+
Aa
-
like
comment

Mua ghế quan chức “dễ” như trúng Vietlott

Lương Hoàng - 19/01/2021 13:44

Tuần qua, ngồi trà đá vỉa hè cùng mấy chú xe ôm truyền thống, nghe chém gió với nhau về cái chuyện mua ghế quan chức thú vị vô cùng. Ở nước láng giềng (là ai chắc ai cũng hiểu), cái chuyện mua ghế quan chức chục triệu nhân dân tệ diễn ra như cơm bữa. Còn ở Việt Nam, mua ghế quan chức nói thì “dễ như” trúng Vietlott ấy chứ. 

Chạy chức là con đường ngắn nhất chạy đến… nhà tù. Trong ảnh, đối tượng Hoa Hữu Long cầm đầu đường dây giả danh tướng quân đội lừa đảo 83,5 tỉ đồng chạy việc cho 950 người hầu tòa

Việc trúng Vietlott với người dân Việt Nam là chuyện cực kỳ hiếm hoi, hiếm hoi đến mức nhiều người còn cho rằng chả có ai trúng thật. Và có vẻ như nó đúng với câu chuyện mua ghế quan chức. Làm gì có ai bán mà mua ngoại trừ phường lừa đảo. Thế nên, ở Việt Nam, ai mà nghĩ dùng tiền mua được ghế quan chức thì quá viễn vong và quá sức hồ đồ. Vụ vừa có thêm một nạn nhân mất trắng 27,7 tỷ đồng vì nghĩ rằng chạy được chức Vụ phó là điển hình cụ thể nhất.

Ở đây, khẳng định luôn là người đi chạy chức đã quá ngây thơ và hiểu biết nông cạn mới tin lời rao giảng của kẻ lừa đảo dùng tiền mua ghế quan chức ở Việt Nam. Vì sao ư? Nhìn vào quy trình bổ nhiệm một cán bộ giữ chức phó phòng ở cấp phường, thị xã thôi đã nhiêu khê và kênh qua nhiều giai đoạn rồi, nói gì đến chức Vụ phó trong Chính phủ. Chỉ cần một chút tỉnh táo là tìm thấy ngay cái quy trình bổ nhiệm Vụ phó, phải qua nhiều bước nghiêm ngặt, chứ nào phải dễ như bỏ tiền ra mua vé số.

Ví dụ như Vụ Kinh tế cần thêm một Vụ phó, đầu tiên phải báo cáo phó ban thường trực xin chủ trương. Chủ trương phải được tập thể lãnh đạo ban họp, biểu quyết. Bước hai, có chủ trương rồi, Vụ Kinh tế giới thiệu nhân sự, lấy phiếu giới thiệu về các ứng viên trong quy hoạch. Kế đến, kết quả lấy phiếu tiếp tục được báo cáo lên để tập thể lãnh đạo ban họp, định hướng chọn người. Bước tiếp theo, những ứng viên được chọn trở lại lấy phiếu tín nhiệm ở vụ, rồi lại báo cáo kết quả lên trên. Tín nhiệm quá bán thì tập thể lãnh đạo sẽ xem xét, quyết định bổ nhiệm, còn không quá bán thì thôi. Ở khâu này, lãnh đạo ban còn đưa nhân sự đó ra lấy ý kiến đảng ủy cơ quan. Nhiêu khê vậy đó, nhưng mới chỉ là ½ của chặng công tác cán bộ – bổ nhiệm nhân sự. Còn phía cấp Bộ nữa, đến khi Chính phủ ban hành quyết định bổ nhiệm là cả chặng đường.

Một quy trình khép kín, và được soi xét cẩn thận từ năng lực, đóng góp của cá nhân đó trong quá trình công tác, được tập thể biểu quyết, thì người ngoài có làm cách nào cũng không thể ngang nhiên chọt chân vào mà “mua chức” được. Tiền nào có thể mua được lá phiếu của tập thể cơ quan?

Thế đấy, một người muốn mua cái chức Vụ phó còn không mua được, thì lấy đâu ra chuyện như thành phần cơ hội chính trị nửa mùa “Lưu Trọng Văn” rao giảng rằng tất cả các cán bộ đang đảm nhiệm chức vụ hiện nay là “mua” bằng tiền.

Việc người bỏ tiền chạy chức, như “nạn nhân” mất trắng 27,7 tỷ ở trên nhưng không mua được chức là dẫn chứng rõ nhất cho thấy rõ nhất về sự vận hành tối ưu của hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung, quy trình bổ nhiệm cán bộ nói riêng. Tại Việt Nam, tiền không mua được chức vụ, cũng như không mua được “tấm bình phong” để che lấp tội trạng. Việc hàng loạt các vụ việc lừa đảo nhận tiền mua chức, mua ghế được đưa ra ánh sáng pháp luật trong thời gian vừa qua, và hàng loạt quan chức sai phạm lắm tiền từ Ủy viên Bộ Chính trị, đến cán bộ cấp phường, xã tham nhũng bị đưa ra xét xử trước vành móng ngựa, cũng là minh chứng xác thực nhất, cho thấy về sự kiểm soát quyền lực của cán bộ – công chức, và sự thượng tôn của pháp luật Việt Nam.

Và cuối cùng, đúc kết lại vấn đề, ai mà nói “mua ghế quan chức dễ như trúng Vietlott”, thì bạn chớ vội tin, và phải nghe thật kỹ xem họ đang nói đến quốc gia láng giềng của Việt Nam!

Lương Hoàng

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều