Một năm thương chiến, Mỹ quyết “sinh tử”, chuyên gia cảnh báo TQ nên chuẩn bị kịch bản “đoạn tuyệt”
Một sự đoạn tuyệt về kinh tế với Mỹ ngày càng có khả năng và Trung Quốc nên chuẩn bị sẵn sàng, các học giả ở Bắc Kinh cảnh báo, một năm sau khi ông Trump khai hỏa thương chiến.
Cuộc “chia tay” của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng nhiều khả năng trở thành sự thật khi Bắc Kinh và Washington va chạm về các vấn đề vượt ra ngoài linh vực thương mại và Nhà Trắng tìm cách đẩy Trung Quốc ra khỏi chuỗi giá trị toàn cầu, theo ông Li Xiangyang, Giám đốc Viện Chiến lược toàn cầu quốc gia, một viện nghiên cứu thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc.
“Việc cắt đứt quan hệ về mặt kinh tế là hoàn toàn có thể, về mặt lý thuyết”, ông Li phát biểu tại một hội nghị chuyên đề về thương chiến tổ chức ở Đại học nhân dân Trung Hoa.
Vào tháng 7/2018, Washington đã áp đặt thuế trừng phạt đầu tiên lên 36 tỷ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế lên lượng hàng hóa tương tự từ Mỹ, đánh dấu việc khỏi đầu của trận chiến trả đũa thuế quan.
Nhưng sự đối đầu đã lan sang các lĩnh vực khác từ thương mại đến công nghệ và an ninh, một số nhà quan sát thậm chí còn cảnh báo về việc xuất hiện một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
“Mục tiêu tối thượng của Mỹ là kiềm tỏa sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đây là trò chơi sinh tử với họ”, ông Li nói thêm.
Bình luận của ông được đưa ra khi cuộc tranh luận về khả năng đoạn tuyệt giữa 2 nền kinh tế nóng lên ở cả 2 nước.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở St Petersburg vào tháng trước rằng ông không muốn một sự tách rời khỏi Washington, và ông cho rằng, Tổng thống Trump cũng không muốn như vậy.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng sau đó nói rằng việc tách rời 2 nền kinh tế là một lập luận rất nguy hiểm và vô trách nhiệm, mà không bao giờ đạt được sự ủng hộ.
Trong khi đó, một bức thư ngỏ gửi Tổng thống Trump từ 100 học giả, chuyên gia chính sách đối ngoại và lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, được công bố hôm thứ Tư tuần trước, cảnh báo rằng việc tách Trung Quốc khỏi nền kinh tế toàn cầu sẽ gây tổn hại cho lợi ích toàn cầu của Washington.
Một số chuyên gia ở Trung Quốc đã lập luận rằng việc tách rời khó có thể xảy ra do mối quan hệ kinh tế và thương mại sâu sắc giữa hai nước.
Bắc Kinh đang ở trong tình thế khó khăn và những người ra quyết sách có thể cần phải nhượng bộ nhiều hơn trong các cuộc đàm phán thương mại để ngăn chặn một cuộc “chia tay” trong lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, đây không phải là lý do để không cân nhắc đến khả năng này, ông Li cảnh báo.
Trong trường hợp xấu nhất, Trung Quốc có thể tách rời hoàn toàn với phần còn lại của thế giới. Trong khi đó, kịch bản tốt nhất sẽ là Trung Quốc tách khỏi Mỹ, nhưng Bắc Kinh có thể tiếp tục theo đuổi hợp tác kinh tế với các nước phương Tây và đang phát triển khác.
Ông nói thêm rằng việc đoạn tuyệt với Mỹ cũng có thể thay đổi cách Trung Quốc mở cửa trong tương lai, cho phép tiếp cận thị trường rộng hơn với phần còn lại của thế giới, giúp giải quyết những bất ổn từ căng thẳng thương mại với Washington. Liu Qing, giáo sư kinh tế tại Đại học Nhân dân tán đồng quan điểm đó, kêu gọi các nhà lập pháp xử lý tốt hơn vấn đề quan hệ quốc tế, vì các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi đang tận dụng xung đột thương mại để thay thế các nhà cung cấp Trung Quốc trong một số chuỗi công nghiệp của họ.
“Chúng ta nên tránh tình huống bị đánh bại bởi một nhóm [các quốc gia]”, ông Liu nói.
Wang Xiaosong, một giáo sư kinh tế khác tại Đại học Renmin, cho biết Trung Quốc nên xem xét mối quan hệ với Mỹ một cách chiến lược hơn, lưu ý rằng tăng trưởng kinh tế có thể bị kéo xuống 1,3 điểm % nếu mức thuế quan hiện hành do cả Washington và Bắc Kinh áp đặt tiếp tục kéo dài.
Các nhà phân tích ở Trung Quốc bày tỏ thái độ thận trọng, xác định một cuộc tranh chấp dài hạn sẽ diễn ra.
Sun Jie, một nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ không được giải quyết chỉ bằng một thỏa thuận duy nhất.
Ông nói rằng Bắc Kinh có thể làm việc nhiều hơn với các nước láng giềng châu Á để chuẩn bị cho khả năn đoạn tuyệt với Washington.
(Theo Soha News)