Một nguyên do không ngờ khiến Trung Quốc “mất ngôi” quyền lực nhất châu Á
Đại dịch Covid-19 đã làm suy yếu quyền lực của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và những bất ổn an ninh ngày càng trầm trọng của khu vực tạo ra một nguy cơ chiến tranh “rõ nét”, Viện Lowy nhận định trong báo cáo mới đăng tải về Chỉ số Quyền lực Châu Á (Asia Power Index).
Trung Quốc lần đầu “rớt hạng”
Chỉ số Quyền lực Châu Á được tính toán dựa trên nhiều chỉ số đo lường, bao gồm cả năng lực quân sự, kinh tế, quan hệ kinh tế và mạng lưới quốc phòng, cũng như tầm ảnh hưởng về ngoại giao và văn hóa.
Trong năm 2021, Mỹ là quốc gia quyền lực nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đứng thứ hai là Trung Quốc. Mỹ nổi trội so với xu hướng tụt giảm của khu vực, giành điểm ở 5 chỉ số và vượt qua Trung Quốc ở 2 hạng mục quan trọng: ảnh hưởng ngoại giao và nguồn lực tương lai, mặc dù nước này bị trừ điểm do mất ảnh hưởng về kinh tế.
“Đại dịch thực sự đã ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia xét trên năng lực định hình và phản ứng đối với môi trường bên ngoài”, giám đốc nghiên cứu của Viện Lowy Hervé Lemahieu nói, trong bối cảnh ấy, Mỹ đã giành được quyền lực toàn diện – lần đầu tiên kể từ năm 2018.
Alyssa Leng, học giả nghiên cứu thuộc Viện Lowy cho rằng một phần nguyên do là bởi chính quyền ông Biden đã đảm nhiệm công tác lãnh đạo nước Mỹ. Bà Leng chỉ ra rằng, Washington đã viện trợ 90 triệu liều vaccine cho châu Á – gấp đôi số lượng của Bắc Kinh.
Ngoại giao vaccine là một tiêu chí địa chính trị mới và Mỹ dẫn đầu mảng này. Xếp sau đó là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.
Đây là lần đầu tiên tầm ảnh hưởng của Trung Quốc bị sụt giảm kể từ khi Chỉ số Quyền lực Châu Á được khởi động năm 2018. Ông Lemahieu cho rằng các thách thức kinh tế bao gồm cả tình trạng già hóa dân số đã ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng xác lập quyền lực của Trung Quốc ở châu Á.
“Có rất ít khả năng Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế như Mỹ từng có trước đây nhưng chúng ta thực sự phải chuẩn bị cho thế kỷ lưỡng cực ở Ấn Độ – Thái Bình Dương”, ông Lemahieu nhận định.
Tình trạng “lưỡng cực” nhiều khả năng sẽ xảy ra ở châu Á khi mà hai cường quốc hàng đầu thế giới tiếp tục cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực.
“Trên thực tế, hai quốc gia có tiềm năng đóng góp vào trật tự đa cực của khu vực – Nhật Bản và Ấn Độ – đều mất điểm trong năm 2021 hơn Trung Quốc”, báo cáo của Viện Lowy nhận định.
Nguy cơ chiến tranh “đậm nét”
Theo báo cáo, đồng minh của Mỹ ở khu vực và các thế lực cân bằng chủ chốt như Ấn Độ chưa bao giờ phụ thuộc vào năng lực và thiện ý của Mỹ hơn lúc này, khi mà các bên phải duy trì đối trọng quân sự và chiến lược trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trong khi đó, Bắc Kinh vừa tìm cách thuyết phục các nước Đông Nam Á không gia nhập liên minh của Mỹ, vừa nâng cấp trao đổi quân sự với Nga, Pakistan, Triều Tiên và tạo ra bộ ba đáng gờm gồm các quốc gia hạt nhân trong khu vực.
“Việc cán cân sức mạnh quân sự đang nổi có đóng góp vào sự răn đe và ổn định chiến lược của Ấn Độ – Thái Bình Dương hay không vẫn còn là câu hỏi đang để ngỏ”, báo cáo nêu rõ, “Mức độ thù địch, quy mô cạnh tranh Mỹ – Trung và sự hiện diện của nhiều điểm nóng tiềm tàng có nghĩa là nguy cơ chiến tranh rất rõ nét”.
Ảnh hưởng từ đại dịch đã làm tổn hại tới sự thịnh vượng của toàn khu vực, khiến quyền lực của Trung Quốc bị suy yếu.
“Hiện tại, Bắc Kinh ít có khả năng vượt qua đối thủ của mình về quyền lực toàn diện, tính đến cuối thập kỷ – tình trạng này cho thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc trên thế giới không phải một điều tất yếu”, báo cáo nhận định.
Viện Lowy cho rằng, Australia đã “điều hòa” quyền lực của Trung Quốc tốt hơn hầu hết mọi đối tác của Mỹ dù nước này ngày càng phụ thuộc vào Washington. Quan hệ của Australia và Trung Quốc đã xấu đi trong vài năm trở lại đây.
Hồi 2018, Australia đã cấm tập đoàn viễn thông Huawei tham gia mạng 5G của mình. Quan hệ giữa hai bên càng tồi tệ hơn vào năm ngoái, khi Canberra kêu gọi tổ chức cuộc điều tra độc lập đối với nguồn gốc đại dịch Covid-19. Trung Quốc đã phản ứng bằng hàng loạt biện pháp đáp trả thông qua thương mại.
Tùng Anh