+
Aa
-
like
comment

Một nền tư pháp liêm chính – đừng để một người làm tổn thương cả hệ thống

12/11/2019 17:05

Pháp luật hình sự cùng nhiều quy định khác của ngành tư pháp đã chấn chỉnh, đề ra những biện pháp ngăn ngừa oan sai, nhưng trên thực tế vẫn xảy ra nhiều vụ án oan sai, rất đáng suy ngẫm. Mỗi vụ việc oan sai xảy ra, không chỉ thiệt hại kinh tế là Nhà nước mà còn gây đau khổ cho gia đình họ tan nát, con cái họ thất học… Mỗi thẩm phán phải thấy hậu quả đó là bài học để sửa sai và tránh oan sai.

Oan, sai một người làm tổn thương cả hệ thống tư pháp

Không thể phủ nhận, pháp luật hình sự cùng nhiều quy định khác của ngành đã chấn chỉnh, đề ra những biện pháp như lắp camera, cho luật sư tham gia quá trình tố tụng từ khi điều tra, nhưng trên thực tế vẫn xảy ra nhiều vụ án oan sai, rất đáng suy ngẫm. Điểm chung của các vụ oan sai là do không tuân thủ nghiêm túc Điều 86 Bộ Luật tố tụng hình sự, dùng nhục hình, bức cung…. Hẳn nhiều người còn nặng lòng về một số vụ án oan sai chấn động dư luận, ngành tòa án đã tổ chức xin lỗi công dân.

Nhìn vào các mặt báo sẽ không khỏi day dứt vụ ông Hàn Đức Long ở xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên tỉnh Bắc Giang bị án tử hình oan tội giết người và hiếp dâm; Vụ bà Đặng Thị Nga và 2 con Trịnh Công Hiến và Trịnh Huy Dương ở Tuần Giáo, Điện Biên bị án oan giết chồng, giết cha; Vụ ông Nguyễn Trần ở ấp 2, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai án oan “giao cấu với trẻ em;

Rồi còn ông Nguyễn Thanh Chấn xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang án oan chung thân về tội giết người; Ông Huỳnh Văn Nén ở huyện Hàm Tân, Bình Thuận bị 2 án oan về 2 tội giết người; Và vụ ông Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh bị án tử hình oan tội giết em họ.

Rồi mới đây ngày 22/10, Viện KSND tỉnh Tây Ninh xin lỗi công khai 7 nạn nhân trong 1 gia đình bị oan sai suốt 40 năm trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Viện KSND tỉnh Tây Ninh xin lỗi công khai 7 nạn nhân trong vụ án oan sai
Viện KSND tỉnh Tây Ninh xin lỗi công khai 7 nạn nhân trong vụ án oan sai

Đồng thời, Viện KSND tỉnh Tây Ninh cũng đã xin lỗi các nạn nhân bị oan tại địa phương vào ngày 31/10, tại UBND xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh (đây là nơi vụ án xảy ra).

Các nạn nhân bị oan sai được xin lỗi gồm: ông Nguyễn Thành Nghị (sinh năm 1918, đã mất), bà Võ Thị Thương (sinh năm 1925), ông Hồ Long Chánh (sinh năm 1952), bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (sinh năm 1944), ông Nguyễn Văn Chiến (sinh năm 1953), bà Nguyễn Thị Lan (sinh năm 1953) và ông Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1961, Dũng nhỏ).

Theo nội dung vụ án, khoảng 23h ngày 26/7/1979, tại một nhà máy xay lúa ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh xảy ra một vụ cướp. Chỉ 30 phút sau đó, công an đã bắt được một người đàn ông tình nghi. Rồi từ lời khai nhận của người này, lần lượt 7 người trong gia đình bà Thương bị bắt theo rồi bị đưa về công an huyện điều tra.

Mỗi vụ việc oan sai xảy ra, người ta chỉ nghĩ đến thiệt hại kinh tế là Nhà nước tốn một khoản tiền bồi thường. Cái đau khổ hơn của oan sai là gia đình họ tan nát, con cái họ thất học… Mỗi thẩm phán phải thấy hậu quả đó là bài học để sửa sai và tránh oan sai.

Xây dựng nền tư pháp liêm chính là xây dựng tín nhiệm của thể chế chính trị

Giới chuyên gia tư pháp và công luận đã bỏ công đi tìm nguyên nhân của các vụ án oan sai bị hủy thì thấy, do việc đánh giá chứng cứ của tòa án các cấp đã chưa đảm bảo được đúng bản chất sự vụ. Việc sử dụng chứng cứ (không chính xác) là nguyên nhân có những bản án oan sai như vậy.

Soi lại Điều 86 Bộ Luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.

Như vậy ngoài việc phải được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định, thì trước tiên, chứng cứ phải là những gì có thật đã. Và như thế cũng có nghĩa rằng, không phải cứ thu thập theo trình tự, thủ tục của BLTTHS thì nó đã là chứng cứ. Đó là điều buộc những người xét xử phải làm công tâm, làm có trách nhiệm.

Ngày 14/1, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân Tối cao đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tòa án năm 2019 với 778 điểm cầu tại Toà án quân sự Trung ương và các Tòa án nhân dân (TAND) trên toàn quốc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị ngành tòa án cần tập trung thực hiện khẩn trương hơn các yêu cầu cải cách tư pháp; những nhiệm vụ còn lại của nhiệm kỳ. Toàn ngành cần tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra việc xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; hạn chế mức thấp nhất các bản án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của tòa án; kiên quyết khắc phục tình trạng vi phạm thời hạn tố tụng.

“Uy tín của tòa án chính là tín nhiệm của thể chế chính trị, của Nhà nước, bởi đây là niềm tin của người dân vào công lý, công bằng xã hội”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nêu rõ.

“Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là các thẩm phán thanh liêm, chính trực, vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật phải là ưu tiên hàng đầu của các tòa án”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Bài học lớn rút ra sau khi soi xét lại các vụ án oan sai bị hủy là, có những Hội đồng xét xử đã “quên” mất khâu đầu tiên khi tiếp cận với những thứ “được thu thập theo trình tự, thủ tục” của BLTTHS quy định, do Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát chuyển đến, đó là phải đánh giá với những thứ được tạm coi là chứng cứ đó, xem nó có phải là “những gì có thật” trong vụ án đó không.

Nguyên tắc là, chỉ khi nào những thứ đó là “những gì có thật” trong vụ án, và phải có liên quan đến hành vi xảy ra trong vụ án “để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”, thì mới được coi là chứng cứ.

Đây đó, vẫn còn cơ quan xét xử tư duy “án tại hồ sơ”, cho nên khi những thứ này được Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát chuyển sang Tòa án thì ở những vụ án oan sai cán bộ xét xử đã xem xét dễ dãi, thậm chí có khi còn mặc nhiên coi nó là chứng cứ.

Chẳng hạn như, lời khai bị mớm cung, bức cung, người làm chứng gian dối, vật chứng lấy không đúng thứ phản ánh hành vi xảy ra, sơ đồ hiện trường mô tả thiếu sót,… thì rõ ràng đã không phải là “những gì có thật” của vụ án, mặc dù “được thu thập theo trình tự, thủ tục” do BLTTHS quy định. Thậm chí có vụ, thiếu vật chứng thì đã bổ sung bằng cách lấy vật chứng từ … bên ngoài vụ án để cho khớp với lời khai trong hồ sơ, và sơ đồ hiện trường bị điều chỉnh cho … khớp với lời khai.

Chính vì thế điều này đã giải thích tại sao một trong các bước tiến hành tố tụng là phải có tranh luận tại phiên tòa, là một bước cực kì quan trọng, không thể thiếu trong công tác xét xử vụ án. Có nghĩa rằng, một vụ án được xét xử chính xác hay không, là phụ thuộc rất nhiều vào kết quả tranh luận tại phiên tòa.

Phạm Minh Hà

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều