Một nghề vẻ vang!
Ngày 20-11 lại về, xin trận trọng gửi đến những nhà giáo nói chung đang công tác ở khắp mọi miền tổ quốc một lời động viên của Bác rằng “nghề thầy giáo rất quan trọng, rất vẻ vang. Ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo thì phải sửa chữa”.
Mới đây, 183 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho gần 1,4 triệu nhà giáo từ cấp học mầm non đến đại học trong ngành giáo dục được xướng tên trong lễ tôn vinh “Nhà giáo của năm 2019” do Bộ giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Để rồi, một lần nữa chúng ta thấy được vai trò quan trọng của người thầy đối với sự nghiệp giáo dục nói riêng, sự phát triển đất nước nói chung.
Có thể nói, người thầy phải luôn giữ vững phẩm chất chính trị, phải có lối sống giản dị, lành mạnh, trong sáng, luôn giữ mối quan hệ tốt với cộng đồng, xã hội, được mọi người yêu quý và kính trọng.
Và để khẳng định vị trí của mình trên bục giảng, người thầy phải tận tâm, yêu nghề, luôn tìm tòi, sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và mỗi người thầy phải xem nghề nghiệp của mình là một sứ mạng cao cả mà cả xã hội trông chờ và tin tưởng.
Tôn vinh nhưng cũng tăng phần trách nhiệm
Tuy nhiên, trước sự tác động không nhỏ của nền kinh tế thị trường, đâu đó còn có những thầy cô đã không giữ được cái tâm sáng, chưa hết lòng vì học trò, bị vật chất, môi trường tiêu cực cám dỗ, đã làm mai một đi hình ảnh người thầy đáng kính trong lòng nhân dân và các thế hệ học trò.
Song đó chỉ là những cá nhân cá biệt, những “con sâu làm rầu nồi canh”. Vì hàng ngày, hàng giờ đã và đang có biết bao thầy cô miệt mài đèn sách, bám lớp, bám trường, khắc phục mọi khó khăn để dạy dỗ, truyền lửa cho các em học sinh thân yêu, họ vẫn mãi là những người đưa đò cần mẫn, tận tâm, tận lực, xứng đáng được xã hội tôn vinh.
Sự phát triển của xã hội, phẩm chất của người thầy vẫn luôn được đề cao nhưng ít nhiều có sự đổi thay trong phương pháp giáo dục để phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn lịch sử. Song trong bất kỳ xã hội nào, giai đoạn phát triển nào của đất nước thì người thầy vẫn giữ vai trò vô cùng quan trọng, bởi vì họ là những người trực tiếp làm công tác giáo dục, trực tiếp đào tạo thế hệ tương lai. Đất nước có giàu mạnh hay không một phần là nhờ vào giáo dục.
Theo đó, lễ tôn vinh cũng là dịp để động viên đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động tiếp tục rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Qua đó, khẳng định vị thế, vai trò, hình ảnh của nhà giáo trong xã hội.
Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn nhận lại vấn đề giáo dục nhìn từ giáo viên. Bởi vì giáo viên là chìa khóa quyết định thành quả mọi nền giáo dục! Dù máy móc có tốt đến mấy mà thợ tồi thì rất khó có sản phẩm tốt! Triết lý hay mà không có người thực hành đúng thì cũng vô nghĩa!
Nghề vẻ vang!
Trong xã hội xưa, người thầy có vị trí vô cùng quan trọng, thứ bậc của người thầy được tôn vinh bởi các nguyên tắc bất di bất dịch: Quân, sư, phụ và bởi những quan niệm hết sức tốt đẹp “Không thầy đố mày làm nên”. Người thầy không chỉ là người dạy chữ mà còn dạy những lễ nghi, phép tắc, đạo đức dạy cách làm người theo chuẩn mực khắt khe của xã hội.
Vì thế, người thầy trong truyền thống là những người có trí tuệ sâu rộng, am hiểu sách thánh hiền, đạo đức cao cả, cái tâm trong sáng, luôn coi trọng danh dự, lương tâm, luôn giữ gìn khí tiết thanh cao. Họ là người thầy mẫu mực về nhân cách, uyên thâm về trí tuệ.
Lịch sử giáo dục dân tộc ghi nhận nền giáo dục truyền thống ấy đã đào tạo được nhiều bậc hiền tài, nhân tài trị nước, cứu đời. Tạo nên những thời kỳ thịnh trị, những trang sử huy hoàng của dân tộc.
Lịch sử giáo dục dân tộc cũng ghi nhận các thầy giáo là tấm gương sáng ngời về đạo đức, khí tiết, học vấn uyên bác đã đào tạo được nhiều thế hệ học trò thành đạt, đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước trong các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao và văn hoá…, tiêu biểu như thầy Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Qúy Đôn, Đặng Thai Mai, Hoàng Như Mai, Phạm Huy Thông… đặc biệt thầy giáo Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh, một nhà cách mạng kiệt xuất, một nhà giáo tiêu biểu.
Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề đổi mới trọng tâm của ngành giáo dục đó là cần xuất phát từ những vấn đề xung quanh của giáo viên. Sự thay đổi rất lớn, căn bản, chuyển từ việc truyền thụ kiến thức sang việc đào tạo những con người có phẩm chất, năng lực, tiếp cận với yêu cầu hiện hữu là nguồn nhân lực có chất lượng không chỉ phục vụ trong đổi mới trong nước mà còn cạnh tranh với nguồn nhân lực chất lượng cao các nước khác.
Rõ ràng vai trò, định hướng của người thầy không chỉ để học trò có kiến thức, kỹ năng mà còn có phẩm chất, năng lực. Do đó, vai trò của người thầy trong thời điểm này là rất quan trọng.
Liên quan đế vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục chính là đội ngũ những người thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Bởi vì các thầy giáo có nhiệm vụ nặng nề là đào tạo cán bộ cho nước nhà; là “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa”. Nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục…không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế – văn hóa”.
Nói thẳng ra, đối với đội ngũ giáo viên, dù cấp học nào cũng nhờ năng lực sáng tạo, giáo viên sẽ tự ý thức, chủ động và tích cực tạo nên sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu, lợi ích và mục đích đa dạng, ngày càng tăng của sự phát triển con người và xã hội.
Có năng lực sáng tạo, giáo viên dễ dàng tiếp cận và sử dụng các phương pháp dạy học thích hợp để phát triển trí tưởng tượng phong phú của học sinh, giáo viên biết tạo môi trường lớp học thú vị, cung cấp cho học sinh không gian kích thích sự nảy sinh ý tưởng, khám phá và thực hiện việc học tập một cách tốt nhất.
Tức là, giáo viên là những người trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn và truyền thụ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho học sinh. Nên, xây dựng được đội ngũ giáo viên có đủ phẩm chất và năng lực sẽ là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của công cuộc cải cách và đổi mới giáo dục.
Và để phát huy được vai trò của người thầy, thì một vấn đề quan trọng đã được đặt ra đó là thu nhập của người thầy đã đủ để cho họ yên tâm cống hiến cho nghề? Thực tế cho thấy, không ít chính sách liên quan đến người giáo viên còn những vướng mắc, bất cập, nên đã đến lúc cần phải rà soá và có chính sách đột biến về đãi ngộ vật chất cho nhà giáo phù hợp thực tiễn.
Cần phải nhớ, đối với lĩnh vực giáo dục, không phải chiến lược ngày hôm trước thì hôm sau có kết quả mà đòi hỏi cả một quá trình tích luỹ tịnh tiến. Không như kinh tế, tăng giá điện tác động xã hội ngay lập tức tác động giá cả thị trường còn giáo dục phải đi rất chậm, phải có một quá trình tích luỹ mới có hiệu ứng.
Đồng thời, hãy nhớ lời Người chỉ dạy: “Giáo dục được người thầy giáo, được cả một thế hệ, thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu; một tấm gương sáng của người thầy sẽ có cả một thế hệ noi theo, ngược lại một hành vi xấu của người thầy có thể làm tổn thương, làm mất niềm tin cả một lớp người”.
Chính vì vậy, cũng mong rằng, mỗi người thầy một khi xác định theo nghiệp “đưa đò” thì hãy tận tâm, tận hiến cho nghề. Bởi một lẽ: Nghề “đưa đò là nghề vẻ vang!
Sông Trà