+
Aa
-
like
comment

Một thành phố ấm áp nghĩa tình

Phạm Khoa - 17/11/2022 19:40

Gần 3 năm nay, kinh tế xã hội Việt Nam nói chung, TP. HCM nói riêng, phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thử thách. Đại dịch Covid-19 làm xáo trộn mọi mặt của đời sống xã hội chưa hoàn toàn qua đi, thì khủng hoảng năng lượng thế giới lại xảy ra, khiến mọi thứ đã khó càng thêm khó.

Bí thư Nguyễn Văn Nên gặp gỡ nhân viên y tế với câu hỏi trăn trở, khi bác sĩ không khỏe thì ai lo?

Có thể nói, cuộc sống của những người làm công ăn lương đột ngột bị mất việc do nhà máy, công ty gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, và những người buôn bán kiếm sống hàng ngày là bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Để có thể giúp đỡ người dân gặp khó khăn nói chung, và hai đối tượng khó khăn nhất kể trên, chính quyền TP.HCM đã đẩy mạnh trợ cấp thất nghiệp và triển khai rộng khắp tín dụng chính sách xã hội, bên cạnh chủ trương xã hội hóa các nguồn lực hỗ trợ người nghèo thành phố.

Theo số liệu dự thảo báo cáo của Chính phủ tính đến ngày 7/9, TP.HCM là địa phương có số người được nhận trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất cả nước: hơn 94.000 lao động, với số tiền hơn 263 tỷ đồng.

Về tín dụng chính sách xã hội, gần 1 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn trong 20 năm qua. Đây là chính sách không rầm rộ, nhưng địa phương nào cũng có, và được làm liên tục trong nhiều năm, giúp người nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo một cách bền vững, và chủ động.

Có thể thấy, các khoản vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội không chỉ đến được tay người lao động khó khăn cần vốn sản xuất, mua bán nhỏ, mà còn đến được với học sinh – sinh viên nghèo hiếu học vay vốn học tập, và góp phần vào các dự án an sinh xã hội như: xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở các huyện ngoại thành…

Để có được con số gần 22.000 tỷ đồng doanh số cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM, phải kể đến công tác phát hiện, xác minh, giới thiệu hộ nghèo, người khó được làm hiệu quả ngay từ cấp cơ sở, trong suốt gần 2 thập kỷ qua, đặc biệt trong 3 năm gần đây.

Bí thư Nguyễn Văn Nên tặng quà cho công nhân

Bên cạnh đó, công tác huy động nguồn lực xã hội vào mục tiêu xóa nghèo bền vững của TP.HCM đã xuất hiện rất nhiều điểm sáng. Các sáng kiến hiệu quả từ vài quận huyện ban đầu đã được nhân rộng trên phạm vi toàn thành phố, như sáng kiến: “3 giúp 1” (1 đảng viên, 1 hội viên, 1 nhà hảo tâm giúp 1 hộ nghèo, hộ cận nghèo) ở phường 1 quận 11; “Hướng nghiệp phát triển kinh tế” ở phường 11, Quận Tân Bình, “Câu lạc bộ cựu chiến binh, cựu quân nhân làm kinh tế” ở Huyện Củ Chi… Các sáng kiến này đã góp phần chia sẻ với chính quyền địa phương gánh nặng tạo công ăn việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, giúp con em gia đình khó khăn đến trường, xây dựng kinh tế hộ gia đình…

Dù còn không ít bất cập, nhưng quyết tâm và hành động cụ thể của lãnh đạo chính quyền TP.HCM, bộ máy quản lý cấp cơ sở, cùng sự chung tay đóng góp của công của nhiều tầng lớp đã cho thấy tính chất nhân văn của nhà nước ta, và truyền thống nhân ái, nghĩa tình của người dân TP.HCM.

Hy vọng trong thời gian tới, an sinh xã hội của TP.HCM sẽ phủ kín đến mọi người dân, hướng đến chính sách an sinh xã hội toàn diện và hoàn thiện, để không có ai tụt lại phía sau, và thành tựu kinh tế của thành phố có ý nghĩa trọn vẹn.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều