+
Aa
-
like
comment

Một nhận định chuẩn xác tính đến thời điểm hiện tại

03/01/2021 09:56

Ngày 30/12/2019, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dẫn lời nhận định về kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương như sau: “Mây đen phủ lên toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn đang toả sáng ở Việt Nam”. Nhận định này đến hiện nay vẫn còn nguyên giá trị và hoàn toàn phù hợp với thực tế đang diễn ra.

Đại dịch năm 2020 sẽ ghi tên nó thành một sự kiện thiên nga đen khó quên trong biên niên sử loài người, không chỉ vì nó đã lấy đi mạng sống của hơn 1,8 triệu người mà nó còn đảo lộn rất nhiều những giá trị khác. Chủ nghĩa dân túy đã gặp phải thách thức thật sự khi mà vị thế của các chính trị gia không thể củng cố bằng bức tường xây bằng thi thể người chết xếp chồng lên nhau. Trẻ em được dạy rằng chúng đang sống trong một thế giới yêu chuộng hòa bình khi mà chúng ta phải giấu chúng một sự thật rằng các rất nhiều các nhà khoa học nghiên cứu vaccine liên tục bị chết một cách khó hiểu. Và cuối cùng, khái niệm quyền riêng tư và tự do của con người đang cần phải được định nghĩa lại.

Nếu dùng một từ để mô tả về kinh tế Việt Nam trong năm 2020 thì chỉ có thể là: THÀNH CÔNG! Sự thành công vượt trội này đến từ quyết tâm chống dịch cùng nhũng chính sách vĩ mô rất phù hợp. Tại thời điểm chúng ta bắt đầu thực hiện truy vết những ca lây nhiễm đầu tiên thì nhiều quốc gia khác trên thế giới vẫn còn những nhận thức mơ hồ về bệnh dịch. Khi chúng ta đã hoàn thành xong giãn cách xã hội lần đầu tiên, rất nhiều chính phủ khác nhau vẫn đang loay hoay lựa chọn giữa 2 cán cân: kinh tế – y tế và truy vết dịch bệnh – miễn dịch cộng đồng. Mô hình GDP hình chữ V của Việt Nam năm nay đã minh chứng cho việc thành công đạt được mục tiêu kép: vừa chống dịch & vừa phục hồi kinh tế.

Cho đến thời điểm bài viết này, với dữ liệu về kinh tế toàn cầu hiện tại, nếu không thể nói Việt Nam thuộc top đầu những nền kinh tế hiếm hoi có mức tăng trưởng dương thì cũng có thể nói chúng ta đang có một nền kinh tế tăng trưởng thuộc nhóm tốt nhất thế giới. Mức tăng trưởng GDP 2,91% có lẽ là một con số khiêm tốn so với quá trình tăng trưởng trong suốt 35 năm vừa qua nhưng nếu so sánh với mức tăng trưởng âm 4.4% trên thế giới nói chung và âm hai chữ số của người láng giềng Thái Lan nói riêng, chúng ta có lẽ nên cảm thấy tự hào về điều này.

Hai luận điệu của các “chuyên gia” dân chủ và các nhà kinh tế học facebook thường sử dụng đó là “giàu có làm gì nếu như dân không được hưởng lợi” và “tăng trưởng cuối cùng cũng đổ về túi người giàu”. Trong kinh tế học vĩ mô có một hệ số tên là Gini (Gini Coefficient) để để biểu thị độ bất bình đẳng trong thu nhập trên nhiều vùng miền, tầng lớp của một quốc gia, chỉ số Gini càng cao thì có nghĩa là bất bình đẳng càng cao. Năm 2020, theo dữ liệu của Statista, Việt Nam thuộc nhóm có chỉ số Gini trung bình thấp, chỉ 35.03. Thấp hơn hẳn so với các nước phương Tây khác như Hoa Kỳ 41.19, Tây Ban Nha 36.69, Hy Lạp 36.47, Áo 36.11.

Chúng mình vẫn hay cười cợt các lãnh đạo khi liên tục kỳ vọng các ngành khác nhau trở thành ngành mũi nhọn mà không nhìn nhận thấy một thực tế rằng một tập thể, một doanh nghiệp hay thậm chí một nền kinh tế không thể chỉ dựa vào một hay một vài cá nhân hay một vài ngành. Một nền kinh tế lành mạnh là một nền kinh tế phát triển hài hòa đa dạng. Rất nhiều chính sách đã được đưa ra nhằm thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo và thực tế những con số ấn tượng của ngành công nghiệp này từ 4 năm gần đây đã chứng minh được tính hiệu quả của chính sách. Nhưng khi đại dịch xảy ra, mọi nghành công nghiệp và dịch vụ đều bị tê liệt thì nông nghiệp năm nay lại chính là trụ đỡ cho cả nền kinh tế.

Chúng ta sẽ như thế nào vào năm 2045? – dấu mốc 100 năm lập quốc. Một phần câu trả lời đã được giải đáp trong Báo cáo dự báo kinh tế châu Á trung hạn giai đoạn 2020-2035 của Viện nghiên cứu chính sách (thinktank) JCER – Nhật Bản. Theo đó, JCER cho rằng đến năm 2035, nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua Đài Loan, có nghĩ rằng chúng ta sẽ có khả năng nằm trong top 20 nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới. Thế & lực đã đầy đủ, chú cá chép mang tên Việt Nam có lẽ chỉ cần chờ đợi vũ môn để hóa rồng.

Như vạn vật trên thế gian, nói cái tích cực ắt vẫn còn chỗ tiêu cực, nói thời cơ nhưng hẳn nhiên vẫn còn thách thức. Bệnh dịch làm một thảm họa nhưng mặt khác nó là một liều thuốc thử cho đề kháng của cơ thể con người lẫn sức chống chịu của nền kinh tế. Bệnh dịch có thể sẽ dẫn đến suy thoái và suy thoái bản chất là cơ chế thanh lọc của chủ nghĩa tư bản khi các doanh nghiệp yếu kém nhỏ lại hoặc phá sản trong khi các công ty mạnh hơn mở rộng. Cách phòng tránh dịch bệnh cho cơ thể và nền kinh tế không gì khác hơn là xoay quanh việc loại bỏ các yếu tố tiêu cực tác động từ bên ngoài và tăng cường nội lực từ bên trong. Nồi bánh chưng Tết năm nay có thể vơi hơn những năm trước, nhưng hãy nhớ rằng ít nhất chúng ta vẫn đủ đầy các thành viên trong gia đình.

Việt Nam đã từng chậm hơn thế giới khoảng 40 năm về phát triển kinh tế, đơn giản, khi trật tự thế giới mới được định hình sau chiến tranh thế giới thứ II 1945 thì chúng ta vẫn còn gồng mình tiếp tục với 2 cuộc kháng chiến lớn và rất nhiều những cuộc chiến nhỏ sau đó. Nhưng với gia tốc hiện tại của nền kinh tế, nhất là với tốc độ tham gia và ký kết với các Hiệp định thương mại tự do (FTAs), chúng ta có quyền kỳ vọng vào một tương lai rực rỡ cho dân tộc.

“Lỡ nước hai xe đành bỏ phí

Gặp thời một tốt cũng thành công.”

(“Học đánh cờ” – Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Con tốt trong cờ vua khi đi đến cuối bàn cờ sẽ được quyền phong thành bất cứ con gì mà người chơi muốn.

Steven Tran

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều