+
Aa
-
like
comment

Một tài nguyên của Việt Nam “lọt mắt xanh” tập đoàn Mỹ

Bảo Trâm - 11/10/2023 14:40

Không chỉ Mỹ, các tập đoàn Nhật Bản và châu Âu đã nhìn thấy tiềm năng từ tài nguyên đắt giá này của Việt Nam và đang có những động thái lớn để tiến vào khai phá.

Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc gặp với Chủ tịch Tập đoàn Pacifico Energy Nate Franklin. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Tập đoàn Mỹ muốn đầu tư điện gió ngoài khơi

Nhân dịp dự Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78 tại thành phố New York (Mỹ) trong tháng 9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế hàng đầu của Mỹ và thế giới, trong đó có Tập đoàn Pacifico Energy (trụ sở chính ở Hoa Kỳ) – một trong những tập đoàn năng lượng tái tạo tư nhân có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và trên thị trường châu Á.

Tại cuộc gặp, Chủ tịch Tập đoàn Pacifico Energy, ông Nate Franklin khẳng định Việt Nam cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc là 3 thị trường quan trọng nhất của Tập đoàn, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam và chia sẻ về ý tưởng phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam.

Đáp lại, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và khuyến khích cho các ý tưởng, kế hoạch đầu tư mới của Tập đoàn Pacifico Energy vào các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch cũng như cam kết đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để Pacifico Energy cùng các đối tác triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh có hiệu quả, thành công và bền vững tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, Pacifico Energy hiện là nhà đầu tư năng lượng tái tạo lớn nhất của Mỹ với dự án điện mặt trời Mũi Né công suất 40 MW ở Bình Thuận và dự án điện gió Sunpro 30 MW ở Bến Tre.

Tài nguyên đắt giá của Việt Nam

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam ước tính lên tới 500 gigawatt, lớn gấp 200 lần công suất của nhà máy thủy điện Sơn La (2.400 megawatt, theo thống kê của Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN 2020).

Việt Nam có tiềm năng gió cao hơn đáng kể so với các nước láng giềng Thái Lan, Lào và Campuchia.

Các dự án điện gió ngoài khơi của Việt Nam được kỳ vọng sẽ thu hút làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các khoản đầu tư tư nhân. Ảnh: iucn.org

Năm 2021, Việt Nam đứng thứ 4 trong danh sách 10 quốc gia dẫn đầu về công suất điện gió bổ sung, nghĩa là lượng năng lượng tăng thêm được tạo ra từ các nhà máy điện gió trong năm, và đứng thứ 22 về tổng công suất điện gió lắp đặt mới trong năm 2021, vượt qua các quốc gia Đông Nam Á khác.

Asia Briefing – nền tảng tập hợp các bài báo, tạp chí và hướng dẫn liên quan tới việc kinh doanh ở châu Á cho biết, Việt Nam có tiềm năng tự nhiên thuận lợi về sức gió với đường bờ biển dài 3.000 km. Tiềm năng gió ngoài khơi của Việt Nam được tạo ra từ gió trên biển nhiều hơn so với gió trên đất liền.

15 tỉnh dọc bờ biển Việt Nam là những nơi ngành phát triển điện gió ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất. Các tỉnh ven biển ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long – một trong bốn vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam – là những khu vực quan trọng cho các dự án điện gió.

Nghiên cứu của WB ước tính, hơn 39% diện tích Việt Nam có sức gió trung bình hàng năm trên 6 m/s ở độ cao 54m. Sức gió tại một số khu vực ngoài khơi bờ biển phía nam Việt Nam có thể lên tới 10 m/s, trong khi thông thường, sức gió được đánh giá “khả thi để phát triển điện gió” là 8 m/s.

Cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài

Không chỉ có tập đoàn Mỹ, mà các tập đoàn Nhật Bản và châu Âu cũng đang có nhiều động thái lớn để tiến vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi của Việt Nam.

Nhà máy điện gió Đông Hải 1 Trà Vinh. Ảnh: iucn.org

Theo ARC Group – tổ chức tài chính có trụ sở tại Châu Á và có phạm vi hoạt động toàn cầu, các dự án điện gió ngoài khơi của Việt Nam được kỳ vọng sẽ thu hút làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các khoản đầu tư tư nhân.

Mặc dù có chi phí và độ phức tạp cao hơn nhưng các dự án điện gió ngoài khơi mang tới cơ hội gia tăng công suất điện, đồng thời cung cấp khả năng cứu trợ lớn hơn cho lưới điện, nếu so với các nguồn năng lượng tái tạo khác.

Bên cạnh đó, sản lượng gió ngoài khơi có xu hướng biến động ít hơn so với các dự án năng lượng mặt trời hoặc gió trên bờ.

Nikkei Asia cho hay, vào tháng 9 năm ngoái, tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đã công bố một dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam và 3 tháng sau, họ đã nhanh chóng tiến hành khảo sát để nghiên cứu các tuyến đường đặt cáp.

Trang trại gió, với công suất từ 500 megawatt đến 1 gigawatt của Sumitomo, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2030. Tập đoàn Nhật Bản còn đang đặt mục tiêu phát triển thêm các dự án ở miền Bắc Việt Nam nếu các kế hoạch ban đầu của họ diễn ra thuận lợi.

Sumitomo là tập đoàn dày dạn kinh nghiệm phát triển trang trại gió ngoài khơi ở châu Âu. Nhà máy điện gió của Sumitomo ở châu Âu có sản lượng vào khoảng 300 megawatt. Con số này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 600 megawatt khi các dự án sắp tới đi vào hoạt động.

Hiện tại, Sumitomo đang xem xét hợp tác với các công ty địa phương để thúc đẩy các dự án tại Việt Nam.

Renova – một ‘ông lớn’ khác chuyên về năng lượng tái tạo tại Nhật Bản – cũng thành lập cơ sở phát triển ở Việt Nam.

Tháng 4/2022, tập đoàn này đã ký biên bản ghi nhớ phát triển điện gió ngoài khơi với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, và hiện tại đang xem xét xây dựng một nhà máy điện nổi ngoài khơi Việt Nam.

Về phần các doanh nghiệp châu Âu, có thể kể tới tập đoàn năng lượng gió ngoài khơi lớn nhất thế giới Orsted, đến từ Đan Mạch.

Orsted đã xem xét dự án phát triển từ năm 2020, tới năm 2021 thì ký biên bản ghi nhớ phát triển nhà máy điện với Tập đoàn T&T của Việt Nam.

Theo kế hoạch, Orsted sẽ cùng T&T tiến hành các hoạt động tại nhà máy điện có tổng công suất 2 gigawatt trong năm 2030. Đại diện của Orsted nhấn mạnh, Việt Nam là “một trong những khu vực tốt nhất ở châu Á về năng lượng gió ngoài khơi”.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều