+
Aa
-
like
comment

Một mũi tiêm không chỉ để bảo vệ sức khỏe

Phạm Khoa - 14/07/2022 09:58

“Chúng ta không thể không nhắc đến vai trò của vaccine trong việc khống chế thành công đại dịch ở Việt Nam”, đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương trong lễ phát động chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4 cho cán bộ công chức, viên chức và người lao động. Điều này là một lời nhắc nhớ tất cả người dân không thể lơ là nghĩa vụ và trách nhiệm tiêm chủng.

Tăng cường tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 và mũi 4 cho người dân là việc làm cần thiết.

Biến chủng BA.5 được cảnh báo nguy hiểm

Trong 2 năm qua, virus SARS-CoV-2 đã liên tục đột biến, tạo ra các biến thể mới, trong đó, BA.5 là biến thể được cảnh báo đặc biệt nguy hiểm vì có thể lẩn tránh hàng rào miễn dịch chống lây nhiễm nhờ vaccine hoặc do từng mắc Covid-19 trước đó.

Hình ảnh hiển vi của một mẫu nCoV được phân lập từ bệnh nhân tại Mỹ.

Tốc độ lây lan nhanh hơn 12% so với BA.2, vốn là biến thể phụ phổ biến nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm này, cũng được xem là mối đe dọa đối với việc kiểm soát dịch. Theo nguồn tin từ Tổ chức Y tế thế Giới (WHO), biến thể phụ BA.5 từ thời điểm được phát hiện đầu tiên vào tháng 1/2022 tại Nam Phi, hiện đã lan sang Boswana, Bỉ, Đức, Đan Mạch, Anh… Riêng tại Nam Phi, biến thể này là nguyên nhân chính làm tăng vọt số ca mắc, nhập viện và tử vong.

Hiện nay, biến thể phụ BA.5 xuất hiện tại Việt Nam. Điều này không quá bất ngờ bởi Việt Nam đang mở cửa, phục hồi kinh tế và các hoạt động xã hội. Đó là lý do mà mỗi người dân cần phải tự chủ động bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Chiến dịch tiêm phòng mũi 3, mũi 4 và những lo ngại

Để chủ động phòng dịch, Chính phủ đã yêu cầu đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng đợt mới. Tuy vậy, kết quả ghi nhận được chưa đúng như kỳ vọng. Về kết quả tiêm vaccine nhắc lần 1 với mũi 3 và lần 2 với mũi 4 cho nhóm từ 18 tuổi trở lên, Bộ Y tế cho biết tổng số tiêm mũi 3 là 46.237.243 mũi (đạt tỷ lệ 69,0%). 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm mũi 3 thấp: Hải Phòng (43,2%); Quảng Nam (45,4%); Đồng Nai (43,9%); Cà Mau (45,5%); Hậu Giang (35,5%). 5 tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 4 thấp: Bắc Cạn (3,4%); Nghệ An (9,8%); Lai Châu (15,0%); Phú Yên (17,3%); Đồng Tháp (8,8%).

Mới đây, Bộ Y tế tiếp tục điểm tên hàng chục tỉnh tiêm vaccine Covid-19 mũi 3, mũi 4 chậm và không giấu giếm sự lo ngại đối với tình hình tiêm chủng trì trệ. Điều này phản ánh một thực tế cần được chấn chỉnh, là đã bắt đầu xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là ở một bộ phận người dân. Nhiều địa phương không đạt tiến độ tiêm mũi 3, mũi 4 như yêu cầu vì công tác vận động tuyên truyền thiếu tích cực. Các thông tin sai lệch về ảnh hưởng tiêu cực của vaccine không được kiểm soát trên mạng xã hội khiến người dân nghĩ sai về hiệu quả, chất lượng vaccine dẫn đến thái độ né tránh, thờ ơ với vaccine.

Tiêm phòng vì bản thân và sự ổn định của xã hội

Các nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm cơ bản vaccine phòng Covid-19 giảm dần theo thời gian trong vòng 6 tháng sau khi tiêm. Đặc biệt với biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ thậm chí còn giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa virus ở mức cao hơn so với các biến chủng virus SARS-CoV-2 trước đây. Hiểu điều này, người dân sẽ biết được dù đã tiêm 2 mũi, nhưng nếu không nhắc lại mũi 3 và sau đó là mũi 4 thì cơ thể vẫn mắc Covid-19 và chuyển nặng nhanh. Cho đến lúc này, tiêm vaccine vẫn là giải pháp hiệu quả nhất, có giá trị nhất trong công cuộc phòng chống và đẩy lùi dịch Covid-19 ở mọi quốc gia và vùng lãnh thổ.

Kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ.

Có một điều chắc chắn, nếu Việt Nam không quyết liệt tiêm vaccine phòng chống Covid-19 trên diện rộng và giữ nhịp điệu liên lục thì khi dịch bệnh hoành hành dữ dội, Việt Nam sẽ không có được sự ổn định để tập trung phục hồi kinh tế như lúc này. Cho đến hết Quý 1/2022, nền kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá là “nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á” và yếu tố tiên quyết của sự phục hồi ngoạn mục này được các nhà quan sát quốc tế nhận định do Việt Nam là một trong số các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Tổ chức xếp hạng quốc tế Fitch Ratings cũng đã dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ tăng tốc lên 6,1% vào năm 2022 và 6,3% vào năm 2023.

Từ đó, có thể thấy, vaccine đã giúp kinh tế Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng ra sao. Không thể có cái gọi là tăng trưởng khi lực lượng lao động bị tiêu hao sức khỏe, vật lộn với dịch bệnh, có mặt ở bệnh viện thay vì trong nhà máy hay văn phòng. Không thể có cái gọi là tăng trưởng khi tiền chi cho chi phí y tế cao gấp nhiều lần chi cho giáo dục, sản xuất. Việc quay trở lại giãn cách sẽ trở thành ác mộng đối với cuộc sống của mỗi người dân. Hai năm dịch bệnh, Việt Nam đã bị kéo lùi lại nhiều năm vì sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, sản xuất. Đời sống của hơn 3/4 dân số bị tác động nghiêm trọng. Ngay lúc này đây, nhiều ngành nghề vẫn chưa khôi phục được một nửa sức sản xuất so với trước dịch. Vì thế, hãy chọn tiêm vaccine cho chính mình!

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều