Một nữ công nhân vừa tử vong do COVID-19
Nguồn cung lương thực toàn cầu đang đứng trước mối đe dọa ngày càng gia tăng do sự xuất hiện trở lại của hiện tượng El Nino, thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen và lệnh cấm xuất khẩu gạo mới đây của Ấn Độ. Đây là nhận định trong bài viết mới được tạp chí tài chính Fresno Bee của Mỹ đăng tải.
Cụ thể, do tác động của hiện tượng El Nino, hàng loạt các hình thái thời tiết cực đoan như nắng nóng, hạn hán, mưa lớn và lũ lụt kéo dài đã và đang trở thành một trong những mối đe dọa đối với nguồn cung cấp thực phẩm trên khắp thế giới.
Hiện tại, nhiệt độ cao ở khu vực Nam Âu đã khiến bò sản xuất ít sữa hơn và cà chua bị hủy hoại. Thu hoạch ngũ cốc cũng sẽ ít hơn nhiều sau khi phải vật lộn với hạn hán. Tương tự, hạn hán nhiều ngày đồng nghĩa với việc sản lượng ngũ cốc ở Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sẽ thấp hơn tới 60% so với năm ngoái. Đặc biệt, trên khắp nước Ý, thiệt hại liên quan đến thời tiết đối với nông nghiệp còn được dự báo sẽ vượt quá mức thiệt hại 6,7 tỷ USD vào năm ngoái.
Còn ở châu Á, giá gạo hiện tại đã tăng vọt trong khoảng 2 tháng trở lại đây khi các nhà nhập khẩu tăng cường tích trữ, do lo ngại thời tiết nắng nóng gây khô hạn và mùa màng thất bát. Theo Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, giá gạo 5% tấm của nước này – được coi là mức giá chuẩn ở khu vực châu Á – đã tăng 15% trong 4 tháng qua, lên 535 USD/tấn. Ðây là mức cao nhất kể từ tháng 3/2021. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng đang phải đối mặt với tình trạng khô hạn diện rộng nên Chính phủ đã đề nghị nông dân chỉ trồng một mùa vụ năm nay.
Theo ông Abdullah Mamun, nhà phân tích nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế cho biết: “Tốc độ ngày càng nhanh của biến đổi khí hậu đã trở nên rõ ràng, ai cũng có thể thấy được mà không cần đến chuyên môn khoa học hay các nghiên cứu. Do đó, chúng ta phải chuẩn bị kỹ lưỡng và không để đến giây cuối cùng mới đối mặt với những hiện tượng tự nhiên cực đoan này”.
Ở một diễn biến khác, vào ngày 17/7 vừa qua, Nga đã tuyên bố sẽ chính thức rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen trước đó. Đây là thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hiệp quốc đứng ra làm trung gian vào tháng 7 năm ngoái nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Cộng đồng quốc tế ngay lập tức đã dự báo những kịch bản xấu với thị trường lương thực thế giới khi thỏa thuận đổ vỡ, mà cụ thể là việc lúa mì, ngô, đậu tương sẽ đồng loạt tăng giá trong thời gian sắp tới.
Không chỉ vậy, thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen sụp đổ còn ảnh hưởng đến an ninh lương thực thế giới và có nguy cơ đẩy hàng triệu người vào tình trạng thiếu đói, nhất là những quốc gia có thu nhập thấp ở châu Phi và Trung Đông. Trong tương lai, việc chấm dứt thỏa thuận sẽ gây thêm áp lực lên giá các loại năng lượng khác trong bối cảnh biến đổi khí hậu được dự báo sẽ còn tiếp tục hoành hành.
Nghiêm trọng hơn, khi thỏa thuận không còn, chính nông sản hay phân bón của Nga cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đường ra thị trường quốc tế do không còn sự đảm bảo của Liên Hợp Quốc về việc tạo điều kiện cho Nga xuất khẩu các mặt hàng này. Bởi vậy, sự biến động trên thị trường lương thực thế giới, nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu khi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen không được nối lại là hoàn toàn hiện hữu.
Bên cạnh việc đối mặt với ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga – Ukraine và tác động của El Nino, thị trường lương thực thế giới còn tiếp tục phải đón thêm một cú sốc nữa khi Ấn Độ thông báo lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo trắng từ ngày 20/7. Điều đáng nói là hiện nay, Ấn Độ đang đóng góp đến 40% hoạt động kinh doanh gạo toàn cầu. Đây cũng là quốc gia cung cấp gạo cho hơn 100 nước khác, đồng thời là đối tác lớn nhất là Trung Quốc, Senegal và Bờ Biển Ngà. Vì thế, một lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức đã khiến các thương nhân vô cùng lo lắng và chưa thể tìm giải pháp thay thế.
Theo các chuyên gia, lệnh cấm này có thể giúp hạ nhiệt giá gạo tại Ấn Độ nhưng về lâu dài sẽ gây sức ép lên giá gạo toàn cầu trong bối cảnh các nước lo ngại El Nino ; đồng thời đẩy giá gạo, vốn đang ở mức cao, sẽ tăng cao hơn nữa sau khi nước này cấm xuất khẩu gạo 100% tấm hồi tháng 9 năm ngoái. Số liệu thống kê vừa qua cho thấy, Ấn Độ có thể sẽ làm đứt gãy thị trường gạo toàn cầu với tốc độ nhanh hơn nhiều so với tác động của cuộc chiến Nga-Ukraine đối với thị trường lúa mì.
Trước tình hình an ninh lương thực toàn cầu đang bị đe dọa nghiêm trọng, ngày 28/6, phát biểu tại Hội thảo Triển khai Chỉ thị số 17/CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và coi đảm bảo an ninh lương thực quốc gia là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước.
Trên thực tế, Việt Nam hiện là một trong những nước xuất khẩu nông sản và thực phẩm hàng đầu thế giới, nổi bật trong đó phải kể đến gạo, tôm, cà phê, hạt điều… Đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu nông sản đến gần 120 nước và vùng lãnh thổ, bao gồm cả những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay EU… Vì vậy, nguồn dự trữ lương thực của Việt Nam tự tin đảm bảo đủ nuôi sống hơn 100 triệu người dân trong nước và thêm cả hơn 100 triệu người dân sau này nữa.
Lan Hoa