Một tập đoàn Mỹ cần 200 nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam
Các nhà sản xuất đầu cuối nước ngoài đang có nhà máy tại Việt Nam ráo riết tìm kiếm doanh nghiệp về công nghiệp hỗ trợ để tăng tỉ lệ nội địa hóa, tối ưu chi phí sản xuất
Trao đổi bên lề “Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2020” lần thứ 3 do UBND TP HCM chủ trì, Sở Công Thương TP cùng Ban quản lý các khu chế xuất & khu công nghiệp TP HCM và Ban quản lý khu công nghệ cao TP HCM phối hợp tổ chức vừa khai mạc sáng 17-9 tại Trung tâm hội nghị 272 Võ Thị Sáu, quận 3, bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP, cho hay các tập đoàn sản xuất lớn của thế giới hoạt động tại Việt Nam đang đẩy mạnh tìm kiếm nhà cung cấp tại chỗ để tăng tỉ lệ nội địa hóa.
Đáng chú ý nhất là Tập đoàn TTI của Mỹ (vừa đầu tư 65 triệu USD vào Khu Công nghệ cao TP HCM) cần phát triển 200 nhà cung cấp nội địa trong vòng 1 năm và hiện mới tìm được hơn 50 nhà cung cấp. Sở Công Thương TP đang tích cực giới thiệu doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP và các tỉnh lân cận cho TTI; đồng thời cùng tập đoàn này khảo sát, đánh giá cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm năng tham gia chuỗi cung ứng của TTI.
“Dịch Covid-19 vừa qua làm sản xuất công nghiệp giảm 50% nhưng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn duy trì được hoạt động cho thấy họ rất có thực lực. Đặc biệt, qua 3 kỳ hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ, khoảng 45 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp cho những tập đoàn sản xuất lớn. Một số doanh nghiệp điển hình như Hiệp Phước Thành, Nhật Minh, Tiến Thịnh… đã có nhiều đơn hàng, cung ứng cho nhiều nhà sản xuất lớn và đang tìm thêm mặt bằng để mở thêm nhà máy”- bà Duy Oanh vui mừng thông tin.
Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2020 có sự tham gia của 14 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sản xuất sản phẩm công nghiệp đầu cuối thuộc lĩnh vực điện tử, cơ khí chế tạo và ngành y tế kỹ thuật cao; tham gia kết nối với khoảng 60 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của thành phố với hơn 250 cuộc kết nối đã được sắp xếp tại sự kiện.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, cho hay sự kiện này là hoạt động kết nối cung cầu trực tiếp giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động sản xuất tại Việt Nam và TP HCM.
Chương trình năm nay có bố trí các khu vực trưng bày gồm: khu trưng bày các “Sản phẩm công nghiệp chủ lực”, khu trưng bày “Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu TP HCM” và khu trưng bày “Chương trình thí điểm phát triển nhà cung cấp”, khu trưng bày “Các doanh nghiệp cung ứng tiềm năng” cũng như tổ chức cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố đi tham quan nhà máy của doanh nghiệp TTI tại khu công nghệ cao.
Phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP, cho biết TP HCM đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó tập trung các giải pháp, chương trình hành động cụ thể thiết thực đến cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, từ đó tạo điều kiện cải thiện hoạt động sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường. Đây là một trong những hoạt động được lãnh đạo TP quan tâm và tập trung phát triển.
PV/NLD