+
Aa
-
like
comment

Một năm nhìn lại: Kinh tế và vị thế Việt Nam khiến thế giới phải bất ngờ

Thế Khoa - 26/12/2019 09:36

2019 – một năm cộng hưởng nhiều khó khăn ở trong nước và hàng loạt bất lợi từ quốc tế đã đặt ra nhiều thách thức đối với phát triển kinh tế đất nước. Thế nhưng, bằng sự khéo léo và nỗ lực của bộ máy Chính phủ, con tàu kinh tế Việt Nam đã vượt qua cơn sóng gió, để kết thúc năm với nhiều gam màu sáng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và tặng quà thiếu nhi xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam nhân dịp Tết Trung thu năm 2019

Không phân biệt chuyện lớn – chuyện nhỏ

Ưu tiên cao của Chính phủ là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng không vì thế mà Thủ tướng không quan tâm đến những lo lắng, bức xúc của người dân. Khép lại một năm, ai cũng thấy được Thủ tướng và các cộng sự của mình đã và đang quyết tâm đột phá vào những trì trệ của kinh tế, xã hội để tạo nên chuyển động mới trong điều hành bộ máy nhà nước. Từ việc Thủ tướng kiên quyết đưa ra tuyên ngôn “chỉ mặt đặt tên” vào các sai phạm của nhiều bộ, ngành, địa phương; đến nhiều vấn đề dư luận quan tâm đều được ông để mắt không bỏ sót: như ra “tối hậu thư” xử lý dứt điểm vi phạm tại toà nhà 8B Lê Trực; vụ đấu thầu cao tốc Bắc – Nam, sau một thời gian đón nhận nhiều luồng ý kiến khác nhau, Thủ tướng đã quyết định chỉ đấu thầu trong nước. Ở đâu có những vụ việc làm người dân, doanh nghiệp đứng ngồi không yên, đều được soi đến ngay. Minh chứng khi dự án hạ tầng giao thông trọng điểm Trung Lương – Mỹ Thuận bị tắc nghẽn do thiếu vốn, người đứng đầu Chính phủ đã có hành động xưa nay hiếm. Đó là trao tận tay quyết định phê duyệt phân bổ 2.186 tỷ đồng vốn ngân sách cho dự án ngay tại công trường. Rồi đẩy mạnh việc tinh gọn bộ máy nhà nước nhằm giảm gánh nặng ngân sách như Bộ Nội vụ thí điểm hợp nhất 8 sở, ngành thành 4; hợp nhất 6 phòng, ban thành 3 cơ quan cấp huyện; đích thân Thủ tướng ký quyết định phê duyệt chốt biên chế công chức hưởng. Hay khi Tổng thống Trump áp thuế tới tấp lên Trung Quốc, Thủ tướng đã ngay lập tức chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương căng mình kiểm soát tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, bên cạnh đó đưa ra phương án, kịch bản phòng vệ, để không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với người dân

Với dày đặc các hoạt động chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng nhằm xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp, cuối cùng đã nhận về được “trái ngọt”: GDP ước đạt 6,8% – hoàn thành mục tiêu ở mức cao so với Nghị quyết của Quốc hội đề ra, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu QH giao. Hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện, thể hiện ở vị trí 67 trong bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI), tăng 10 bậc và 3,5 điểm so với năm 2018. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam có điểm số tăng mạnh nhất trong các quốc gia. Kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên cán đích kỷ lục 500 tỷ USD – đúng 2 năm sau khi đạt mốc 400 tỷ USD. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Tổng giám đốc quản lý và tư vấn đầu tư nước ngoài thuộc ngân hàng UOB, Sam Cheong Chwee trong bài viết phân tích về tình hình kinh tế khu vực đăng trên báo Liên hợp quốc: “Việt Nam đang trở thành ngôi sao sáng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Đông Nam Á”.

Có thể sẽ chưa thỏa mãn mọi yêu cầu mong muốn của các doanh nghiệp, nhưng cũng thấy rằng những chuyển động của bộ máy Chính phủ đã tạo thêm phấn chấn, làm hứng khởi bầu không khí kinh doanh, giúp doanh nghiệp yên tâm làm ăn. Minh chứng là con số 138.000 doanh nghiệp thành lập mới và 38.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Đặc biệt, có tới gần 40.000 doanh nghiệp tăng vốn khoảng 2 triệu tỷ đồng, nhiều hơn cả số vốn đăng ký mới. Sự thành công của Chính phủ không hẳn đến từ những con số GDP hay thống kê hoành tráng, mà to lớn hơn rất nhiều đó xác lập niềm tin của người dân và doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với công nhân lao động kỹ thuật cao

Có thể nói, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là vị Thủ tướng có mật độ làm việc dày đặt tại các tỉnh, thành phố, trên khắp các vùng miền, khu kinh tế trọng điểm. Đi để nghe, gặp gỡ để đối thoại thẳng thắn với người dân và doanh nghiệp. Trăn trở với những lo lắng, bức xúc của cdoanh nghiệp khi phải chịu những bất cập của thủ tục hành chính, Thủ tướng đã thẳng thắn đề nghị “các doanh nghiệp nêu khó khăn, trở ngại, vướng mắc như quy hoạch, tiếp cận đất đai, vốn, thủ tục hành chính thuế… Đặc biệt vấn đề thanh kiểm tra chồng lấn kéo dài. Cần chỉ ra văn bản của sở ngành nào gây khó khăn cho doanh nghiệp; cơ quan nào gây nhũng nhiễu phiền hà ở địa phương và trung ương”. Ông đã nhìn thẳng vào sự thật, không hề né tránh vấn đề, thấy rõ bộ máy hành chính các cấp còn nhiều yếu kém gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh.

Không chỉ là những phát ngôn mà toàn bộ hành động, chỉ đạo của Thủ tướng trong hơn một năm qua, đã cho thấy bộ máy Chính phủ đã thực hiện theo đúng những gì đã cam kết, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo cho sự hiệu quả. Như ý kiến của lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): “hơn 3 năm từ nhiệm kỳ mới, qua hơn một nghìn ngày, không ngày nào Chính phủ, Thủ tướng không sốt ruột, và không chỉ trăn trở, sốt ruột mà còn đồng cam cộng khổ cùng doanh nghiệp”.

Bản lĩnh và vị thế chính trị

Những chuyến công tác đến các quốc gia như Na Uy, Thụy Điển, Myanmar, Hàn Quốc, Romani, Thái Lan, Nhật Bản… của Thủ tướng đã làm tăng cường sự tin cậy, hợp tác, biến tiềm năng của đất nước thành những lợi ích thiết thực qua những dự án cụ thể. Thủ tướng đã dành nhiều thời gian gặp gỡ, tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, truyền tải đến các nhà đầu tư về một “Chính phủ kiến tạo”, những thay đổi trong cải cách thủ tục, môi trường kinh doanh thông thoáng. Kết quả là hàng loạt hợp đồng được ký kết với giá trị hàng chục tỷ USD giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài qua những chuyến công du đó, tạo thêm hàng vạn công ăn việc làm cho người dân, đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Na Uy Erna Solberg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in

Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được lựa chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2. Và cũng không phải bỗng dưng mà Liên minh Châu Âu lễ ký Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư với Việt Nam (EVIPA). Cũng chẳng phải vô cớ mà sang năm 2020 Việt Nam nhận nhiệm vụ kép, vừa là Chủ tịch ASEAN, vừa trúng cử Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu cao kỷ lục 192/193. Năm 2019 đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của ngành ngoại giao Việt Nam thể hiện rõ dấu ấn về bản lĩnh và vị thế chính trị của đất nước. Như lời Đại sứ Indonesia tại Việt Nam, Ibnu Hadi nhận định: “Với những thành quả tốt đẹp đạt được thời gian qua, Việt Nam sẽ tiếp tục có những đóng góp hiệu quả cho hòa bình, ổn định và sự phát triển thịnh vượng trên toàn cầu. Trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Việt Nam sẽ đóng góp rất nhiều bởi Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đón tiếp Tổng thống Donald Trump tại Trụ sở Chính phủ

Đất nước như con thuyền đang giương buồm đi ra biển lớn. Vị thế, uy thế quốc gia của Việt Nam trong mắt bạn bè bốn bể năm châu rõ ràng đã khác. Một Việt Nam đang ngẩng cao đầu với bạn bè thế giới đi vào hội nhập! Một Việt Nam được cả thế giới biết tên là một quốc gia đang vượn lên mạnh mẽ. Một năm bộn bề sự kiện, nhưng đọng lại là niềm tin thắp lên về những điều tốt đẹp phía trước. Song, phía trước còn nhiều thách thức, cam go, các bộ, ngành phải biết biến đó thành thời cơ; các cấp chính quyền địa phương phải biết từ những cam go để tìm ra hướng đi mới. Ai cũng hiểu rằng, hoan hỷ với những con số thống kê sẽ sinh ra chủ quan, tự mãn.

Bài mới
Đọc nhiều