Một loạt tướng cấp cao Nga bí mật tới Syria
Ông Alexander Lavrentiev, Đặc phái viên của Điện Kremlin đã được các tướng lĩnh cấp cao Quân đội Nga tháp tùng tới Syria trong chuyến công du làm việc với Tổng thống Bashar Assad.
Chuyến công cán bí mật không được tuyên bố
Đặc phái viên của Điện Kremlin về Syria, ông Alexander Lavrentiev – người thường xuyên tới Damascus, đã thực hiện một chuyến thăm bí mật tới Thủ đô của Syria vào cuối tuần trước.
Theo nhật báo Asharq Al-Awsat có trụ sở ở London, tháp tùng ông Alexander Lavrentiev là một loạt tướng lĩnh cấp cao của Quân đội Nga và họ đã có cuộc gặp với Tổng thống Bashar Assad.
Vậy tại sao Moscow lại không thông báo công khai về chuyến đi quan trọng như vậy?
Asharq Al-Awsat cho rằng có một số lý do giải thích cho điều này. Thứ nhất, Ủy ban Hiến pháp Syria đang nhóm họp tại Geneva và bởi vì Damascus và Moscow vẫn đang cố gắng thu hẹp khác biệt giữa hai bên.
Thứ hai, lý do sâu xa hơn liên quan đến những diễn biến ở tỉnh Idlib và tình hình quân sự đang xấu đi ở miền nam và đông bắc Syria. Hoạt động ngừng bắn bắt buộc phải được thực hiện khi ông Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng và khi Syria chuẩn bị tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 7 tới đây.
Nga ủng hộ mạnh mẽ cuộc bầu cử và muốn nó trở thành bước ngoặt cho mối quan hệ của Damascus với các nước khác.
Sau khi gặp gỡ Tổng thống Assad ở Damascus, ông Lavrentiev đến Geneva để theo dõi các cuộc đàm phán của Ủy ban Hiến pháp. Ông Lavrentiev cũng đã gặp “những người bảo trợ” cho tiến trình Astana và đặc phái viên của Liên Hợp Quốc tại Syria – Geir Pedersen.
Các bên bảo trợ cho Syria, gồm Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, dường như cùng có chung quan điểm về những diễn biến ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này.
Đánh giá của họ về các cuộc đàm phán của Ủy ban Hiến pháp là như nhau khi cả ba nước đều nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục công việc dù tốc độ diễn ra chậm chạp và không đạt được đột phá.
Những dàn xếp quân sự
Đặc phái viên Lavrentiev cũng đang nhận thấy khoảng cách ngày càng gia tăng giữa các bên tham chiến ở Syria và mối quan hệ hợp tác giữa ba bên bảo lãnh.
Ông biết rằng nước Pháp đang tìm cách tuyên bố Ủy ban Hiến pháp là một thất bại và rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách hợp pháp hóa vai trò chính trị cho các đồng minh người Kurd.
Damascus được cho là sẽ đóng một vai trò hợp tác hơn, ít nhất thể hiện bề ngoài là như vậy, nên điều này đã thúc đẩy ông Lavrentiev tới thăm thủ đô Syria.
Tuy nhiên, chuyến đi cũng liên quan đến những diễn biến trên thực địa và những lợi ích mà quân đội Nga đang tìm kiếm.
Các chiến tuyến ở Idlib không thay đổi do có sự thấu hiểu giữa Moscow và Ankara, nhưng ba mặt trận ở những khu vực khác của Syria lại đang nóng lên, gồm: Daraa, Sweida và al-Hasakeh.
Tại khu vực phía Tây Daraa, các tướng lĩnh Nga đóng tại Căn cứ Không quân Hmeimim đã cố gắng làm trung gian giữa Ủy ban Đàm phán Địa phương và Sư đoàn thiết giáp số 4 của anh trai Tổng thống Syria Bashar – ông Maher, để đạt được sự hiểu biết có thể ngăn chặn một chiến dịch quân sự nhằm vào thị trấn Tafas phía Bắc Daraa.
Các cuộc đàm phán đã bị đình trệ và thời hạn để đạt được sự hiểu biết theo các thỏa thuận Mỹ – Nga năm 2018 đã kết thúc. Những thỏa thuận này được soạn thảo bởi các quan chức từ chính quyền Barack Obama và hiện là một phần của chính quyền Joe Biden.
Trong khi đó, khu vực Druze ở Suweida không xa lạ với những diễn biến căng thẳng nhưng lần đầu tiên mới được bộc lộ một cách công khai.
Nhiều nguồn tin cho biết người đứng đầu ngành an ninh quân sự, Louay al-Ali, đã xúc phạm lãnh tụ tinh thần Druze Bahjat al-Hajri và Ali sau đó được cho là đã bị sa thải và thay thế bằng Ayman Mohammed. Không diễn biến nào trong số này được chính thức tuyên bố.
Tại khu vực phía bắc Hassakeh, căng thẳng giữa các lực lượng của chính quyền tự trị người Kurd và chế độ đang lên cao. Lực lượng người Kurd đã bao vây Quân đội Chính phủ Syria (SAA) trong “vùng an ninh” ở Hassakeh,buộc SAA phải trả đũa người Kurd ở Aleppo và Qamishli.
Các sĩ quan Nga ở Hmeimim một lần nữa đã phải can thiệp để kiềm chế căng thẳng. Họ đã thuyết phục được cả hai bên thực hiện việc hoán đổi tù nhân. Tuy nhiên, căng thẳng vẫn tiếp tục kéo dài và tình hình ở Hassakeh nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến quan hệ giữa Moscow, Washington và Ankara.
Tình hình có vẻ không tốt cho Thổ Nhĩ Kỳ vì Tổng thống Biden đã bổ nhiệm các quan chức trong chính quyền của mình, những người có thiện cảm với người Kurd, bị Nga làm tổn thương và lại nghi ngờ Ankara.
Các quan chức phương Tây tin rằng những vấn đề nêu trên đã được đưa ra thảo luận trong cuộc đàm phán Syria – Nga. Một số đã được giải quyết trong chuyến thăm của đặc phái viên Lavrentiev.
Tú Anh