+
Aa
-
like
comment

Một nửa số sông băng trên thế giới sẽ biến mất vào năm 2100

Tuệ Ngô - 30/01/2023 13:05

Theo một nghiên cứu mới nhất, các sông băng trên thế giới đang thu hẹp dần và khả năng sẽ biến mất nhanh hơn dự báo, trong đó 2/3 sông băng có khả năng sẽ tan chảy vào cuối thế kỷ này trước xu hướng biến đổi khí hậu hiện nay.

Sự nóng lên 1,5 độ C sẽ dẫn đến mực nước biển trung bình tăng 9 cm trong khi nhiệt độ cao hơn 4,0 độ C sẽ khiến mực nước biển dâng 15 cm.

Nguy cơ sông băng biến mất

Theo một nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Science số ra ngày 5/1, một nửa số sông băng trên Trái Đất, đặc biệt là những sông băng nhỏ hơn, sẽ biến mất vào cuối thế kỷ này do biến đổi khí hậu, song những nỗ lực hạn chế sự nóng lên toàn cầu có thể cứu những con sông băng khác.

Kết quả nghiên cứu này đã cung cấp cái nhìn toàn diện nhất cho đến nay về tương lai của 215.000 sông băng trên thế giới.

Để giúp định hướng các nhà hoạch định chính sách, nghiên cứu đã xem xét tác động của bốn kịch bản đối với sông băng, trong đó nhiệt độ trung bình toàn cầu thay đổi là 1,5 độ C (2,7 độ F), 2,0C, 3,0C và 4,0C.

Giáo sư Regine Hock của Đại học Oslo, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Mỗi độ tăng đều tạo ra nhiều sự tan chảy và mất mát hơn. Và nếu bạn giảm mức tăng nhiệt độ, bạn cũng có thể giảm tổn thất đó. Vì vậy, theo nghĩa đó, cũng có một chút hy vọng”.

Ngay cả khi mức tăng nhiệt độ toàn cầu bị giới hạn ở mức 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp – mục tiêu tham vọng nhất của Thỏa thuận Paris – các nhà nghiên cứu ước tính rằng 49% sông băng trên thế giới sẽ biến mất vào năm 2100, chiếm khoảng 26% khối lượng sông băng trên thế giới.

Giáo sư Regine Hock của Đại học Oslo

Nhiệt độ trung bình toàn cầu hiện được ước tính sẽ tăng thêm 2,7 độ C, điều này sẽ dẫn đến sự biến mất gần như hoàn toàn của các sông băng ở Trung Âu, Tây Canada, lục địa Hoa Kỳ và New Zealand.

Giáo sư Hock cho biết: “Những khu vực có tương đối ít băng như dãy núi Alps ở châu Âu, Kavkaz, Andes hay miền tây Hoa Kỳ, chúng sẽ mất gần như toàn bộ băng vào cuối thế kỷ này, bất kể kịch bản phát thải là gì. Vì vậy, những sông băng đó, ít nhiều sẽ bị diệt vong”.

‘Tùy thuộc vào các nhà hoạch định chính sách’

Trong trường hợp xấu nhất, khi nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 4 độ C, các sông băng khổng lồ như ở Alaska sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn và 83% các sông băng sẽ biến mất vào cuối thế kỷ này.

Sự nóng lên 1,5 độ C sẽ dẫn đến mực nước biển trung bình tăng 9 cm trong khi nhiệt độ cao hơn 4,0 độ C sẽ khiến mực nước biển dâng 15 cm.

“Nghe có vẻ không nhiều lắm, từ 9 cm đến 15 cm, nhưng mực nước biển toàn cầu không phải là vấn đề đáng lo ngại,” bà Hook chia sẻ.

hu nghỉ dưỡng trượt tuyết Glacier 3000 ở dãy núi Alps của Thụy Sĩ cho thấy đèo Tsanfleuron vào tháng 9 năm 2022 đã không còn lớp băng bao phủ, điều đã tồn tại suốt 2.000 năm qua

Theo bà Hock, mực nước biển dâng phần lớn có liên quan tới sự gia tăng số lượng các cơn bão, nguyên nhân có thể gây ra nhiều thiệt hại hơn.

Sự biến mất của các sông băng cũng sẽ tác động đến tài nguyên nước vì sông băng là nguồn cung cấp nước ngọt cho khoảng 2 tỷ người trên Trái Đất.

Bà Hock nói: “Các sông băng bù đắp lượng nước mất đi vào mùa hè khi trời không mưa nhiều và nóng”.

Các dự đoán của nghiên cứu, bi quan hơn so với dự báo của các chuyên gia khí hậu của Liên Hợp Quốc, đã đạt được thông qua các quan sát về khối lượng của từng sông băng trong nhiều thập kỷ và mô phỏng trên máy tính.

Bất chấp những phát hiện đáng báo động, Giáo sư Hock cho biết có thể giảm tổn thất hàng loạt bằng hành động của con người.

“Nếu điều đó xảy ra tất nhiên là tùy thuộc vào các nhà hoạch định chính sách,” bà Hock nhấn mạnh.

Tuệ Ngô

Bài mới
Đọc nhiều