+
Aa
-
like
comment

Một số “căn bệnh trầm kha” trong phòng, chống dịch cần phải xử lý nghiêm

08/11/2021 22:03

Nói về một số “căn bệnh trầm kha” trong phòng, chống dịch, đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa nêu thực trạng một số cán bộ sai phạm, vi phạm quy định phòng, chống dịch như đi đánh golf trong thời gian giãn cách; xô xát với nhân viên lấy mẫu xét nghiệm, lơ là trong phòng chống dịch…; đồng thời đề nghị phải xử lý nghiêm.

Góp ý vào Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại phiên thảo luận trước Quốc hội sáng 8/11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đánh giá, cho đến thời điểm này, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, chúng ta đã cơ bản kiểm soát đợt dịch bùng phát lần thứ 4, một đại dịch chưa từng có trong lịch sử. Lần đầu tiên, đồng chí Tổng Bí thư 2 lần có Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống dịch, tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.

Xử lý nghiêm một số
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa.

Lần đầu tiên chiến dịch tiêm chủng toàn quốc lớn nhất từ trước tới nay được thực hiện và cũng lần đầu tiên Quân đội có cuộc điều quân lớn chưa từng có từ sau chiến tranh đến nay…. Trong bối cảnh đó, bà đánh giá cao tính chủ động, linh hoạt, lắng nghe, trên tinh thần vì lợi ích của người dân và cũng rất quyết liệt, quyết tâm trong hành động của cả hệ thống chính trị.

“Các biện pháp phòng, chống dịch của chúng ta thời gian qua mặc dù có việc chưa từng có trong tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhưng là hợp lý, phù hợp cho từng giai đoạn, bảo đảm yêu cầu chung với những nỗ lực, cố gắng vượt bậc, có sự đồng lòng, nhất trí của người dân đã giúp cho nhiều địa phương chuyển sang trạng thái bình thường mới”, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nữ đại biểu cũng đề cập một số hạn chế liên quan đến việc thực thi công vụ trong công tác phòng, chống dịch: Tại một số thời điểm, vì quá lo lắng cho địa phương mình có nơi đã đặt ra những yêu cầu cao hơn, vượt quá mức cần thiết gây ra nhiều khó khăn, tạo bức xúc cho người dân, doanh nghiệp như đặt ra những loại giấy tờ không phù hợp để đi qua các chốt kiểm soát, chưa tạo điều kiện cho người dân từ các TP lớn, khu công nghiệp được về quê tránh dịch….

Trong khi lãnh đạo Chính phủ thì sát sao chỉ đạo, bám sát địa bàn nhưng một bộ phận cán bộ cơ sở còn lơ là, chưa sâu sát, còn chủ quan, bị động trong phòng, chống dịch. Đây có thể là căn bệnh trầm kha ở một số nơi, nhưng đến thời kỳ dịch bệnh càng bộc lộ rõ hơn.

Cá biệt, có một số cán bộ địa phương đã có hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch như đi đánh golf trong thời gian giãn cách xã hội, khi bị phát hiện lại khai báo không trung thực; có trường hợp xô xát giữa cán bộ với nhân viên lấy mẫu xét nghiệm; hoặc có trường hợp cán bộ thi hành công vụ còn xa rời thực tế, chưa bám sát nhu cầu của người dân như việc coi bánh mì không phải là mặt hàng thiết yếu…

ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng, những trường hợp nêu trên tuy không phải là phổ biến nhưng đã tạo hình ảnh phản cảm, làm mất uy tín chính quyền. Đồng thời nhấn mạnh, việc xử lý đối với cán bộ vi phạm là việc làm đúng đắn, bởi muốn người dân chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch thì trước hết cán bộ phải nêu gương, nghiêm túc chấp hành trước; nếu có sai phạm thì cũng phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Xử lý nghiêm một số
ĐBQH Lê Thanh Vân.

Đồng quan điểm, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề cập thực trạng qua dịch bộc lộ chất lượng yếu kém của một bộ phận cán bộ chủ chốt ở một số nơi, từ nhận thức đến hành vi không chuẩn về pháp luật dẫn đến ứng xử vừa không đúng về pháp luật, vừa không đúng về đạo lý với nhân dân. “Đề nghị cấp uỷ, chính quyền ở một số địa phương có cán bộ sai phạm phải xử lý nghiêm cho dân biết chúng ta nghiêm”, ông nói.

Cũng theo đại biểu, Chính phủ do Quốc hội khóa XIV kiện toàn và chuyển tiếp sang khóa XV vừa ra đời đã gặp ngay làn sóng đại dịch lần thứ 4, một đợt dịch chưa từng có, đã phá hủy rất nhiều quan hệ kinh tế- xã hội.

Từ đó, ông đề nghị các giải pháp trọng tâm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế: Ưu tiên củng cố và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cao trong quản lý và lãnh đạo các cấp. Tập trung rà soát, sửa đổi thể chế. Đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, sản xuất và lưu thông. Ứng dụng công nghệ mới vào quá trình quản lý để tiết kiệm bộ máy và nhân lực, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển. Cơ cấu lại nguồn vốn, đặc biệt là vốn đầu tư công, tập trung vào các công trình trọng điểm, công trình dang dở để hoàn thành; giữ nghiêm kỷ luật đầu tư công.

ĐBQH Lê Thanh Vân cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm cụ thể hoá Kết luận số 14 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 4 về tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là Kết luận số 14 về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm dám chịu trách nhiệm để phát huy được tính năng động, sáng tạo của cán bộ.

Tùng Lâm 

Bài mới
Đọc nhiều