+
Aa
-
like
comment

Một Việt Nam hùng cường và tâm thức phụng sự

Văn Dân - 26/03/2021 12:29

Rất thú vị khi nhắc lại câu nói ấn tượng của bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khẳng định tại Diễn đàn “Người Việt có tầm ảnh hưởng” ở Pháp hồi tháng 3/2019: “Nếu có một dân tộc nào khát khao và xứng đáng ở vị trí đặc sắc trong mắt của thế giới thì đó nên là Việt Nam. Đã đến lúc đất nước phải bước ra và chiếm lấy vị trí dưới ánh mặt trời”. Có lẽ khát vọng về một vị trí xứng đáng trên trường quốc tế cho Việt Nam không chỉ là của riêng bà Ninh và không chỉ ở thời điểm hiện tại mà điều đó luôn nằm trong huyết quản của người Việt được truyền nối qua bao thế hệ. Chỉ có điều, ở thời điểm hiện tại, khát vọng hùng cường cho Việt Nam trở nên mạnh mẽ và thôi thúc.

Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng; Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, tại phiên khai mạc hội nghị Trung ương 2 (khóa XIII) sáng 8/3

Chưa bao giờ cụm từ “Việt Nam hùng cường” lại được nhắc tới nhiều như thời gian vừa qua. Mục tiêu hướng tới năm 2045 không gì khác chính là tấm bản đồ dẫn đường của cuộc hành trình và nó cho ta thấy rõ những điều gì là hy vọng, đó chính là khát vọng đất nước hùng cường, Tổ quốc hưng thịnh, muôn dân ấm no. Hướng tới mục tiêu năm 2045 chính là khát khao, là ý nguyện của đồng bào cả nước. Khát khao sẽ hình thành ý chí. Ý chí sẽ thành hành động. Hành động tạo nên vận mệnh. Tôi cũng mơ đến một Việt Nam hùng cường trong tương lai gần. Một Việt Nam hùng cường thực sự, là chốn bình yên nhất cho nhân dân, trong đó có con cháu tôi. Mơ lắm và mong lắm…

Chúng ta đặt mốc 2045 trở thành nước phát triển, có nghĩa thu nhập bình quân đầu người tối thiểu phải đạt 20.000 USD. Với mức hiện tại khoảng 2.700 USD, chúng ta phải tăng trưởng bình quân 7,5 – 8%/năm từ nay đến năm 2045, phải có một khát vọng thực sự cháy bỏng. Chẳng mấy khó hiểu khi không ít người Việt mình tỏ ra thiếu tin tưởng vào mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao. Không ít người cười khẩy với dự báo của PwC rằng năm 2050 Việt Nam sẽ là nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới tính theo PPP. Cũng có rất nhiều người Việt mình nhất định không tin dự báo của CEBR rằng năm 2035 Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 19 thế giới, thứ 2 Đông Nam Á. Đúng là tranh luận về tương lai 15-25 năm nữa, về những con số và thứ hạng kinh tế của tương lai thì hiển nhiên mỗi quan điểm đều phụ thuộc rất lớn vào góc nhìn của mỗi người, rất khó thống nhất.

Tác giả soi chiếu lại số liệu trong quá khứ 25 năm qua (từ 1995 đến 2020) của kinh tế Việt Nam được các tổ chức quốc tế ghi nhận chỉ ra, sau 25 năm, thu nhập đầu Việt Nam đã cao gấp 9,75 lần, tăng 54 hạng (từ 175 lên 121 trong ASEAN vượt qua Philippines) và về quy mô nền kinh tế lớn gấp 12,9 lần, vượt qua 21 quốc gia. Điều đó có nghĩa rằng 25 năm qua chúng ta đã làm được kỳ tích, đưa nền kinh tế tăng gấp 10 lần cả về quy mô lẫn mức sống của người dân, tăng 21 hạng về quy mô nền kinh tế và tăng 54 hạng về thu nhập đầu người trên bảng xếp hạng các quốc gia. Thế thì lẽ nào chúng ta không dám mơ, không dám tin rằng 20-30 năm tới chúng ta cũng làm được điều tương tự, miễn là chúng ta có khát vọng đủ lớn, tiếp tục đổi mới, cải cách về thể chế, tiếp tục tự do hóa nền kinh tế, đẩy mạnh kinh tế tư nhân, đẩy mạnh khoa học và công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nữa.

Và điều quan trọng hơn cả như có những lời đã trở thành chân lý, đó là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Việt Nam đã từng là quốc gia Đại Cồ Việt, nay đang kỳ vọng tiến tới một quốc gia hùng cường. Kỳ vọng này có thành hiện thực hay không, suy cho cùng là tùy thuộc vào việc thực hiện chân lý trên đây đối với khối đại đoàn kết toàn dân. Chân lý này như một cẩm nang, khi mở ra có thể tìm được câu trả lời cho mọi thành, bại ở tầm quốc gia, dân tộc. Muốn quốc gia hùng cường thì trước hết phải có nền kinh tế hùng cường. Muốn có nền kinh tế hùng cường thì nhất thiết phải có một Chính phủ giỏi, cùng chung sức chung lòng hun đúc một ý chí tất cả vì lợi ích quốc gia dân tộc phụng sự.

Chỉ thời gian ngắn nữa thôi, bộ máy lãnh đạo mới cũng định hình rõ nét hơn, tác giả đặc biệt chú ý đến nhận định của PGS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, ĐH Quốc gia Singapore về phương án nhân sự mới rằng: “Đây là một phương án rất đặc sắc. Cả bốn con người này tôi đều đã gặp rồi nên hiểu rất rõ. Họ đều thể hiện khá rõ về tầm hiến dâng cho sự phát triển của đất nước, đều một lòng một dạ cống hiến để lại di sản về sau”. Mọi sự còn ở phía trước, tương lai sẽ không nằm trên đường kéo dài của quá khứ, hơn lúc nào hết đất nước Việt Nam, từng cá nhân cần chung khát vọng lớn, hãy là một phần của quá trình thay đổi kỳ diệu ấy, kiến tạo đại thành công, kiến tạo kỳ tích hùng cường cho đất nước, chứ không phải là người đứng bên lề. Có “giấc mơ Mỹ”, lại có “giấc mộng Trung Hoa”, chúng ta có khát vọng về quốc gia thịnh vượng và hiện đại là chuyện đáng mừng chứ!.

Văn Dân 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều