Vừa về từ ‘tâm dịch’ Vĩnh Phúc nhưng người phụ nữ yêu cầu ‘trả phí’ mới chịu cách ly
Vừa từ Vĩnh Phúc về Quảng Ngãi, bà H. kiên quyết không thực hiện việc cách ly phòng ngừa Covid-19 và yêu cầu chính quyền phải hỗ trợ 250.000 đồng/ngày mới đồng ý ở nhà tự cách ly.
Sáng nay, Công an TP Quảng Ngãi cho biết, đơn vị đã báo cáo UBND TP và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh này về một trường hợp công dân địa phương không hợp tác cách ly tại nhà nhằm phòng chống virus corona.
Cụ thể, bà Huỳnh Thị H. (SN 1957, trú xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi) đi thăm người thân ở tỉnh Vĩnh Phúc (địa phương có nhiều trường hợp nghi nhiễm Covid-19).
Sau khi quay về địa phương, ngày 13/2, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà H. thực hiện cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày, kể từ ngày 13/2. Bà sẽ được cơ quan y tế địa phương kiểm tra sức khỏe hằng ngày.
Bước đầu, bà H. đồng ý cách ly, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh. Tuy nhiên, sau đó bà H. bất hợp tác và tiếp tục ra chợ buôn bán rau khiến nhiều người lo lắng.
Bà H. cho rằng, vì kinh tế gia đình phụ thuộc vào việc làm ruộng, bán rau hằng ngày ở chợ của bà (thu nhập khoảng 250.000 đồng/ngày), điều kiện kinh tế quá khó khăn nên phải đi làm. Nếu muốn bà thực hiện cách ly thì chính quyền phải hỗ trợ 250.000 đồng/ngày.
Trước hành động của bà H., nhiều người tỏ ra hoang mang, lo lắng cho sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
Trưa nay, ông Nguyễn Văn Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi cho biết, việc bà H. yêu cầu trả 250.000 đồng/ngày là không có trong quy định.
“Hiện nay, qua vận động, tuyên truyền bà H. đã chịu cách ly tại nhà.
Tuy nhiên, trong thời gian tới bà H. vẫn ra chợ buôn bán không chịu cách ly theo quy định, thì UBND TP Quảng Ngãi sẽ đưa bà H. tới cách ly y tế theo diện tập trung”, ông Anh nói thêm.
Bỏ trốn khỏi nơi cách ly có thể bị phạt tiền đến 100 triệu, phạt tù 10 năm
Luật sư Diệp Năng Bình, Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết: Điều 8 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm nghiêm cấm các hành vi như: Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
Điều luật này cũng nghiêm cấm che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm. Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.
Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Theo Luật sư, Điều 6 Nghị định 176/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế: Cá nhân nào phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm nhưng không khai báo sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng.
Người từ chối cách ly, điều trị Covid-19 có thể bị phạt 10 triệu đồng
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM) phân tích theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, những hành vi sau đây bị nghiêm cấm: Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm…
Về hình thức xử phạt những trường hợp như trên thể hiện rõ trong Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Cụ thể, người có hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, sẽ bị phạt cảnh cáo đến 10 triệu đồng.
Cụ thể, nghị định này đưa ra mức xử phạt 500.000 đồng đối với người không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A như bệnh cúm A/H5N1, bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola, bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do virus và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh… Nếu che giấu bệnh của bản thân hoặc người khác, không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước sẽ bị phạt từ 500.000 – 1 triệu đồng. Dù cơ quan chức năng công bố có dịch mà người bệnh cố tình che giấu bệnh của mình hoặc của người khác, không thực hiện các biện pháp y tế trong vùng có dịch, sẽ bị xử phạt từ 1-2 triệu đồng. Nếu người bệnh từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly y tế, cơ quan chức năng có thể phạt từ 2-5 triệu đồng. “Người vi phạm có thể phải nộp phạt 10 triệu đồng khi bệnh truyền nhiễm xuất hiện và lây lan trong cộng đồng theo Điều 10, Nghị định 176”- luật sư Trần Minh Hùng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, luật sư Trần Minh Hùng đề cập đến những người tung tin thất thiệt về bệnh dịch trên mạng xã hội với mục đích câu “view”, câu “like, theo mức độ nghiêm trọng, người có hành vi như vậy có thể đóng phạt từ 30 triệu đồng lên đến 1 tỉ đồng; hoặc phạt tù từ 6 tháng- 7 năm.
Điều 8, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định những hành vi bị nghiêm cấm, như sau:
1. Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
2. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
3. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
4. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.
5. Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.
6. Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.
7. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Thành Nhân