+
Aa
-
like
comment

Đà Nẵng còn đang chiến đấu: Đừng sợ hãi, hãy bình tĩnh 

Văn Dân - 31/07/2020 16:49

Phải nói hôm nay là một ngày “kỷ lục” buồn không chỉ với Đà Nẵng. Mặc dù đã dự đoán rằng Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều người nhiễm, nhưng thực sự nhiều người vẫn bị sốc trước con số kỷ lục hôm nay, khi 7h giờ sáng báo chí đồng loạt đưa tin thêm 45 ca nhiễm (đều nằm trong khu cách ly tập trung ở Đà Nẵng). Đến đầu giờ chiều, lại một lần nữa bị “sang chấn” khi nhận hung tin về ca bệnh 428. Vậy là sau rất nhiều những nỗ lực để cứu chữa, nam bệnh nhân 70 tuổi người Quảng Nam đã không thể qua khỏi. Việt Nam lần đầu tiên có ca tử vong do dịch Covid-19. 

Thiên tai, dịch bệnh đều liên quan đến sự sống còn của cả một đất nước tất nhiên là không thể tránh khỏi mất mát hy sinh.

Thông tin từ Tiểu ban điều trị – Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho hay, bệnh nhân 428 tử vong vì nhồi máu cơ tim trên nền bệnh lý nặng và mắc COVID-19. Bệnh nhân có tiền sử suy thận mạn tính, đã chạy thận nhân tạo 2 lần/tuần trên 10 năm, tăng HA – suy tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ. Mà như PGS.TS Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, khi mắc Covid-19, nhóm đối tượng có nguy cơ cao diễn biến tăng nặng sẽ tập trung vào nhóm người cao tuổi (trên 60 tuổi), có bệnh lý nền (tiểu đường, cao huyết áp, suy thận mãn, lọc máu chu kỳ, ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính…) hoặc có cơ địa, thể trạng béo phì, suy kiệt. Những yếu tố này sẽ dễ dẫn đến nguy cơ tăng nặng khi nhiễm Covid-19.

Nhiều chuyên gia về lão khoa cũng chia sẻ, sức đề kháng của nhóm người cao tuổi, mắc bệnh lý nền thường giảm hơn so với các nhóm tuổi khác. Nếu người cao tuổi bị bệnh, Covid-19 sẽ làm cho các bệnh mãn tính đó thúc đẩy chuyển thành giai đoạn cấp hoặc đợt cấp, do đó bệnh nhân rất dễ tử vong. Thực tế tại các nước có đông người mắc và tử vong, tỷ lệ BN Covid-19 tử vong chủ yếu là người cao tuổi có kèm nhiều bệnh lý mãn tính. Nên có sợ cũng không giải quyết được gì. Xác lập cho mình tinh thần mới, sống chung với dịch bệnh. Chủ động phòng ngừa. Giữ vững tinh thần. Làm sao chúng ta có thể đi mãi một con đường chữa bệnh riêng như vậy mà không gặp rủi ro?

Là một quốc gia phải chịu quá nhiều thiên tai, địch họa và dịch bệnh, Việt Nam có một số khả năng mà nhiều quốc gia khác không có. Chúng ta có thể huy động cả dân tộc làm một cuộc chiến thần kì mà các quốc gia khác không thể. Và đó là những gì chúng ta đang cố gắng nhất hôm nay, để đẩy lùi đại dich COVID-19, chúng ta đã giành chiến thắng ở 2 giai đoạn XÂM NHẬP và LÂY NHIỄM CỤC BỘ, điều đó củng cố trong tôi niềm tin chúng ta sẽ giành chiến thắng ở giai đoạn 3 với tình trạng LÂY NHIỄM CỘNG ĐỒNG rất nguy hiểm.

Thiên tai, dịch bệnh hay địch hoạ đều liên quan đến sự sống còn của cả một đất nước tất nhiên là không thể tránh khỏi mất mát hy sinh. Cuộc chiến chống Covid lần này là cuộc chiến gian nan, lâu dài. Để chiến thắng đại dịch, chúng ta phải biết chọn con đường cao hơn để đi tới đích, đó là con đường của sự hiểu biết, can đảm, lòng trắc ẩn, tình yêu thương tràn ngập. Và đừng làm tình trạng xấu thêm bằng fake news và những cảm xúc tiêu cực vô lối hoặc sự kỳ thị phi khoa học.

Văn Dân

Bài mới
Đọc nhiều