Một vị thế rất khác của Việt Nam trong chuyến công du đặc biệt của Thủ tướng
Tham dự Hội nghị COP26, Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn với cộng đồng quốc tế từ những cam kết hành động chống biến đổi khí hậu đầy trách nhiệm. Nhưng điều khiến giới quan sát quan tâm nhiều hơn chính là những “dấu chấm hỏi” lớn về hợp tác giữa Việt Nam và các cường quốc, sau một loạt sự kiện Thủ tướng Việt Nam tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo các quốc gia, truyền đi thông điệp mạnh mẽ, rộng khắp truyền thông đại chúng.
Từ những cuộc gặp đặc biệt
Không phải ngẫu nhiên mà giới quan sát có nhiều sự quan tâm, dành sự chú ý đặc biệt với Việt Nam. Dõi theo hành động của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị COP26, ngoài vấn đề về biến đổi khí hậu, ngoài việc tiếp lãnh đạo các quốc gia châu Âu, Thủ tướng Việt Nam còn tiếp lãnh đạo các quốc gia Mỹ, Hàn Quốc, Canada, Ấn Độ, Thái Lan, lãnh đạo các ngân hàng thế giới và các nhà doanh nghiệp danh tiếng đang chi phối kinh tế toàn cầu. Đáng chú ý nhất, tại Hội nghị COP26 ngay khi nhận diện sự có mặt của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đứng lên, tiến tới bắt tay và trao đổi. Đây là điều hy hữu, không phải vị lãnh đạo nào cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt này, đồng thời cũng là điều ao ước của nhiều nguyên thủ.
Một cuộc gặp gỡ diễn ra trong thời gian ngắn ngủi, có cuộc gặp chỉ từ 15 đến 30 phút nhưng trong bối cảnh dịch Covid các quốc gia hạn chế các chuyến thăm viếng ngoại giao, thì mỗi cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Việt Nam với lãnh đạo các quốc gia vô cùng hiếm hoi, đáng giá ngàn vàng. Vài chục phút đặc biệt ấy cũng đủ cho các nhà lãnh đạo bàn thảo với nhau những vấn đề chiến lược quan trọng, những thỏa thuận ngầm và những hợp tác song phương trên nhiều bình diện.
Mà thông qua những cuộc gặp gỡ trực tiếp này, có thể có rất nhiều những cam kết tạo cơ hội cho nhau hợp tác phát triển, nhiều lời hứa từ danh dự được ra đời. Thứ mà mọi người nhìn thấy rõ nhất là cam kết hỗ trợ vaccine, trợ giá vaccine cho Việt Nam qua nhiều hình thức, cũng như cam kết nỗ lực của Việt Nam trong công tác chống dịch, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và đang mở cửa cho các hoạt động kinh tế – giao thương trở lại bình thường. Cũng tại COP26 này, nhiều doanh nghiệp đã gặp trực tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết tiếp tục đầu tư dòng vốn lớn và mở rộng quy mô hãng xưởng tại Việt Nam, trong đó có ông chủ thương hiệu giày nổi tiếng ai cũng biết – NIKE.
Những động thái trên càng co thấy rõ sự chủ động của lãnh đạo Việt Nam trên trường quốc tế. Tham dự COP26 quan trọng nhưng quan trọng hơn, đó là cơ hội cho Việt Nam gặp mặt trực tiếp các cường quốc và mở ra nhiều hợp tác “hậu COP26”. Tham gia một Hội nghị nhưng Việt Nam hướng tới đạt nhiều mục tiêu. Tuy nhiên, điều thú vị, đáng để theo dõi trong chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính chưa dừng ở đó.
Tham dự COP26, thăm Anh, ký kết thêm 26 văn bản hợp tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính lại sang Pháp – thị trường lớn bậc nhất trong khối EU và được đón tiếp nồng nhiệt. Điều đáng chú ý ở đây là, hai quốc gia Anh – Pháp đang căng thẳng tột độ sau sự kiện hợp tác quốc phòng AUKUS “đổ vỡ”. Điều đó cho thấy rõ vị thế rất khác của Việt Nam ngày hôm nay, khi đi giữa 2 quốc gia đang có sự thù địch, căng thẳng nhưng đều được tiếp đón và nâng cao tín nhiệm.
Việt Nam là chìa khóa vàng cuả các đối tác chiến lược?
Thử nghĩ mà xem, điều gì bí ẩn đằng sau câu nói của Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery, trước khi phái đoàn Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Pháp: “Các nhà lãnh đạo Pháp trông đợi chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 hai năm qua khiến các chuyến thăm cấp cao chưa được thực hiện”.
Vì sao Đại sứ Pháp tại Việt Nam lại truyền đạt thông điệp: Các nhà lãnh đạo Pháp đang “trông chờ” Thủ tướng Việt Nam? Phải chăng Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ là nhân tố bí ẩn giúp phần nào hóa giải những căng thẳng giữa 2 quốc gia này?
Còn gì có thể giải quyết căng thẳng tốt hơn khi nước Pháp tức giận không bán được tàu ngầm sau khi bị Anh-Mỹ “hớt tay trên” thì Việt Nam đã đến đây? Tất nhiên, sự bàn thảo luôn trong vòng bí mật đặc biệt là đối với các hợp đồng quốc phòng, nhưng đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra trong chuyến đi này của Thủ tướng. Đâu phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: “Chuyến thăm chính thức Pháp lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước”.
Một cuộc gặp gỡ diễn ra đúng thời điểm và đúng đối tác sẽ mở ra rất nhiều hợp tác chiến lược, không chỉ xoay quanh lĩnh vực trọng yếu kinh tế, giáo dục, an ninh quốc gia, quốc phòng, mà còn có thể tác động – ảnh hưởng đến cục diện, những cú xoay trục cho toàn cầu. Tương tự như vậy, một chiếc chìa khóa dù nhỏ nhưng nếu là “nhân tố đúng” sẽ mở cửa, khơi thông và đem ánh sáng đến cho “cả căn nhà”, “cả một quốc gia” và có thể “cả một khu vực”…
Có lẽ, sau chuyến công du Châu âu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, câu nói: “Một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra cơn lốc xoáy ở Texas” sẽ được gợi nhớ lên trong không ít người?
Thái Thanh