+
Aa
-
like
comment

Một năm vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia

28/12/2020 08:08

Người dân chỉ cần truy cập một địa chỉ, bằng một tài khoản có thể truy cập được tất cả cổng dịch vụ công của các bộ, ngành và địa phương, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng.

Một buổi sáng tháng 9/2020, sau khi hoàn tất thủ tục mua chiếc xe Hyundai i10 tại đại lý bán ôtô trên đường Tam Trinh, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), vợ chồng anh Trịnh Thanh Phong ở Tây Mỗ, Nam Từ Liêm (Hà Nội) được nhân viên kinh doanh tư vấn có thể đăng ký xe, nộp thuế trước bạ trên mạng thay vì phải mang nhiều loại giấy tờ đi làm thủ tục trực tiếp.

Sau 20 phút kê khai, nộp thuế trước bạ trên Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn), anh Phong nhận được tin nhắn từ Tổng cục thuế với nội dung “đã nộp hồ sơ kê khai thuế thành công” kèm theo số mã hồ sơ, tiếp đó là tin nhắn thông báo “hồ sơ đã được chuyển sang CSGT, mời bạn đến phòng đăng ký xe để làm thủ tục”.

Tại phòng CSGT, mất 5 phút điền tờ khai online, anh Phong nhận được mã số đi cấp biển, đăng ký xe. Hoàn tất các bước trên, anh Phong lái xe đến đội đăng ký xe, đọc mã số hồ sơ để lấy tờ khai đăng ký xe và bấm nút nhận biển số. Đây là lần thứ hai anh Phong mua ôtô, nhưng lần này, thời gian làm thủ tục giảm hơn nửa ngày so với lần đầu.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP

Đăng ký xe trực tuyến chỉ là một trong rất nhiều dịch vụ được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, hoạt động từ cuối năm 2019. Cổng gồm 6 thành phần chính: Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; xác thực, đăng nhập một lần; thanh toán trực tuyến; hệ thống phản ánh, kiến nghị cho người dân, doanh nghiệp; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương; hỗ trợ trực tuyến và Tổng đài hỗ trợ.

Tại thời điểm khai trương, Cổng cung cấp 5 dịch vụ công tại 63 địa phương là Đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình); dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp).

Hai tiện ích được tích hợp là thanh toán tiền điện và nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp. Riêng Hà Nội có thêm Đăng ký khai sinh, xác nhận tình trạng hôn nhân. TP HCM có thêm Đăng ký hộ kinh doanh và Đăng ký thuế.

“Đây là thành công bước đầu trong xây dựng Chính phủ điện tử. Việc giao dịch qua mạng giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước thông qua Cổng dịch vụ công sẽ giúp công khai, minh bạch thủ tục, qua đó chống cửa quyền, ngăn chặn tham nhũng vặt”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu như vậy khi bấm nút khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia, ngày 9/12/2019.

Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cũng kỳ vọng Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

“Người dân, doanh nghiệp chỉ cần truy cập một địa chỉ, bằng một tài khoản là có thể truy cập được tất cả cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương và theo dõi quá trình hoàn thành thủ tục hành chính mà không phụ thuộc thời gian, địa điểm”, ông Dũng nói.

Từ tháng 7/2020, Cổng được tích hợp thêm dịch vụ nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên toàn quốc. Theo đó, sau 7 ngày nhận quyết định xử phạt, người dân nhập số biên bản vi phạm hành chính; ngày, tháng, năm vi phạm; họ và tên sẽ tìm ra quyết định, số tiền bị xử phạt và nộp qua ngân hàng/trung tâm thanh toán trực tuyến.

Cảnh sát giao thông căn cứ vào biên lai thu tiền phạt để trả giấy tờ cho người dân qua bưu điện. Như vậy, người dân không phải đến các kho bạc, ngân hàng nộp tiền và đến trụ sở công an lấy lại giấy tờ như trước đây.

Nhiều dịch vụ khác cũng được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia như chứng thực bản sao điện tử (công chứng) từ bản chính; Đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện; Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; Cấp đổi giấy phép lái xe mức độ 4. Gần đây, Cổng đã tích hợp dịch vụ hỗ trợ người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Đến nay, sau một năm vận hành, Cổng đã tích hợp hơn 2.500 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền; hơn 92 triệu lượt truy cập; 390.000 tài khoản đăng ký; 25 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; 612.000  hồ sơ thực hiện trực tuyến trên Cổng.

“Với những kết quả bước đầu, Cổng dịch vụ công quốc gia cho thấy đây là con đường phù hợp, đúng đắn để hiện đại hóa việc thực hiện thủ tục hành chính”, ông Mai Tiến Dũng nói.

Ông Dũng chia sẻ, quá trình triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia gặp không ít khó khăn, như chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai; cán bộ phải thay đổi thói quen, phương thức làm việc; thiết kế Cổng thân thiện với người dùng nhưng đảm bảo hiệu quả, an toàn, an ninh thông tin. Việc lựa chọn dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành cũng là áp lực không nhỏ.

“Nhưng chính những áp lực này lại là động lực quan trọng để chúng tôi nỗ lực vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia”, ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng khẳng định, “Cổng dịch vụ công quốc gia giúp tiết kiệm 6.700 tỷ đồng mỗi năm”. Trong đó, riêng dịch vụ công Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp phục vụ hơn 780.000 đơn vị, hơn 14,4 triệu lao động và 12,7 triệu bảo hiểm y tế của người lao động hàng tháng. Dịch vụ này trước đây đều làm thủ công, phải chuẩn bị chứng từ và đến ngân hàng hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội để đóng. Tuy nhiên, khi cung cấp trên Cổng, giúp mỗi tháng đơn vị sử dụng lao động tiết kiệm ít nhất 1 ngày công để thực hiện thủ tục này, tương đương 1.329 tỷ đồng mỗi năm.

Giao diện Cổng dịch vụ công quốc gia.
Giao diện Cổng dịch vụ công quốc gia.

Năm 2020, Cục Cảnh sát giao thông, đơn vị duy nhất thuộc Bộ Công an đưa 3 lĩnh vực trong nhóm dịch vụ công quốc gia vào phục vụ người dân gồm: Thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ; đăng ký xe, nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ôtô, xe máy; hai tờ khai đăng ký xe ôtô.

Theo lãnh đạo Cục CSGT, từ khi áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến, thời gian giải quyết thủ tục hành chính đã được rút gắn khoảng 40%, có những thủ tục rút gắn 70% thời gian. Tuy nhiên số người dân sử dụng dịch vụ trên Cổng còn khiêm tốn.

Đến ngày 1/12, các Phòng CSGT trên toàn quốc đã đưa lên Cổng dịch vụ Công quốc gia hơn 158.000 quyết định xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trong số này chỉ có hơn 5.000 người nộp phạt trên Cổng dịch vụ Công quốc gia.

Từ tháng 7 đến 1/12 Cục Cảnh sát giao thông tiếp nhận hơn 1,1 triệu dữ liệu lệ phí trước bạ điện tử từ Tổng cục thuế; trong đó có 7.775 trường hợp là nộp điện tử hoàn toàn, còn hơn 1 triệu trường hợp nộp tại quầy. Đến nay chỉ có 38 trường hợp khai qua cổng dịch vụ công và đăng ký xe trực tuyến thành công.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó CSGT (Bộ Công an), giải thích nguyên nhân chính do “người dân vẫn còn tâm lý chưa tin tưởng, chưa có thói quen sử dụng công nghệ, đặc biệt vẫn còn tư duy người thật việc thật, phải đến trực tiếp”.

Ngoài ra, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin không đồng đều, ở các trung tâm, thành phố có thể thực hiện tốt, nhưng người dân ở vùng núi, hải đảo còn thiếu thiết bị, không thực hiện được.

Các tài xế đến trụ sở Phòng CSGT Công an Hà Nội nộp phạt vi phạm giao thông, cuối tháng 11/2020. Ảnh: Bá Đô
Các tài xế đến trụ sở Phòng CSGT Công an Hà Nội nộp phạt vi phạm giao thông, cuối tháng 11/2020. 

“Cần phải nghiên cứu việc khuyến khích về kinh tế, như trong vòng 15 ngày có quyết định nộp phạt, người dân nộp trực tuyến ngay sẽ được giảm bao nhiêu phần trăm, hay đăng ký xe trực tuyến cũng giảm tiền lệ phí”, đại tá Bình nêu giải pháp.

Ông cũng đề nghị phải đơn giản hoá hơn nữa các thủ tục xác nhận ban đầu khi người dân đăng nhập vào hệ thống để thực hiện các thao tác trực tuyến, bỏ bớt các phần yêu cầu xác thực nhân thân.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, từ năm 2021, Cổng sẽ tích hợp thêm nhiều dịch vụ trực tuyến của các bộ, ngành. Bộ Giáo dục và Đào tạo tích hợp đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học. Tòa án nhân dân tối cao sẽ cung cấp dịch vụ trực tuyến Tiếp nhận và trả lời đơn; Thanh toán án phí; Công khai các bản án có hiệu lực thi hành; Nộp phạt theo các bản án của Tòa án; Kết nối, giải đáp nghiệp vụ của Hội đồng Thẩm phán, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán tối cao…

Đồng thời, Cổng tiếp tục đẩy mạnh tích hợp thanh toán trực tuyến với những dịch vụ thiết yếu như xử phạt vi phạm hành chính các lĩnh vực; đóng viện phí, học phí…

“Xây dựng và vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia là công việc thường xuyên, liên tục, không có điểm dừng với mục tiêu xuyên suốt lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức làm thước đo chất lượng”, ông Mai Tiến Dũng nói.

Bá Đô – Viết Tuân/ VGP

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều