Mùa chặt chém, rau muống 40 ngàn, riêu cua 100 ngàn, khẩu trang 5 triệu
Lợi dụng tâm lý người dân lo sợ nhiễm virus corona, nhiều cửa hàng tăng giá khẩu trang y tế gấp 2-3 lần thậm chí 20 lần ngày thường song vẫn “cháy hàng”. Các loại dung dịch rửa tay khô cũng giá tăng gấp 2-3 ngày thường.
1 hộp khẩu trang 5,5 triệu, dung dịch rửa tay tăng giá gấp 3
Dịch bệnh viêm phổi do virus corona gây ra ngày càng diễn biến phức tạp khiến cơn sốt khẩu trang chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trên thị trường, các loại khẩu trang tăng giá phi mã lên gấp 2-3 lần, thậm chí có loại bị hét giá tăng gấp 20 lần so với ngày thường, lên mức 5,5 triệu đồng cho một hộp khẩu trang 100 chiếc xuất xứ Nhật Bản.
Nhiều cửa hàng thuốc đã đẩy giá khẩu trang lên theo từng khung giờ. Còn nhiều người dân không cần quan tâm tới ngày sản xuất, giá cả bao nhiêu miễn là chen lấn để mua cho gia đình được 1-2 hộp khẩu trang về sử dụng.
Ngoài khẩu trang y tế, các loại dung dịch rửa tay khô phòng ngừa bệnh viêm phổi do virus corona gây ra cũng trong tình trạng “cháy hàng’, loạn giá. Một số nơi tranh thủ bán giá tăng gấp 2-3 ngày thường.
Bún riêu cua, bánh đa cá gần 100.000 đồng/bát vẫn đắt khách
Chán ngán bánh chưng và đặc sản ngày Tết, nhiều người tìm ăn bát bún ốc riêu cua. Nắm được tâm lý này, nhiều quán bún ốc riêu cua đã khai xuân từ ngày mùng 2, mùng 3 Tết, thu lợi nhuận tiền triệu mỗi ngày.
Tại một số cửa hàng trên địa bàn Hà Nội, dù bát bún ốc giá đắt gấp rưỡi ngày thường, có cửa hàng lên tới 60.000 đồng/bát nhưng vẫn được các “thượng đế” chấp nhận.
Giá bánh đa cá rô cũng tăng chóng mặt. Tại một cửa hàng chuyên bán bánh đa cá rô ở phố Hoàng Cầu, Hà Nội, bát bình thường có giá 50.000 đồng, bát đặc biệt có giá 70.000 đồng, trong khi ngày bình thường, giá bát bình thường là 40.000 đồng và bát đặc biệt là 50.000 đồng.
Quán ăn, cà phê ở TP.HCM “nhảy giá” đuổi không hết khách
Ngày mùng 1 Tết, hầu hết các dịch vụ tại TP.HCM đều đóng cửa, tuy vậy, một số ít quán ăn, tiệm cà phê vẫn mở cửa. Các quán ăn bán những món truyền thống như hủ tíu, bánh canh, cơm tấm… phục vụ 24/24.
Do nhiều hàng quán nghỉ nên những hàng quán bán hàng xuyên tết đều có lượng khách tăng vọt. Do khách đến rất đông, nhiều nơi kê thêm bàn ra vỉa nhưng vẫn không đủ chỗ cho “thượng đế”.
Theo các chủ quán, những ngày nghỉ Tết quán sẽ bán gấp 3 lần ngày thường, giá cả cũng tăng khoảng 30% vì nhân công cao.
Chợ mùng 5 Tết: Rau quả tăng giá gấp 4
Tại các khu chợ thuộc quận Hoàng Mai (Hà Nội) vào sáng mùng 5 Tết Canh Tý, hàng thịt còn mở bán ít nhưng hàng rau củ quả đã mở bán tương đối nhiều nhưng giá hầu hết các loại rau xanh đều tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3-4 lần ngày thường.
Đơn cử, su hào tăng lên 15.000 đồng/củ, bắp cải lên 30.000 đồng/kg, rau cần cạn lên mức 50.000 đồng/kg. Các loại khác như rau cải, mồng tơi, cải cúc giá tăng gấp đôi, lên mức 10.000 đồng/mớ; cải chíp 15.000 đồng/mớ; cải thảo cũng tăng giá gấp đôi lên 40.000 đồng/kg; rau muống 40.000 đồng/mớ; cà chua tăng giá gấp 3 lên 60.000 đồng/kg;…
Theo các tiểu thương, nguyên nhân giá rau đắt là bởi trong Tết ở Hà Nội và các tỉnh thành lân cận có mưa lớn và mưa đá, rau nát nhiều.
700.000 đồng/lạng thịt bò ở chợ cóc ngày mùng 2 Tết
Mùng 2 Tết, các chợ cóc đã bắt đầu xuất hiện các tiểu thương bán thực phẩm, nhưng giá cả lại đắt đỏ đến khó tin. Tại một số chợ cóc tự họp khu vực chợ Nghĩa Tân (Hà Nội), giá cho 1kg thịt bò lên đến 700.000 đồng, thịt lợn là 400.000/kg.
Trong khi đó, giá thịt lợn thăn được bán ở các chợ dân sinh cao hơn so với những ngày giáp Tết, có nơi bán với giá 250.000 đồng/kg. Còn thịt bò thăn loại I từ 280.000-350.000 đồng/kg; giá gà ta lông 120.000-150.000 đồng/kg…
Không chỉ thịt mà mặt hàng cá tôm cũng tăng giá vào ngày đầu năm mới. Tại các chợ ở Hà Nội, Hải Phòng, giá cá tươi tăng 20.000-30.000 đồng mỗi kg, tuỳ loại. Tôm tươi cũng tăng giá mạnh: Tôm sú loại to tăng 50.000 đồng, lên 350.000 đồng/kg tôm sú loại nhỏ 280.000 đồng/kg, tăng 50.000-70.000 đồng…
Dưa hấu, thanh long ế ẩm do Trung Quốc ngừng mua
Vài ngày lại đây, hàng chục tấn dưa hấu hắc mỹ nhân chất đống trên vỉa hè đường Giải Phóng (Thanh Xuân, Hà Nội) và được rao bán với giá rẻ, chỉ 8.000 đồng/kg. Theo lời người bán, dưa hấu này được thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng dịp này phía bên kia dừng nhập, hàng ế không xuất được.
Những ngày gần đây, tại các tỉnh miền Nam cũng có thông tin chôm chôm tại các nhà vườn ở Vĩnh Long, Bến Tre giảm xuống chỉ còn 9.000-10.000 đồng/kg, trong khi trước Tết giá vẫn ở mức 16.000 đồng/kg.
Trước đó, giá thanh long ruột trắng ở các nhà vườn miền Nam cũng giảm mạnh xuống còn 10.000 đồng/kg cân xô, thanh long ruột đỏ loại 1 giảm xuống còn 25.000-27.000 đồng/kg, loại 2 giảm còn 20.000 đồng/kg.
Nguyên nhân là do thị trường Trung Quốc đang giảm nhập hàng, cùng với đó nguồn cung tăng mạnh khiến giá các loại hoa quả này đồng loạt lao dốc.
Loạn ‘chặt chém’ tiền gửi xe tại các điểm du xuân ở Hà Nội
Ghi nhận tại một số điểm di tích, thắng cảnh như đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc… cho thấy lượng khách thập phương đi lễ cầu an đầu xuân khá đông. Tại một số điểm du xuân tâm linh nổi tiếng như chùa Trấn Quốc, Bờ hồ Hoàn Kiếm,… giá vé gửi xe máy, xe máy điện tự phát đã cao gấp đôi, thậm chí gấp 45 lần so với quy định.
Những điểm trông giữ tự phát, tự ý thu giá cao này đã khiến không ít khách du xuân bất bình, làm ảnh hưởng mỹ quan đô thị, trật tự đô thị từ những cảnh “chèo kéo” khách hàng.
‘Chặt chém’ ngày Tết đĩa cơm và tô hủ tiếu 500 ngàn
Chiều 22/1 (ngày 28 Tết), mạng xã hội xuất hiện clip của một người cho rằng mình bị một quán cơm không tên trên Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An “chặt chém”.
Theo thông tin trong clip, tối 21/1, anh T. cùng em gái trên đường về quê ở Trà Vinh thì dừng chân tại quán cơm này và gọi một tô hủ tíu, một dĩa cơm. Chủ quán tính tiền tổng cộng hai món thức ăn trên với giá lên đến 500.000 đồng.
Cũng theo thông tin từ clip, chủ quán còn có hành vi đánh khách khi khách quay phim cuộc cự cãi về giá cả tại quán.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)