Một phát bắn: Đó là tất cả những gì Trung Quốc cần làm để đánh chìm tàu sân bay Mỹ?
Liệu vũ khí mới của Trung Quốc có thể đánh chìm hay phá hủy tàu sân bay Mỹ chỉ với một phát bắn, trước khi chỉ huy tàu Mỹ có cơ hội phòng thủ?
MỐI ĐE DỌA TỪ DF-17
Theo nhà phân tích Kris Osborn trên tạp chí National Interest, mức độ thiệt hại chính xác mà tên lửa siêu vượt âm DF-17 của Trung Quốc có thể gây ra vẫn chưa rõ ràng. Ngoài ra, người ta cũng chưa biết khi nào loại tên lửa này được Bắc Kinh đưa vào biên chế.
Tuy nhiên, nếu nói rằng Hải quân Mỹ có khả năng sẽ nhìn nhận rất nghiêm trọng về mối đe dọa này thì điều đó cần phải xem lại.
Mạng lưới phòng thủ tàu sân bay đang được tăng cường thêm nhiều lớp hơn, và được trang bị các phương thức bảo vệ mới, bao gồm tác chiến điện tử, hệ thống đánh chặn bằng laser và các thiết bị đường không có thể truyền thông tin về mối đe dọa cho các tàu chiến mặt nước.
Câu hỏi đặt ra là, mức độ thành công của các phát kiến phòng thủ mới này trong việc tìm kiếm, theo dõi và tiêu diệt vũ khí siêu vượt âm của đối thủ đang tiếp cận tàu Mỹ sẽ là bao nhiêu?
Một bản tin trên trang mạng The Drive cho rằng tên lửa “sát thủ tàu sân bay” DF-17 của Trung Quốc có thể đạt tới tốc độ Mach 10.
Mặc dù không nêu cụ thể về hệ thống dẫn đường hay tầm bắn tối đa của DF-17 nhưng The Drive cho biết, thứ vũ khí này có “khả năng cơ động tiên tiến” và một phát bắn duy nhất của nó đã có thể vô hiệu hóa, đánh chìm hoặc tiêu diệt tàu sân bay lớp Ford của Mỹ.
Liệu các hệ thống phòng thủ tiên tiến trên tàu sân bay có thể ngăn chặn vũ khí này? Theo nhà phân tích Osborn, câu trả lời là “có thể”, tuy nhiên, bất cứ hệ thống phòng thủ nào cũng đều phải dựa vào khả năng phát hiện, nhận dạng, tìm kiếm và tìm ra được thứ vũ khí đang tiếp cận tàu trước tiên.
Liệu DF-17 có di chuyển quá nhanh tới mức các hệ thống phòng thủ tích hợp trên tàu không kịp thực hiện bất cứ hình thái phản ứng nào theo chức năng? Câu trả lời là có thể có, hoặc có thể không.
NHỮNG BIẾN SỐ
Ông Osborn nhận định, tùy thuộc vào tốc độ và khoảng cách phát hiện mục tiêu [tên lửa Trung Quốc], có một số biến số có thể mang lại cho lực lượng phòng thủ trên tàu sân bay Mỹ cơ hội để tàu không bị phá hủy.
Ngay cả những vũ khí di chuyển ở tốc độ Mach 10 cũng sẽ phải dựa vào một số hệ thống dẫn đường nhất định để phát huy hiệu quả. Từ đây, một câu hỏi nữa được đặt ra là: Một vũ khí di chuyển với tốc độ Mach 10 có thể đạt độ chính xác tới mức nào?
Đây là một ẩn số, chỉ biết rằng vũ khí dù nhanh nhất mọi thời đại cũng sẽ khó có thể đạt được nhiều thành tựu nếu không có hệ thống dẫn đường tiên tiến và khả năng tấn công mục tiêu di động.
Tên lửa, khi được bắn ra, sẽ phát ra một số tín hiệu điện tử ở một số quãng trong hành trình bay, thậm chí là ở thời điểm phóng. Điều đó khiến nó có thể bị gây nhiễu hoặc chịu sự tác động của một số hệ thống phòng thủ tác chiến điện tử.
Ngoài ra, những con tàu được trang bị vũ khí laser không còn là điều bất ngờ trong tương lai – chúng đã hiện hữu ở hiện tại. Vũ khí laser có rất nhiều lợi thế, đó là thứ vũ khí tấn công hoặc phòng thủ có thể di chuyển với tốc độ ánh sáng.
Do đó, nếu tên lửa siêu vượt âm của đối phương được phát hiện kịp thời thì hệ thống laser được bố trí tốt và nhắm bắn chính xác sẽ có khả năng tiêu diệt hoặc ít nhất là làm trật đường bay của DF-17.
Cũng cần lưu ý rằng, dù tên lửa siêu vượt âm có thể được phát hiện ở quãng nào trong hành trình bay thì vẫn cần có một tên lửa đánh chặn đủ nhanh để tiếp cận nó kịp thời.
Một khía cạnh khác cần nói đến khi phòng thủ tên lửa siêu vượt âm là nỗ lực phá vỡ luồng khí xung quanh đường bay của tên lửa. Theo các chuyên gia quân sự và công nghiệp Mỹ, do tính chất khí động học và yếu tố nhiệt độ trong hành trình bay siêu vượt âm mà sự gián đoạn trong luồng khí của tên lửa đang bay có thể làm trật quỹ đạo của nó.
Đáng lưu ý nhất là vũ khí siêu vượt âm sẽ tạo ra một lượng nhiệt lớn, khiến cho việc điều tiết lượng nhiệt phù hợp trở thành điều kiện cần thiết giúp hành trình bay của nó thành công. Do đó, ông Osborn cho rằng, trong giai đoạn phóng của tên lửa, các cảm biến nhiệt cũng có thể sẽ có khả năng phát hiện và theo dõi nó.
Minh Ngọc