Một ngày thần tốc lập Bệnh viện dã chiến số 2 ở Hải Dương
Chiều 29/1 bệnh viện dã chiến thứ hai ở Hải Dương, quy mô 210 giường, đã được thiết lập xong, đón 26 bệnh nhân Covid-19 điều trị.
Giáo sư Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, được Bộ Y tế điều động chi viện Hải Dương và lập Bệnh viện dã chiến số 2. Ông cho biết chiều 28/1 nhận được lệnh triển khai bệnh viện dã chiến tại Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Ngay lập tức, các cán bộ chủ chốt của Bệnh viện Bạch Mai bắt tay triển khai, chiều 29/1 bắt đầu hoạt động.
“Đây là một nhiệm vụ quan trọng, hết sức thần tốc. Dịch bệnh lần này lây lan nhanh, các bệnh nhân được phát hiện dương tính đang ở khu cách ly”, ông Tuấn nói.
Đêm 28/1, các chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai đã phối hợp trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, các cơ quan ban ngành tỉnh, đưa ra phương án lập bệnh viện nhanh nhất có thể.
“Chúng tôi điều động 27 cán bộ y tế bao gồm chuyên gia đầu ngành, có kinh nghiệm, từng tham gia chống dịch tại Đà Nẵng, đến Hải Dương trực tiếp hỗ trợ; đồng thời triển khai lắp ráp ngay các phương tiện máy móc, trang thiết bị tại bệnh viện dã chiến”, ông Tuấn cho biết.
Cùng đó, Bệnh viện Bạch Mai cung cấp 80 giường dã chiến, trang thiết bị thiết yếu, giúp bệnh viện dã chiến hoạt động ngay. Các máy chụp X-quang di động, máy siêu âm 4D, điện tâm đồ, đầy đủ các thiết bị xét nghiệm cần thiết được chuyển ngay đến bệnh viện dã chiến.
Sau 22 giờ triển khai, Bệnh viện dã chiến số 2 đã hoàn thành, đủ khả năng tiếp nhận khoảng 210 bệnh nhân Covid-19, 10 giường cấp cứu, 26 giường điều trị tích cực kèm theo máy thở. Phòng mổ dã chiến phục vụ các trường hợp bệnh nhân gặp sự cố cấp tính (viêm ruột thừa, mổ đẻ…) cũng được thiết lập tại đây. Tùy tình hình dịch, bệnh viện dã chiến số 2 có thể mở rộng thêm 400 giường.
Phó giáo sư Đinh Thị Diệu Hằng, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 2, nói: “Chúng tôi quyết định không nhận bệnh nhân mắc các bệnh khác, để chuyên môn điều trị bệnh nhân Covid-19”.
Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương được Bộ Y tế giao hai nhiệm vụ là tham gia điều tra dịch tễ học để truy vết, lấy mẫu xét nghiệm; và tham gia điều trị bệnh nhân tại bệnh viện. Trường đã huy động toàn bộ cán bộ, giảng viên, viên chức ngành y tham gia tập huấn. 80 bác sĩ và các điều dưỡng, 100 sinh viên năm cuối của hệ điều dưỡng tham gia công tác điều trị. 1.000 sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm cuối được huy động sẵn sàng tham gia công tác điều tra dịch tễ và truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, theo bà Hằng.
Chiều 29/1, Bệnh viện dã chiến đã hoàn thành hệ thống xử lý nước thải y tế, đưa vào vận hành đảm bảo các điều kiện về môi trường an toàn.
Bệnh viện dã chiến số 2 của Hải Dương hoạt động, đã tiếp nhận 26 bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Anh Văn.
Sáng 29/1, Bệnh viện dã chiến số 1 đặt tại Trung tâm Y tế TP Chí Linh (Hải Dương) cũng hoạt động. Đến tối, nơi đây đã tiếp nhận 98 ca nhiễm. Các bệnh nhân vào viện này đều liên quan đến ca 1552 là công nhân của công ty Poyun. Họ được chia về điều trị tại 5 khoa của bệnh viện gồm Truyền nhiễm, Nội tổng hợp và Đông y, Nhi, Cấp cứu, Ngoại sản.
“Hiện, bệnh viện dã chiến số 1 có thể thu dung, điều trị khoảng 250 đến 300 bệnh nhân”, bác sĩ Vũ Minh Điền thuộc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chi viện Hải Dương, cho biết.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch Hải Dương đã lập 5 nhóm thầy thuốc điều trị tại Bệnh viện dã chiến TP Chí Linh. Chiều cùng ngày, đoàn chuyên gia y tế của Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành tập huấn khẩn cấp về công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 cho toàn bộ cán bộ y tế, công nhân viên của bệnh viện.
Theo các chuyên gia Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chi viện tại Bệnh viện dã chiến số 1, khó khăn lớn nhất gặp phải hiện nay là cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn, phòng cấp cứu chỉ có oxy bình. Trang thiết bị phòng hộ cho nhân viên y tế số lượng rất ít. Bệnh viện dã chiến số 1 đề nghị nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Y tế và các cơ sở y tế khác.
Lê Nga/TTO