Một thập kỷ chờ thời, đại gia Việt hạ tỷ phú Thái trên ‘sới đấu’ 10 tỷ USD
Sự thống trị của người Thái trên thị trường nông nghiệp và thực phẩm có thể sẽ biến mất nhanh chóng sau khi tỷ phú Việt xuất hiện. Những bước đi đầu tiên đã được thực hiện từ cách đây 10 năm và giờ là thời điểm bứt phá.
Tỷ phú số 1 trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh FMCG Việt Nam Nguyễn Đăng Quang công bố 1 bước đi chiến lược. Theo đó, sau 4 năm thành lập, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang sẽ đưa hơn 320 triệu cổ phiếu MML của CTCP Masan MeatLife lên sàn chứng khoán Upcom ngay trong tháng 12/2019 này với vốn hoá ở thời điểm chào sàn dự kiến đạt mức 1,3 tỷ USD.
Đây là một cú bứt phá có thể nói hiếm có của một startup. Chỉ sau vài tháng ra mắt, doanh thu đã đạt vài chục tỷ đồng mỗi tháng và sẽ dự kiến sẽ đạt 100 tỷ đồng trong tháng 12/2019 và sẽ tăng vọt trong tháng Tết Nguyên đán sắp tới. Quy mô hệ thống phân phối cũng tăng gấp hơn 10 lần lên gần 500 đơn vị sau chỉ vài tháng.
Theo kế hoạch, MML sẽ trở thành đơn vị cung cấp thịt mát số 1 tại Việt Nam với doanh thu 2-3 tỷ USD (trong đó hơn 50% đến từ thịt) và lợi nhuận sau thuế 200-450 triệu USD/năm vào năm 2022.
Cách đây khoảng 1 thập kỷ, điều mà nhiều người lo ngại nhất chính là các thị trường dần dần rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài. Ngành thế mạnh nông nghiệp và chế biến thực phẩm của Việt Nam cũng bị người nước ngoài thống trị, từ thức ăn chăn nuôi cho tới hoạt động giết mổ và chế biến thực phẩm.
Người Thái với sự xuất hiện của Charoen Pokphand Group (C.P Group) của tỷ phú Chearavanont (tỷ phú giàu nhất Thái 2018) thực sự đã khuấy đảo thị trường nông nghiệp Việt Nam, từ thức ăn chăn nuôi cho tới giết mổ lợn hơi, gà, trứng và các sản phẩm chế biến…
Cách đây 8-9 năm, Masan đã có những bước đi đầu tiên ngoài lĩnh vực thực phẩm và đồ uống với việc chi gần 100 triệu USD để mua lại 40% cổ phần của Công ty cổ phần Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco). Từ đó xây dựng chuỗi giá trị chăn nuôi chế biến và phân phối bảo quản sạch.
Startup mới của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang rất được kỳ vọn bởi quy mô thị trường to lớn, lên tới 10 tỷ USD, thay vì chỉ khoảng 500 triệu USD như mảng nước chấm; 700 triệu USD ngành cà phê; 4 tỷ USD của ngành sữa…
Hiện tại, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người với tiềm năng tăng trưởng cao. Riêng thịt heo chiếm 63-65%.
Thị trường thịt heo ở Việt Nam rất giống với thị trường sữa giai đoạn 15-20 năm trước nhưng có quy mô lớn gấp 2,5 lần. Cách đây 20 năm, thị trường sữa có quy mô chỉ 1 tỷ USD và cũng chưa có tiêu chuẩn, không có sản phẩm đổi mới sáng tạo như thị trường lợn trong gia đoạn vừa qua.
Cho đến nay, thị trường sữa đã có quy mô 4 tỷ USD và có một thương hiệu Vinamilk dẫn đầu thị trường với hơn 50% thị phần.
Xu hướng dùng thịt mát thay cho thịt nóng là một xu hướng tất yếu và đã xảy ra ở các nước phát triển. Tại Trung Quốc, tiêu thụ thịt nóng giảm 20% từ 2010 đến 2015. Dự báo tiêu thụ thịt mát sẽ tăng lên 15% tại Việt Nam vào năm 2020.
Trong vài năm gần đây, xu hướng các tỷ phú Việt giành lại thế áp đảo từ các đại gia ngoại khá phổ biến. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng xây dựng được chuỗi bán lẻ có thể nói áp đảo các chuỗi bán lẻ ngoại…
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), chỉ số VN-Index vẫn chịu áp lực bán ra và tiếp tục giảm.
Giới đầu tư lo ngại triển vọng thương mại Mỹ-Trung sau khi 2 bên đồng loạt ra tuyên bố cứng rắn.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn khá thận trọng.
Theo YSVN, chỉ số VN-Index có khả năng sẽ tiếp tục giảm về vùng đáy cũ trong tháng 05 và tháng 06, tức là vùng giá 940 950 điểm. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn lại tiếp tục có chiều hướng gia tăng cho thấy đà giảm ngắn hạn vẫn còn tiếp diễn. Ngoài ra, tâm lý nhà đầu tư tiếp tục bi quan và tỷ trọng cổ phiếu tiếp tục giảm mạnh về mức 25% cho thấy cơ hội bắt đáy dần gia tăng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/12, VN-Index giảm 11,44 điểm xuống 959,31 điểm; HNX-Index giảm 1,6 điểm xuống 100,9 điểm. Upcom-Index giảm 0,17 điểm xuống 55,49 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 240 triệu đơn vị, trị giá 4,9 ngàn tỷ đồng.
V. Hà/Vietnamnet