+
Aa
-
like
comment

Một vụ án ở Việt Nam hà cớ gì khiến các tổ chức quốc tế “quan tâm” sát sao đến vậy?

Hải Anh - 10/09/2020 17:44

Vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Đồng Tâm đã rõ ràng, đây là việc pháp luật của Việt Nam xử lý những công dân vi phạm để bảo đảm an ninh, trật tự của quốc gia – là công việc nội bộ của Việt Nam mà bất cứ quốc gia nào cũng phải làm, thế mà tổ chức nhân quyền quốc tế HRW lại lợi dụng việc này để hòng tạo cớ, gây áp lực với các chính phủ phương Tây có cái nhìn kỳ thị và nhiều mục tiêu khác để hạ bệ Việt Nam trên trường quốc tế.

Cụ thể, khi phiên toà xét xử vụ án Đồng Tâm diễn ra, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch), bày tỏ sự quan ngại trên Facebook cá nhân:

“Có nhiều điều rất đáng lo ngại về thủ tục tố tụng và quyền được xét xử công bằng đối với 29 dân làng đang bị truy tố vì vụ việc ở Đồng Tâm. Tra tấn và bức cung vẫn phổ biến trong các trại giam của công an Việt Nam. Tòa án độc lập là điều xa vời và các bản án do đảng Cộng sản định sẵn là đặc thù của cái gọi là hệ thống tư pháp Việt Nam. Quyền gặp luật sư của bị cáo cực kỳ bị giới hạn và chỉ được thực hiện sau khi công an đã thực hiện xong việc thẩm vấn, lấy cung và điều tra.

Vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời về những gì đã xảy ra trong vụ đột kích vào Đồng Tâm, và có lẽ sẽ không bao giờ được trả lời trong hoàn cảnh Hà Nội đang gấp rút kết án các bị cáo. Một điều khá rõ là chính quyền muốn trừng trị các bị cáo bằng bản án rất nặng để răn đe những ai dám chống lại quyền lực nhà nước trong tương lai.

Với sự quan tâm rộng khắp của công luận, Việt Nam cần để cho các nhà quan sát độc lập quốc tế – gồm cả giới ngoại giao, báo chí và tổ chức phi chính phủ – theo dõi phiên tòa, và chấm dứt việc sách nhiễu và theo dõi gia đình của các bị cáo”.

Phiên toà xét xử vụ án Đồng Tâm diễn ra, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch), bày tỏ sự quan ngại trên Facebook cá nhân

Về bản chất, nguyên nhân và diễn biến của vụ việc đã được các cơ quan ngôn luận đưa tin rất kịp thời, khách quan và chính xác. Rồi đây, những kẻ thủ ác với âm mưu đen tối, ngông cuồng và ngu muội của mình chắc chắn sẽ chịu sự trừng trị nghiêm minh của pháp luật.

Không chỉ tổ chức giám sát nhân quyền mà RFA cũng tranh thủ giật tít “Đại sứ quán Hoa Kỳ tiếp tục theo dõi sát vụ Đồng Tâm” trong ngày 07/9. Nhưng thực tế đại sứ quán Hoa Kỳ không hề có bất cứ một phát ngôn nào về vụ Đồng Tâm trên trang web hay trang facebook chính thức. Thực chất, đây chỉ là chiêu bài “ném đá dấu tay” của RFA. Với những kẻ “lưỡi không xương” mang danh “nhà báo” này không có gì là không thể xuyên tạc được, kể cả mượn danh Đại sứ quán Mỹ?

Nếu thực sự đại sứ quán Hoa Kỳ hay tổ chức giám sát nhân quyền muốn theo dõi, dự phiên toà thì cũng không được vì chẳng luật pháp nào cho phép một nước có quyền ngang ngược đưa ra yêu sách cho nước sở tại như thế? Hơn nữa, vụ án chống người thi hành công vụ tại xã Đồng Tâm đã được cơ quan chức năng làm rõ như ban ngày, Hội đồng xét xử đã tiến hành các bước vô cùng thận trọng, chặt chẽ, khách quan, chính xác; các bị cáo đã cúi đầu nhận tội với cáo trạng đã đưa ra thì còn gì nữa để bàn cãi, để ngụy biện?

Có thể nói hành động của HRW đã vi phạm nghiêm trọng công ước và nguyên tắc quốc tế về cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Đặc biệt trong Hiến chương Liên Hợp quốc năm 1945 lần đầu tiên đã quy định về nguyên tắc cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác ở Điều 2. Sau đó, tại Nghị quyết 2625 năm 1970 của Đại hội đồng LHQ, nguyên tắc cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác tiếp tục được ghi nhận cụ thể và rõ ràng hơn. Thế nhưng HRW lại bỏ qua những quy tắc ấy. Đây không chỉ là lần đầu tiên HRW đòi can thiệp nội bộ, xuyên tạc nhân quyền Việt Nam, HRW còn nhiều lần đòi trả tự do cho một số đối tượng “dân chủ” chống phá nhà nước Việt Nam.

Hiện nay các thông tin tuyên truyền chống phá Đảng, nhà nước liên quan đến sự việc xảy ra tại Đồng Tâm được các đối tượng tích cực phát tán trên mạng xã hội với nhiều bằng chứng, lý lẽ thủ đoạn tinh vi nhằm tạo ra sự tò mò, thu hút người đọc để tăng khả năng tương tác chia sẻ để chúng thực hiện các tuyên bố, kiến nghị tạo dư luận gây áp lực đối với chính quyền. Thế nhưng tất cả thủ đoạn đó sẽ không thể che đậy tội ác của những bị cáo trong vụ Đồng Tâm. Vì thế mỗi người dân cần phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về sử dụng, đăng tải thông tin trên mạng xã hội. Tuyệt đối không bị các thông tin có nội dung tuyên truyền chống phá nhà nước xuyên tạc bản chất vụ án.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều