợp bệnh nhân dính án ma túy đi “chữa bệnh bắt buộc” rồi trốn khỏi viện. Cụ thể, bà Tống Thị Bạch Lan (ngụ quận 7, TP.HCM) bị TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm và tuyên phạt mức án tử hình về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”. Bà Lan kháng cáo và được tòa án cấp cao tại TP.HCM cho đi giám định tâm thần.

Ngày 22/7/2020, Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa kết luận: “Tại thời điểm gây án, đương sự bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, hiện nay đương sự mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”.

Do đó, tòa ra quyết định tạm đình chỉ, bị cáo Lan phải đi trị bệnh bắt buộc. Ngày 17/8/2020, bị cáo Tống Thị Bạch Lan được đưa đến khoa điều trị bắt buộc nữ của Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa để điều trị. Nhưng chỉ năm ngày sau, bà Lan bỏ trốn khỏi viện.

Đến ngày 2/6/2022, công an bắt quả tang bà Tống Thị Bạch Lan mang theo 10 bánh heroin (hơn 3,5kg) tại địa bàn quận 8 (TP.HCM). Khi điều tra, công an xác định Tống Thị Bạch Lan chính là “bệnh nhân” đã trốn ở Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa…

Khi đó, trả lời về lý do để bà Lan bỏ trốn rồi đi mua bán ma túy, bác sĩ Nguyễn Thành Quang (nguyên trưởng phòng kế hoạch tổng hợp kiêm trưởng khoa giám định, vừa bị bắt giam) giải thích: “Bệnh nhân Lan được cho áp dụng liệu pháp trị liệu nên cho ra ngoài lao động trong khuôn viên viện như nhổ cỏ, tưới cây, quét sân, đổ rác… rồi bỏ trốn”.

Từ những thông tin trên có thể thấy, việc giám định pháp y tâm thần cũng như quản lý bệnh nhân tâm thần phải điều trị bắt buộc có liên quan đến vi phạm hình sự thực tế đã có rất nhiều sai phạm, kéo dài trong nhiều năm. Việc xử lý các vi phạm là điều hiển nhiên nhằm khôi phục trật tự trong hoạt động giám định pháp y tâm thần, đảm bảo sự công bằng của hoạt động tư pháp.

Thế nhưng xa hơn, việc giám sát quản lý các trung tâm giám định pháp y tâm thần cần được đảm bảo theo đúng tính chất của hoạt động tư pháp. Hiện nay, các trung tâm này đều trực thuộc Bộ Y tế, việc này chỉ đảm bảo tính chuyên môn chứ chưa đảm bảo được quá trình hoạt động đúng pháp luật.

Từ lẽ đó, cần thiết xem xét đưa các trung tâm pháp y có hoạt động Giám định pháp y hình sự về trực thuộc các cơ quan tư pháp để đảm bảo hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện nghiêm minh theo đúng pháp luật hơn.

Thành An

Bài mới
Đọc nhiều