+
Aa
-
like
comment

Một người bỏ đảng sao vẫn sân si “phản biện” về Quy định 37?

An Diễm - 03/11/2021 16:16

Mới đây, ông giáo sư xây dựng Nguyễn Đình Cống lại viết một bài “phản biện” về Quy định những điều Đảng viên không được làm mới được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành. Có nhiều ý kiến rất chi tiết, giá như ông gửi góp ý thắc mắc lên Ban soạn thảo để được phản hồi thì tốt biết bao nhiêu. Đằng này, ông chẻ câu chữ rồi nhận xét lệch lạc theo cảm tính cá nhân, quả là nhiệt tình đi kèm thiếu hiểu biết thành ra hỏng việc.

Quy định 37 có nhiều điểm đổi mới.

Trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Khi quyền lực trong tay càng lớn, thì trách nhiệm và yêu cầu đặt ra cho mỗi Đảng viên càng phải cao.

Chiêu trò “phản biện” của ông Nguyễn Đình Cống.

Thực tế hiện nay cho thấy, đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên trở thành một phẩm chất gắn liền với sự tồn tại của Đảng. Hơn bao giờ hết, đạo đức cách mạng trở thành một đòi hỏi quan trọng và cần thiết cho mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo. Vì vậy, Đảng đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị để một mặt phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, mặt khác không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng và sự gương mẫu trong cán bộ, đảng viên, đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng nhưng vẫn còn phải tiếp tục thực hiện tích cực và quyết liệt hơn nữa.

Sự cần thiết của Quy định những điều Đảng viên không được làm

So với lý luận của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác – Lênin, điểm khác biệt trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng nằm ở chỗ: Người chủ trương xây dựng Đảng không chỉ về tư tưởng, chính trị, tổ chức mà còn về đạo đức với mong muốn Đảng phải là “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Với tư duy biện chứng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn xây dựng Đảng vững mạnh thì phải dựa vào 2 trụ cột là đạo đức và pháp luật”. Do vậy, để đạt mục tiêu xây dựng Đảng về đạo đức như đã đặt ra ở Đại hội XII, tăng cường kết hợp đức trị với pháp trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một giải pháp trọng yếu.

Sau hơn 30 năm Đổi mới, những thành tựu nhất định về kinh tế đã làm đất nước “thay da, đổi thịt” nhưng sự phát triển kinh tế lại chưa kịp song hành với việc củng cố cái “gốc” đạo đức trong Đảng và trong xã hội. Ngược lại, sự lên ngôi của đồng tiền – hệ quả tất yếu của nền kinh tế thị trường sơ khai và quyền lực không kiểm soát – đã làm tha hóa một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Điều này diễn ra đã lâu nên cụm từ “tình trạng suy thoái trong một bộ phận cán bộ, đảng viên” đã được nhắc đến trong văn kiện của 3 kỳ Đại hội là Đại hội X, XI, XII.

Sau hơn 30 năm Đổi mới, những thành tựu nhất định về kinh tế đã làm đất nước “thay da, đổi thịt” nhưng sự phát triển kinh tế lại chưa kịp song hành với việc củng cố cái “gốc” đạo đức trong Đảng và trong xã hội.

Nhìn nhận thực tế này và với tinh thần “Thường xuyên phê bình và tự phê bình”, Đảng đã có nhiều biện pháp mạnh mẽ để chỉnh đốn. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: Phải “nhốt” quyền lực trong cái “lồng” luật pháp. Trong 3 khóa liên tiếp gần đây (Đại hội XI, XII, XIII), ngay sau khi hoàn thiện tổ chức, nhân sự cho nhiệm kỳ mới, Trung ương Đảng đều dành Hội nghị Trung ương 4 để tập trung cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm đảm bảo sự trong sạch, vững mạnh. Và qua mỗi Hội nghị Trung ương 4, nội dung này lại được phát triển, mở rộng, nâng cao hơn so với trước, thể hiện quyết tâm, sự kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng.

Những bước tiến mới đáng kể trong công tác xây dựng Đảng, có thể thấy rõ tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII. Đó là gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị. Đó là sự bổ sung thêm những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; nhận diện suy thoái rộng hơn, không chỉ ở tham nhũng mà còn ở tiêu cực. Những phát triển đó cho thấy sự kiên quyết, kiên trì xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, đồng thời chuyển công tác ấy từ “phòng ngự” sang “phản công”.

Từ những định hướng lớn đó, điều quan trọng tiếp theo là nhận diện và có chế tài xử lý các biểu hiện suy thoái, tiêu cực của cán bộ, đảng viên. Nhiệm vụ này được thực hiện trên cơ sở Quy định số 47-QĐ/TW năm 2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm và được sửa đổi, bổ sung trong Quy định số 37-QĐ/TW vừa được thông qua.

Như vậy, bản chất việc ban hành Quy định số 47 trước đây và thay bằng Quy định 37 hiện nay cho thấy quyết tâm trong việc làm trong sạch bộ máy, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Điều đó không thể nào được lý giải theo cái kiểu suy đoán bậy bạ của ông Cống là do “rệu rã, sự lãnh đạo sai hoặc nhầm phương hướng”. Điều này cũng lý giải luôn cho thắc mắc của ông về lý do tại sao không tự kỷ luật mà lại phải “cấm”.

Phản biện những “góp ý” của ông Cống

Về điều 9 cấm Đảng viên “nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định” mà ông Cống cho rằng “lách dễ ợt vì không cấm con và vợ/chồng”:

TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho biết nếu đảng viên chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài, cơ quan chức năng có đầy đủ công cụ, cơ sở để phát hiện và xử lý. Ngay cả khi chuyển tên, sang nhượng tài sản cũng phải làm các thủ tục theo quy định của pháp luật nên các cơ quan chức năng có đủ điều kiện để xác minh, làm rõ. Khi đã xác định được những dấu hiệu nghi ngờ về nguồn gốc hợp pháp của tài sản nào đó thì dù mang tên ai cũng có thể bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc chuyển dịch, tẩu tán tài sản ra nước ngoài.

Cũng trong điều 9 có nội dung “Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp” mà ông Cống cho rằng “ít nguy hại”. Thật tình có lẽ ông quên mất bằng cấp là một tiêu chuẩn quan trọng để bổ nhiệm cán bộ hay sao? Vừa qua, rất nhiều cán bộ lãnh đạo đã bị xử lý liên quan đến việc sử dụng văn bằng giả để chạy chức, chạy quyền, leo cao trong bộ máy.

Về ngôn từ, cụm từ “không được không…” là một lựa chọn hợp lý vừa bao hàm ý nghĩa “cấm” vừa diễn giải rõ ràng nội dung cấm. Thực tiễn xã hội có nhiều sự việc phức tạp, cần diễn giải rõ ràng mới có thể đề cập đầy đủ hết nội hàm của sự việc. Khi “Không làm việc X” là một việc bị cấm và sẽ bị xử lý, thì “không được không làm việc X” là một câu từ được lựa chọn vừa đủ, dễ hiểu. Ví dụ “Không được không chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng”, có nghĩa là nếu anh không chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, trước đây có thể anh chỉ bị nhắc nhở nhưng nay anh sẽ vi phạm vào điều cấm và bị xử lý.

Về những nội dung mà ông Cống nói “thừa vì Hiến pháp và Luật đã có quy định cho công dân, như vậy cũng đã quy định cho đảng viên”:

Tạp chí Xây dựng Đảng số 7/2011 có bài viết về Điều lệ Đảng và Hiến pháp như sau: “Ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam có vị trí đặc thù là chính đảng duy nhất, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Hiến pháp và Điều lệ Đảng cùng khẳng định Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Điều đó cũng có nghĩa là Đảng phải chịu sự điều chỉnh của Hiến pháp và pháp luật, Điều lệ Đảng phải phù hợp với tinh thần và lời văn của Hiến pháp và pháp luật. Dù là chính đảng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội, tính chất ‘nội bộ’ vẫn quán xuyến toàn bộ Điều lệ Đảng…Tính chất nội bộ của Điều lệ Đảng đảm bảo cho Đảng có thể đưa ra những quy định nội bộ đối với đảng viên trong các quan hệ chính trị – xã hội.”

Như vậy có thể hiểu, ngay cả với nội dung đã được đề cập trong Hiến pháp và pháp luật, việc đề cập lại trong Điều lệ và Quy định giúp Đảng có thể đưa thêm những quy định riêng mà khách quan, mang tính chất hạn chế một số điểm trong việc thực hiện quyền công dân của đảng viên.

Về những nội dung mới bổ sung trong Quy định 37-QĐ/TW

Trong Điều 3 có quy định đảng viên không được: Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng.

Ở đây cần lưu ý cụm từ “chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” là một thể thống nhất, không thể tách rời. Đây là kết tinh từ thành quả nghiên cứu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác”. Và trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “cố gắng vận dụng” tư tưởng của các nhà kinh điển C.Mác, Ph.Ăng-ghen và V.I.Lênin, “nhưng vận dụng một cách sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam”. Và ý này đã trả lời câu hỏi của ông Cống về những vận dụng sáng tạo của Đảng như việc khuyến khích kinh tế tư nhân.

Nêu gương chính là hành động của mình tạo ra những giá trị tốt đẹp cho xã hội có tính thuyết phục, thuận lòng người, dẫn dắt mọi người làm theo. Trước hết, Đảng gánh vác trọng trách lịch sử là người lãnh đạo cách mạng Việt Nam, do đó sứ mệnh của Đảng phải là người đi tiên phong, dẫn dắt dân tộc, nói trước, làm trước, hy sinh trước, chứ không phải chỉ là “làm tròn trách nhiệm”.

Về chủ nghĩa cá nhân, trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng luôn coi trọng và xác định lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp cho sự phát triển. Tuy nhiên, nếu tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, coi lợi ích cá nhân là động lực duy nhất thì đó là tư tưởng cực đoan, dễ sa ngã vào chủ nghĩa cá nhân. Về bản chất, chủ nghĩa cá nhân là lối sống tuyệt đối hóa lợi ích, hướng tới thỏa mãn những suy nghĩ, nhu cầu, mục đích, hành vi vụ lợi, hưởng lạc theo chủ nghĩa vị kỷ, nuôi dưỡng tính hám lợi, hiếu danh, ích kỷ. Đúng như nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô, v.v… Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”.

Thực tế, qua quá trình thực hiện cho thấy, một số điều trong Quy định 47 chưa thật tường minh, đầy đủ, và đã được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện để đem lại hiệu lực, hiệu quả cao hơn trong Quy định 37 mới ban hành. Bản thân giáo sư Nguyễn Đình Cống cũng đã công nhận việc này. Hi vọng ông có thể hiểu rõ hơn chính sách của Đảng và gửi thư đóng góp ý kiến cho những lần tới, thay vì đưa ra những nhận xét tréo nghoe, lộn xộn trên mạng xã hội.

An Diễm

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều