+
Aa
-
like
comment

Một số du học sinh “thượng đẳng” nghĩ Việt Nam là nơi nào vậy?

28/03/2020 16:35

Những ngày qua, hàng ngàn du học sinh và Việt kiều ồ ạt về nước trước khi các nước phương Tây đóng cửa “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Trở về nước có nghĩa là trở về với quê hương, gia đình, với nơi họ sinh ra và từng lớn lên. Tất cả phải trải qua 14 ngày cách ly tập trung trước khi trở lại cuộc sống bình thường. Mục đích của việc này không gì khác ngoài 2 chữ an toàn cho chính bản thân họ, an toàn cho người sinh thành và cho những người xung quanh.

Những cô gái xinh đẹp, học cao đi nhiều nhưng lại tự cho mình thược tầng lớp “thượng đẳng”, chê bai khu cách ly.

Tuy nhiên, một số những người mới trở về lập tức lên mạng than vãn về điều kiện cách ly ở Việt Nam với những từ ngữ như: “kinh khủng khiếp thật sự”, “không dám đụng vào bất cứ cái gì” hay “không giống review trên Youtube”…

Không biết có ai tự đặt câu hỏi: Tại sao đợt 1, đón đồng bào từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản trở về thì rất ít xuất hiện tình trạng “đồng bào thượng đẳng” như chê bai, đòi hỏi, hạch sách, phân biệt vùng miền. Nhưng đợt 2, đón đồng bào từ Eu, Bắc Mỹ… lại xảy ra khá nhiều tình trạng này? Thậm chí nó đã trở thành một vấn nạn rất nghiêm trọng.

Một số bạn du học sinh được đi du học ở trời Tây, nơi được coi là văn minh, khai sáng và chính vì thế nhiều bạn lại tỏ ra mình là một giống “loài” thượng đẳng, cho mình là bề trên. Đúng kiểu mà các bậc phụ huynh hay nói, cho đi học nhưng không học những thứ hay ho lại học mấy cái bố láo đem về.

81.000 du học sinh và Việt kiều trở về nước trong những ngày vừa qua.

Trong gần 3 tuần qua, có hơn 81.000 đồng bào về nước, từng ấy số chỗ cách ly được chuẩn bị, Chính phủ phải tận dụng doanh trại quân đội, ký túc xá, khách sạn… để lo chỗ ăn ở chỗ đảm bảo cho tất cả mọi người, cơm nuôi ba bữa đầy đủ dưỡng chất. Các bạn đi về, chỉ việc ăn ở, vậy mà các bạn lại có thái độ trịch thượng như vậy. Đặt trường hợp vào các chiến sĩ, các bạn sinh viên đọc được những dòng ấy? Chắc họ phải nuốt nước mắt vào trong và ức nghẹn chết mất.

Tình nguyện viên phải tranh thủ chợp mắt vì quá mệt.

Nhiều anh bộ đội phải ngủ trong rừng, các tình nguyện viên phải nằm “lộ thiên”, các bạn sinh viên phải “hỏa tốc” ra về ngay trong một chiều để chuẩn bị phòng ốc cho các bạn cách ly đó. Vậy mà một số bạn du học sinh đó lại giở giọng “ăn cháo đá bát” như vậy. Phải chăng ở trời Tây, các bạn được ba mẹ chu cấp, ăn ở sướng quá nên nghĩ cả Việt Nam phải cung phụng các bạn như cha mẹ các bạn? Các bạn nghĩ nước mình là gì?

Lúc giàu có, an nhàn thì ở trời Tây hưởng thụ, vứt về quê hương bằng ánh mắt của kẻ bề trên. Lúc hoạn nạn thì về nước, tỏ vẻ ta đây “thượng đẳng” và nơi cách ly theo dõi sức khỏe là rác rưởi, quen thói được hầu hạ từ tấm bé để rồi nghĩ rằng những anh bộ đội, tình nguyện viên phải phục vụ hầu hạ y như vậy. Giàu như con gái của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, nổi tiếng như Châu Bùi, Võ Hoàng Yến còn phải thầm cám ơn, thực hiện đúng công tác cách ly kia kìa. Đằng này, một số du học sinh đi xa biết nhiều nhưng lại có thái độ đáng xấu hổi, dẫn đến việc đồng bào “kỳ thị lây” luôn những ạn du học sinh ý thức tốt, đúng kiểu con sâu làm rầu nồi canh.

Thái độ sống văn minh là điều nên có với các du học sinh.

Nhiều người bảo rằng, ở Tây, người ta học cách bày tỏ thẳng thắn cảm xúc của mình. Nhưng mà ranh giới giữa sự “thẳng thắn” và “vô học” lại gần nhau lắm. Phương Tây có giá trị của phương Tây, phương Đông có giá trị của phương Đông, mỗi một nơi đều có những điểm hay ho, cần học, đây là Việt Nam, nơi gần trăm triệu người sinh sống, tuy không giàu như phương Tây nhưng không hèn, nơi đang quyết tâm giữ cho gần trăm triệu người an tòa trong mùa dịch này. Và văn hóa ở nơi đâu chăng nữa, cũng chẳng bao giờ quay lại sỉ vả vào quê hương cả.

Nói thẳng có 3 lý do để các du học sinh ngừng “kể khổ” và tỏ thái độ thượng đẳng và phối hợp cách ly đúng quy định với cơ quan chức năng.

Thứ nhất, các bạn đang tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh. Có thể thấy hầu hết các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và lây nhiễm ra cộng đồng hầu hết đều trở về từ các quốc gia bùng phát dịch như Ý, Anh hay Mỹ. Trở về từ vùng dịch, có nghĩ là bạn đang tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh cao và lây lan ra cộng đồng. Cả nước đang bước vào “2 tuần thử thách” để chống lại đại dịch thế giới. Việc cách ly 14 ngày đầu tiên là để an toàn cho bản thân của chính bạn. Sau đó, đây cũng là trách nhiệm, sứ mệnh của mỗi một công dân với cộng đồng, với Tổ quốc. Đã trở về Việt Nam, có nghĩa là bạn được hưởng đầy đủ quyền lợi của một công dân Việt, bạn được chào đón, được chăm sóc sức khỏe và được bảo vệ khỏi dịch bệnh. Vậy thì bạn cũng phải thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc bằng một hành động hết sức đơn giản, cách ly 14 ngày.

Thứ hai, đi cách ly chứ không phải nghỉ dưỡng. Nếu bạn đi du lịch hoặc nghỉ dưỡng, bạn có quyền phàn nàn về dịch vụ kém hoặc tệ vì số tiền bạn bỏ ra không xứng đáng. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, các bạn đang được cách ly an toàn, được cộng đồng chăm sóc và bảo vệ mà chưa tốn phí bởi vì bạn là công dân Việt Nam.

Thứ 3, trở về Việt Nam để làm gì? Nghỉ ngơi, thăm nhà hay để được an toàn? Trong khi nhiều nước thế giới tỏ ra thờ ơ, chủ quan khi Covid-19 bắt đầu lây lan, thậm chí ông Thống đốc bang Texas của Mỹ còn bảo người già nên chết đi để bảo vệ nền kinh tế thì tại Việt Nam, công tác phòng dịch để được thực hiện chủ động từ những ngày đầu. Mọi công tác phòng chống và ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19 được thực hiện đồng loạt ở các địa phương. Các thông tin về chăm sóc y tế và xét nghiệm đều được thực hiện khẩn trương và miễn phí nếu như bất kỳ một ai có dấu hiệu của dịch bệnh. Quan trọng là tính mạng và sức khỏe của người dân.

Hãy vắt tay lên trán mà ngẫm nghĩ lại xem rồi một số bạn lên giọng thượng đẳng đã làm được gì cho đất nước này chưa? Nếu chưa thì xin đừng thượng đẳng với Tổ quốc mình!

Hạ Trắng (TH)

Bài mới
Đọc nhiều