Một năm nhiệm kỳ tồi tệ của Tổng thống Biden
Tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh, lạm phát leo thang, tỷ lệ ủng hộ liên tục giảm. Tổng thống Biden đang đối mặt khó khăn chồng chất trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Kết quả khảo sát của của CNN mới đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Joe Biden hiện là 42%, trong khi thăm dò của Đại học Quinnipiac hồi tháng 1 chỉ ra tỷ lệ này chỉ là 33%, thấp hơn người tiền nhiệm Donald Trump. Đây là những con số khiến bất kỳ ông chủ Nhà Trắng nào cũng đều cảm thấy bất an.
Số phận Đạo luật Build Back Better (Xây lại Tốt hơn) vẫn còn bấp bênh, trong khi các dự luật về quyền bỏ phiếu của Biden cũng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, khi không nhận được sự ủng hộ của hai thượng nghị sĩ đảng Dân chủ là Joe Manchin và Kyrsten Sinema, khiến chúng khó qua được ải Thượng viện.
Tình hình Covid-19 thậm chí còn tệ hơn. Làn sóng dịch mới ở Mỹ, chủ yếu do biến chủng Omicron, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Số ca nhiễm trung bình hàng ngày ở Mỹ hiện là hơn 780.000, tăng 159% trong 14 ngày qua. Số ca nhập viện và tử vong tăng lần lượt 82% và 51%. Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã báo cáo hơn 65,2 triệu ca nhiễm và hơn 869.000 ca tử vong vì Covid-19.
Nhiều người phàn nàn rằng Biden thậm chí không làm tốt trong việc khoe những thành tựu mà chính quyền của ông đã đạt được trong cải thiện việc làm, thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng, thông qua đạo luật cơ sở hạ tầng hay duy trì nền hòa bình và thịnh vượng.
Một nỗi đau đầu khác của Biden là lạm phát. Giá cả leo thang áp đảo tất cả tin tức kinh tế tốt trong những ngày gần đây, gồm tỷ lệ thất nghiệp thấp và nền kinh tế sôi động trở lại. Dù ban đầu nhiều nhà kinh tế cho rằng bão giá chỉ là tạm thời, hiện nhiều người tin lạm phát vẫn sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài.
Laura Godinez, cử tri ở Nevada, từng theo phe Cộng hòa nhưng đã chuyển sang đảng Dân chủ trong những cuộc bỏ phiếu gần đây. “Tôi không muốn nói điều này, nhưng khi Trump còn nắm quyền, mọi thứ không như thế”, bà nói.
Julian Zelizer, nhà phân tích chính trị của CNN, cho rằng thực tế này sẽ khiến nhiều thành viên đảng Dân chủ lo ngại về nguy cơ Biden có thể trở thành tổng thống một nhiệm kỳ, nhất là khi Trump có khả năng tái tranh cử vào năm 2024.
Tuy nhiên, bình luận viên này chỉ ra rằng nhiều tổng thống Mỹ cũng từng đối mặt với năm đầu nhiệm kỳ đầy khó khăn, nhưng họ đều vượt qua trong những năm tiếp theo và tái đắc cử.
Ronald Reagan, tổng thống Mỹ giai đoạn 1981-1989, là một minh chứng. Đầu năm 1982, Reagan phải vật lộn với rất nhiều khó khăn, khi nền kinh tế Mỹ bước vào thời kỳ suy thoái nghiêm trọng, kết quả của các động thái chống lạm phát của chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Paul Volcker. Đảng Dân chủ đã rất phẫn nộ với nỗ lực thu hẹp mạng lưới an sinh xã hội của Reagan, trong khi nhiều người bảo thủ lo sợ tổng thống không dám đi xa hơn.
Tỷ lệ ủng hộ của Reagan giảm xuống 46%, theo cuộc khảo sát của Washington Post-ABC hồi tháng 5/1982. Dù cao hơn tỷ lệ hiện tại của Biden, nó vẫn thấp hơn nếu so với tỷ lệ 67% của Lyndon B. Johnson và 66% của Richard Nixon vào cùng giai đoạn. Ba tháng sau, cuộc khảo sát của Gallup cho thấy tỷ lệ ủng hộ Reagan tiếp tục giảm, xuống còn 41%.
Song mọi thứ bắt đầu đảo chiều vào năm 1983 và 1984. Khi nền kinh tế hồi phục, vị thế của Reagan cũng được cải thiện. Tổng thống cuối cùng đã tìm thấy chỗ đứng của mình cũng như xoa dịu những người bảo thủ muốn ông đi xa hơn về các vấn đề như hạn chế quyền sinh sản.
Ông đã sử dụng những chủ đề như cắt giảm thuế để duy trì liên minh của mình. Năm 1984, ông chạy quảng cáo trên truyền hình về thái độ cứng rắn với Liên Xô. Năm đó, Regan đã giành chiến thắng vang dội trước ứng viên đảng Dân chủ Walter Mondale.
Vài năm sau đó, tổng thống đảng Dân chủ Bill Clinton cũng vật lộn với khó khăn trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ. Clinton đã có một khởi đầu chông gai, khi một số đề cử cho các vị trí cấp cao trong chính quyền không được quốc hội phê chuẩn. Cuộc suy thoái, một trong những lý do khiến ông đắc cử, đã không biến mất nhanh như kỳ vọng.
Kế hoạch chăm sóc y tế đầy tranh cãi của Clinton năm 1993 dường như khiến hầu hết người Mỹ tức giận. Thành công của chính quyền trong chính sách tăng thuế với người giàu càng khiến phe Cộng hòa bất mãn.
Tháng 6/1993, tỷ lệ ủng hộ của Clinton giảm xuống 37%, theo Gallup. Sau cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ năm 1994, khi đảng Cộng hòa lần đầu nắm quyền kiểm soát cả hai viện quốc hội kể từ năm 1955, nhiều chuyên gia suy đoán rằng Clinton sẽ trở thành tổng thống một nhiệm kỳ như người tiền nhiệm George H.W. Bush.
“Tôi muốn nhiệm kỳ tổng thống của mình trở lại”, Clinton thất vọng nói với nhóm cố vấn thân cận.
Clinton đã tìm ra cách. Sau những lần chính phủ bị đóng cửa vào năm 1995 và 1996, tỷ lệ ủng hộ dành cho chính quyền đã tăng lên, khi cử tri đổ lỗi cho chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich và các thành viên Cộng hòa đã khiến Washington rối loạn.
Lập trường cứng rắn của tổng thống sau vụ đánh bom thành phố Oklahoma hồi tháng 4/1995 càng thu hút thêm ủng hộ. Theo lời khuyên của chiến lược gia Dick Morris, Clinton đã chuyển trọng tâm sang một số vấn đề, trong đó có cải cách phúc lợi, tạo ra đòn giáng mạnh vào phe Cộng hòa. Nền kinh tế Mỹ sau đó bắt đầu bùng nổ.
Chiến lược này đã giúp Clinton tìm được chỗ đứng vững chắc để đánh bại ứng viên Cộng hòa Robert Dole trong cuộc bầu cử năm 1996. Clinton tự mô tả mình là cầu nối tới tương lai, trong khi Dole là cây cầu nối quá khứ. Dù các thành viên Cộng hòa ở Hạ viện bỏ phiếu xem xét bãi nhiệm Clinton vào năm 1998, ông đã kết thúc nhiệm kỳ thứ hai với tỷ lệ ủng hộ ở mức 66%.
Tổng thống Barack Obama sẽ là minh chứng gần đây nhất cho Biden, theo Zelizer. Obama tiếp quản Nhà Trắng trong hoàn cảnh tồi tệ, khi Mỹ quay cuồng với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và quân đội đang sa lầy trong cuộc chiến không được ủng hộ ở Iraq.
Khi xây dựng Đạo luật Chăm sóc sức khỏe Hợp túi tiền (ACA), Obama đã gây ra làn sóng phản đối gay gắt từ những người bảo thủ và khiến nhiều nghị sĩ Dân chủ lo sợ cái giá đắt phải trả cho kế hoạch này. Ngay cả khi dự luật được thông qua, những lo ngại đó cũng không được xoa dịu vì ACA ngay từ đầu không được cử tri ủng hộ.
Cũng như Clinton, nhiều người cánh tả không hài lòng với Obama, khi nghĩ rằng tổng thống đang tiến quá xa về phía trung lập. Cũng như Biden, nhiều người lo rằng tổng thống không đủ giỏi trong quảng bá thành tựu của mình, như dự luật kích thích kinh tế giúp quốc gia trở lại đúng hướng.
Tỷ lệ ủng hộ của Obama giảm từ mức 68% đầu nhiệm kỳ xuống 46% vào tháng 10/2010. Đảng Cộng hòa đã giành lại quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ.
Nhưng Obama cũng đã có bước chuyển mình đầy mạnh mẽ. Người Mỹ bắt đầu cảm thấy tác động của nền kinh tế hồi phục và tổng thống đã tìm lại vị thế. Tình hình của Obama đã tốt hơn rất nhiều trong năm 2012, khi ông chạy đua tranh cử với Mitt Romney, cựu thống đốc Massachusetts.
Obama một lần nữa tranh cử thành công. Bốn năm sau, ông rời nhiệm sở với tỷ lệ ủng hộ ở mức 59%, nhưng vẫn được xem là người có tầm ảnh hưởng rất lớn trong đảng Dân chủ.
Dù Biden đang đối mặt rất nhiều khó khăn, bình luận viên Zelizer cho rằng chúng không nên được xem là chỉ dấu ảm đạm cho tương lai nhiệm kỳ của ông.
“Trong thời hiện đại, chúng ta đã thấy nhiều tổng thống khôi phục vị thế sau khởi đầu đầy khó khăn. Không phải tất cả đều kết thúc như các tổng thống một nhiệm kỳ Carter, H.W. Bush hay Trump”, Zelizer cho hay. “Có thể rắc rối của Biden sẽ sớm qua và ông sẽ có một chính quyền hai nhiệm kỳ thành công”.
(Theo CNN)