+
Aa
-
like
comment

Một vị Bộ trưởng khác người

31/08/2020 08:30

Hầu hết cán bộ cấp vụ dưới thời Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc đều có chung nhận xét rằng làm việc với ông rất mệt nhưng trưởng thành rất nhanh, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng pháp luật.

Nhân dịp kỷ niệm 75 ngành Tư pháp, BBT giới thiệu bài viết của ông Trần Thất (nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp) về nguyên Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc.

Trong giới luật gia Việt Nam không mấy ai không biết đến luật gia, Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc. Ông thuộc lớp luật gia chuyển tiếp giữa đội ngũ do Pháp đào tạo và do Liên Xô, CHDC Đức đào tạo.

Đầu năm 1993, chúng tôi trở về nước từ Liên Xô (cũ). Lúc này thầy Lộc đã về làm Bộ trưởng Tư pháp gần 1 năm. Cái sự làm Bộ trưởng của thầy Lộc cũng khá thú vị. Tôi có may mắn được chứng kiến “hiện tượng lạ” của ngành Tư pháp suốt 20 năm: Hai đời Bộ trưởng liền nhau không phải là ủy viên Trung ương. Mặc dầu vậy, tôi và hầu hết mọi người trong giới luật gia rất mừng vì Đảng và Nhà nước ta đã chọn đúng hiền tài để góp phần đắc lực cho sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền trong thời kỳ đổi mới.

Một vị Bộ trưởng khác người
Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tôi nghe kể rằng trước khi được “đưa về” làm Bộ trưởng Tư pháp, thầy Lộc vẫn chưa biết gì cả. Trong một lần thầy giảng bài, có người hỏi: Có phải thầy sắp về làm Bộ trưởng Tư pháp không? Thầy trả lời rằng không biết! Về sau, trong một lần mấy người ngồi uống bia hơi với Bộ trưởng Lộc, vui mồm hỏi: “Anh lên Bộ trưởng có phải mất gì không?”. Ông trả lời: Nói thật là tớ chẳng mất một điếu thuốc!

Bộ trưởng khắt khe 

Không chỉ tôi mà hầu hết anh em cấp vụ dưới thời Bộ trưởng Lộc đều có chung nhận xét rằng làm việc với ông rất mệt nhưng trưởng thành rất nhanh, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng pháp luật. Không chỉ là người có trí tuệ uyên bác mà còn là một cây viết luật rất chuyên nghiệp nên ông đòi hỏi mọi người rất khắt khe.

Một vị Bộ trưởng khác người
Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc (giữa) và các công chứng viên tại hội nghị tập huấn tháng 12/2000 về công chứng, chứng thực. Tác giả bài viết đứng thứ 3 từ trái sang

Có một lần, từ cuộc họp Chính phủ về, ông cho gọi một vị Vụ trưởng lên làm việc ngay giữa ban trưa. Ông mang dự thảo nghị định ra cùng trao đổi về một vài chỗ câu, từ còn “chưa ổn” rồi ông cầm bút để chỉnh sửa. Vị Vụ trưởng phần muốn để cho ông có thời gian nghỉ trưa, phần cho rằng đó là việc của chính mình nên buột miệng: Thôi, anh nghỉ đi, việc này là của em. Ông dừng bút, nhìn lên vị Vụ trưởng rồi bảo: Việc của cậu nhưng tớ là người chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ và Thủ tướng nha!

Một lần, sau buổi họp giao ban cấp vụ kết thúc lúc 5 giờ chiều, ông vội vàng ôm áo, xách cặp chạy ra xe đang nổ máy chờ sẵn. Thấy tôi, ông bảo: Tớ đi Quảng Bình đây. Bác định đi cả đêm sao? tôi hỏi. Ông trả lời tỉnh bơ: Vào Thanh Hoá ăn tối rồi đi luôn để kịp sáng mai làm việc.

Bộ trưởng phát biểu không cần giấy 

Để ý qua các cuộc họp giao ban, khi đến phần kết luận của Bộ trưởng, tôi chẳng bao giờ thấy ông cầm đến giấy tờ, sổ sách gì cả. Mọi người bảo ông là “nói vo”. Ông nói vo nhưng rành rọt từng vấn đề, từng ý tứ và không bao giờ ông quên những điều mình đã kết luận. Việc thể hiện thành giấy trắng, mực đen là việc của thư ký.

Ngay cả hội nghị tổng kết công tác của ngành Tư pháp, khi phát biểu kết luận ông cũng chẳng mấy khi nhìn vào bản đánh máy đã được tổ thư ký chuẩn bị công phu. Ông cứ đứng vậy, mắt nhìn thẳng xuống hội trường, miệng nói mà như đọc. Đôi khi cần nhấn mạnh vấn đề nào đó trong kết luận của mình thì ông dừng lại vài giây rồi nói: “Chỗ này tôi xin nhấn mạnh một chút…” hoặc “Chỗ này tôi xin mở rộng ý với các đồng chí…” và lại tiếp tục nói rành rọt, suôn sẻ như đọc.

Một vị Bộ trưởng khác người
Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc tại một cuộc gặp mặt các thế hệ cán bộ Vụ Pháp luật hình sự hành chính 

Một lần trong hội nghị tổng kết ngành, khi giải đáp những vướng mắc của các địa phương, sau khi nêu một thắc mắc, ông nói: “Vấn đề này tôi còn nhớ trong hội nghị lần trước tôi đã giải đáp như thế này…”. Một vị Giám đốc Sở ngồi cạnh tôi lúc ấy bèn lắc đầu: “Chịu cụ thôi! Cụ nhớ dai thế”.

Bộ trưởng ham đọc sách 

Còn nhớ hồi đầu 1993, tôi và Lê Mạnh Luân (sau này là Phó Ban Nội chính TƯ, Đại sứ Việt Nam tại Tashkent) vừa từ Liên Xô (cũ) về nước đến thăm thầy tại Bộ Tư pháp. Khi đến cổng Bộ chúng tôi mới nhớ ra và hỏi nhau có quà gì tặng thầy không. Luân mở cặp ra thì có chiếc cà vạt, tôi có quyển sách. Hai thằng cười bảo: Đúng “gu” của thầy rồi.

Khi gặp thầy, sau “màn chào hỏi” và chúc mừng thì Bộ trưởng hỏi độp ngay một câu: Các cậu vừa bên đó về có mang theo được nhiều sách không? Tôi vội vàng mở cặp lấy ra quyển sách tiếng Nga nói về Stalin để giới thiệu với thầy. Ông cầm xem tên và bìa quyển sách rồi bảo: Cho tớ mượn nhé! Chiều mai tớ đi Pháp, lên máy bay tớ đọc. Ông còn nói thêm: Tớ mượn thôi, không xin đâu!

Sau này tôi có lệ cứ chừng 27-28 Tết âm lịch là đến chúc Tết thầy và kèm theo quà là một quyển sách và một chai rượu vang để thầy thư giãn trong những ngày nghỉ Tết. Sách thì tôi nhờ nhà văn Đoàn Tử Huyến, bạn thân của tôi chọn cho trong số những quyển sách văn học nổi tiếng nhất thế giới của năm đó. Nếu là tác phẩm đoạt giải Nobel thì càng tốt.

Có lần tôi mang tặng ông mấy tập “Lịch sử Trung Quốc 5000 năm”. Đó là những tập sách kể về lịch sử Trung Quốc thông qua các câu chuyện lịch sử nổi tiếng có thật. Ông xem lướt qua rồi hỏi tôi: Thất đã đi Trung Quốc chưa nhỉ? Tôi trả lời rằng đi chính thức theo đoàn công tác thì chưa, chỉ đi du lịch thôi. Ông trầm ngâm một lúc rồi bảo: Như vậy là tốt! Mình không thể học theo Trung Quốc được đâu! Họ là đất nước hơn một tỷ dân cơ mà! Sau này tôi mới hiểu ý của ông. Qua đợt dịch Covid-19 tôi càng hiểu sâu thêm vấn đề này.

Kế nhiệm Bộ trưởng Phan Hiền, từ Phó chủ nhiệm Văn phòng QH, ông Nguyễn Đình Lộc về làm Bộ trưởng Tư pháp tháng 5/1992. Trong 10 năm ở cương vị Bộ trưởng, ông đã cùng lãnh đạo Bộ chủ trì xây dựng hàng chục luật, pháp lệnh; hàng chục nghị định, chỉ thị, thông tư đã được ban hành; Góp ý kiến thẩm định hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức các hoạt động nghiên cứu, từng bước đổi mới quy trình hoạt động lập pháp để áp dụng ngay trong bộ, ngành hoặc kiến nghị Chính phủ, Ủy ban Thường vụ QH xem xét, đặc biệt là việc tham gia sửa đổi Hiến pháp 1992.

Trần Thất – Nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp.

Bài mới
Đọc nhiều