+
Aa
-
like
comment

Một loạt cán bộ ở Đồng Nai vi phạm gì đến mức bị kỷ luật?

12/09/2019 11:29

Vừa qua, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã thi hành kỷ luật nhiều cá nhân là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ở tỉnh Đồng Nai. Các cán bộ này đã vi phạm những gì mà đến mức phải nhận những hình thức kỷ luật trên?

Mới đây nhất là ông Huỳnh Tiến Mạnh – ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, giám đốc Công an Đồng Nai – bị Ban Bí thư cách tất cả chức vụ trong Đảng. Ông Hồ Văn Năm bị kỷ luật cách chức ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy và trưởng Ban nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai.

Can thiệp, đình chỉ nhiều vụ án lớn

Một trong nhiều sai phạm của ông Hồ Văn Năm mà Ban Bí thư đã kết luận là ông Năm đã can thiệp trái quy định vào việc xử lý một số vụ án. Đó là những vụ án nào?

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, một trong số những vụ án dây dưa, kéo dài nhiều năm khiến các cơ quan tố tụng mất thời gian đó là vụ án “vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” xảy ra tại Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa, phường Long Bình, TP Biên Hòa.

Một loạt cán bộ ở Đồng Nai vi phạm gì đến mức bị kỷ luật? - Ảnh 1.
Ban Bí thư thi hành kỷ luật cách chức ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy và trưởng Ban nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai đối với ông Hồ Văn Năm (trái) và cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Huỳnh Tiến Mạnh, giám đốc Công an Đồng Nai – Ảnh tư liệu

Qua điều tra, tháng 5-2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Biên Hòa đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Đình Xướng (giám đốc Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa), Tống Thanh Đa (nguyên chủ tịch UBND phường Long Bình) và Nguyễn Hoàng Hải (tổ trưởng tổ trật tự đô thị P.Long Bình) về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Lý do: qua điều tra bốn lần và định giá tài sản, Công an Biên Hòa kết luận có cơ sở khẳng định những cán bộ này đã buông lỏng quản lý và phải chịu trách nhiệm hình sự khi để xảy ra xây dựng trái phép 119 nhà xưởng trên gần 2ha đất trồng rừng trị giá hơn 28,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, Viện KSND TP Biên Hòa từ chối phê chuẩn quyết định khởi tố bị can.

Từ “quan điểm” tranh luận những người này có tội hay không có tội, Ban thường vụ Thành ủy Biên Hòa đã “ra tay” bằng một văn bản xin ý kiến Ban nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai sẽ tạm đình chỉ điều tra và phục hồi điều tra theo luật định. Khi đó, ông Hồ Văn Năm đã hạ bút phê “đồng ý”.

Sau đó, ông Năm với tư cách trưởng Ban nội chính cũng đã có văn bản cho rằng thời hạn điều tra đã hết và đề nghị Cơ quan điều tra Công an Biên Hòa đình chỉ vụ án theo thẩm quyền và đề nghị xử lý… hành chính, đồng thời chuyển công tác đối với bị can Trần Đình Xướng.

Một loạt cán bộ ở Đồng Nai vi phạm gì đến mức bị kỷ luật? - Ảnh 2.
Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa, nơi có giám đốc từng bị khởi tố nhưng sau đó đình chỉ – Ảnh: TH.THIÊN

Tương tự, đầu năm 2016, tại TP Biên Hòa xảy ra một vụ án “cố ý gây thương tích” và “gây rối trật tự công cộng” khá lớn. Cụ thể: khoảng 16h ngày 10-1-2016, Nguyễn Huỳnh Lâm, Trần Minh Trí, Nguyễn Huynh, Trần Quốc Toản, Nguyễn Minh Hậu, Nguyễn Văn Thiên đến quán karaoke 123 thuộc khu phố 5, P.Trảng Dài, TP Biên Hòa để hát.

Trong lúc chờ phòng, giữa Hậu và Nguyễn Thành Ngọc (nhân viên của quán) xảy ra mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau thì nhóm người trong quán chạy vào. Lúc này, chủ quán là Nguyễn Khắc Hưng bị nhóm người của Lâm đâm trúng mắt. Nhóm này còn kéo Nguyễn Thành Ngọc ra ngoài sảnh quán để đánh… Vụ ẩu đả làm cả hai bên đều bị thương tích, trong đó Nguyễn Huỳnh Lâm bị thương tích 54%, Trần Minh Trí thương tích 43%, Nguyễn Văn Công thương tích 52%…

Cơ quan điều tra sau đó đã khởi tố 5 người là nhân viên của quán và 6 người trong nhóm đến hát karaoke về hành vi cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng, trong đó Nguyễn Huỳnh Lâm bị khởi tố về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Tuy nhiên, từ một cuộc họp liên ngành, Ban thường vụ Thành ủy Biên Hòa đã có văn bản đề nghị cơ quan điều tra “miễn trách nhiệm hình sự và đình chỉ điều tra” đối với bị can Nguyễn Huỳnh Lâm. Cũng dựa trên văn bản của Thành ủy Biên Hòa, ông Hồ Văn Năm đã có bút phê “đồng ý”.

Đây là một trong nhiều vi phạm của ông Hồ Văn Năm mà Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận “can thiệp vào hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật”…

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra đối tượng Nguyễn Huỳnh Lâm là ai mà lại được Thành ủy Biên Hòa và ông Hồ Văn Năm “ưu ái” như vậy vẫn chưa được làm rõ.

Một loạt cán bộ ở Đồng Nai vi phạm gì đến mức bị kỷ luật? - Ảnh 3.
Ông Huỳnh Tiến Mạnh – Ảnh: T.T.

Giám đốc Công an Đồng Nai vi phạm những gì?

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, khi thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh (nhiệm kỳ 2010 – 2015, vừa bị trung ương kỷ luật cảnh cáo vì liên quan đến vi phạm trong việc quản lý súng để gây chết người, sai phạm tài chính, bổ nhiệm cán bộ…) về hưu, đại tá Huỳnh Tiến Mạnh là người kế nhiệm.

Tuy nhiên, ông Mạnh tiếp tục để xảy ra nhiều sai phạm và mất đoàn kết nội bộ như chỉ đạo các vụ án chưa đúng quy định, bổ nhiệm cán bộ chưa đúng quy định. Điển hình như trong vụ án cảnh sát hình sự ở huyện Cẩm Mỹ bắt sòng bạc, bắn chết người nhưng vụ án sau đó không được xử lý đến nơi đến chốn.

Cụ thể, vào chiều 4-1-2014, thượng sĩ Vũ Thanh Bảo (Công an huyện Cẩm Mỹ) đi bắt sòng bạc trong một tiệc cưới ở ấp Tân Hòa, xã Bảo Bình thì xảy ra vụ việc nổ súng khiến anh L.N.S. bị chết. Vụ việc ầm ĩ nhiều ngày khi phía gia đình nạn nhân đặt ra nghi vấn về lý do nổ súng dẫn đến cái chết của anh S.. Khi đó, Công an huyện Cẩm Mỹ đến chia sẻ với gia đình nạn nhân và hỗ trợ tiền. Sau đó vụ án đã được “khép lại” với lý do súng bị… “cướp cò”.

Hiện các cơ quan chức năng đang làm sáng tỏ vụ án này. Điều bất thường ở chỗ người đứng đầu Công an huyện Cẩm Mỹ lúc đó là đại tá Trần Thị Ngọc Thuận không bị quy trách nhiệm gì, sau đó vẫn được Ban thường vụ Đảng ủy Công an Đồng Nai đề bạt, bổ nhiệm làm phó giám đốc Công an tỉnh – phó bí thư Đảng ủy Công an tỉnh Đồng Nai. Bà Thuận cũng vừa bị Ủy ban Kiểm tra trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Ngoài ra, trước khi bị cách hết các chức vụ trong Đảng, Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng đã kết luận đại tá Huỳnh Tiến Mạnh trong thời gian làm trưởng Phòng cảnh sát giao thông, rồi làm phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đã để xảy ra nhiều vi phạm trong việc luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, quản lý súng, sử dụng nguồn kinh phí an toàn giao thông không đúng quy định và vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ…

Ông Hồ Văn Năm “lạm quyền” trong những vụ án nào?

dong nai
Quán karaoke 123 tại P.Trảng Dài, TP Biên Hòa, Đồng Nai, nơi xảy ra vụ nhóm Nguyễn Huỳnh Lâm ẩu đả với nhân viên và chủ quán khiến nhiều người bị thương tích – Ảnh: A LỘC

 

Trước đó, Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận ông Hồ Văn Năm “lạm quyền, can thiệp vào hoạt động điều tra, truy tố, xét xử…”. Vậy ông Năm dính líu đến vụ án nào?

* Thời điểm làm phó viện trưởng, rồi viện trưởng Viện KSND tỉnh Đồng Nai:

– Năm 2006, ông Năm đã làm sai quy trình pháp luật, dẫn đến oan sai cho ông Nguyễn Tấn Đại trong vụ án hiếp dâm trẻ em. Sau đó, Viện KSND tỉnh phải xin lỗi công khai ông Đại và bồi thường trên 376 triệu đồng.

– Vụ án “nhận hối lộ” bị bắt quả tang xảy ra tại Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe loại 1, tỉnh Đồng Nai nhưng sau đó bị đình chỉ.

– Vụ án Trần Đình Hòa phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xảy ra ở huyện Cẩm Mỹ nhưng 3 năm sau mới khởi tố vụ án.

* Thời điểm làm trưởng Ban nội chính, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai:

– Cơ quan điều tra xác định vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH Cáp Tân có cơ sở khởi tố bị can, bắt giam nhưng can thiệp và vụ án bị đình chỉ.

– Có bút phê đình chỉ một bị can trong vụ án gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích xảy ra tại karaoke 123 ở P.Trảng Dài, TP Biên Hòa.

– Có bút phê đồng ý đình chỉ điều tra các bị can trong vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tại Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa…

Ông Hồ Văn Năm sẽ “mất ghế” đại biểu Quốc hội

Ngày 11-9, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Ban công tác đại biểu sẽ tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy trình, thủ tục xử lý trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Năm sau khi Ban Bí thư quyết định hình thức kỷ luật đối với ông này.

Còn trưởng Ban công tác đại biểu Trần Văn Túy cho biết sẽ tiến hành các thủ tục theo luật định sau khi nhận được thông báo chính thức của Ban Bí thư, do ông Năm là đối tượng thuộc Ban Bí thư quản lý.

Trước đó, ngày 10-9, trong quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Hồ Văn Năm, Ban Bí thư có đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để ông Năm thôi làm đại biểu Quốc hội khóa XIV. Được biết, ông Năm cũng đã có đơn gửi các cơ quan có thẩm quyền xin thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, trong đó có nêu “lý do sức khỏe”.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11-9, thảo luận về nội dung báo cáo sơ kết 5 năm thi hành Hiến pháp, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề cập đến quy định cử tri có quyền bãi nhiệm trực tiếp tư cách đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND khi những người này không còn đủ uy tín nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn quy trình, thủ tục để cử tri thực hiện quyền của mình. Tất cả trường hợp đại biểu dân cử bị kỷ luật phải thôi nhiệm vụ hoặc bị bãi nhiệm tư cách đến nay đều do Quốc hội và HĐND quyết định.

HỒNG VÂN/Tuổi Trẻ

Bài mới
Đọc nhiều