+
Aa
-
like
comment

Một kho báu mới nổi của Việt Nam trở thành cứu tinh cho Trung Quốc

Bích Vân - 03/11/2023 06:35

Việt Nam có sản lượng trong năm 2022 đạt gần 27 tấn.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 9/2023 đạt hơn 102 triệu USD, giảm 26,7% so với tháng trước đó. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, mặt hàng này đã thu về hơn 894 triệu USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2022 và và 1 trong số 8 mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng dương trong 9 tháng đầu năm.

Theo báo cáo Triển vọng nông sản Alltech năm 2023, sản lượng thức ăn chăn nuôi của Việt Nam trong năm 2022 đạt 26,72 triệu tấn, đứng thứ 8 thế giới. Đáng chú ý trong số các thị trường xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của thức ăn gia súc và nguyên liệu của Việt Nam đồng thời đang tăng mạnh nhập khẩu. Trong tháng 9, xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc đạt hơn 46 triệu USD và tính đến hết tháng 9, hàng xóm láng giềng đã nhập khẩu từ nước ta hơn 435 triệu USD cho mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng 48,9%.

Trong cả năm 2022, xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc thu về hơn 443 triệu USD, tăng 16,93% so với năm 2021, chiếm tỷ trọng 39,29% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của Việt Nam trong cả năm 2022.

Như vậy với trị giá nhập khẩu 435 triệu USD trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này đã gần vượt qua con số của cả năm 2021 cộng lại. Bên cạnh Trung Quốc, các quốc gia nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của Việt Nam còn bao gồm Campuchia, Malaysia, Mỹ, Phillipines,…

Trung Quốc là quốc gia sản xuất thịt heo số 1 thế giới, đồng thời cũng là quốc gia sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới. Theo số liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc, năm 2022, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc đạt 55,41 triệu tấn, tăng 4,6% so với năm 2021, đây là mức cao nhất kể từ năm 2014, tuy nhiên trong thời gian gần đây, nguồn cung trong nước không ổn định nên quốc gia này liên lục phải nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu từ các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Còn tại Việt Nam, dù có sản lượng thức ăn gia súc lớn tuy nhiên nguồn cung từ ngành trồng trọt trong nước mới chỉ đáp ứng được hơn 40% nhu cầu đối với các loại nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, dẫn đến việc phụ thuộc vào thị trường nông sản thế giới. Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu trung bình 20 – 22 tấn nguyên liệu, trong đó ngô chiếm khoảng 50% và lúa mì chiếm khoảng 10% khối lượng các lô hàng trên.

Về thị trường trong nước, theo số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sau khi đạt đỉnh vào năm ngoái, giá các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hiện đều giảm mạnh. Trong đó, giá ngô, đậu tương và lúa mì đã hạ khoảng 15 – 30% so hồi đầu năm. Điều này giúp giảm gánh nặng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, hộ chăn nuôi, cũng như tăng tỷ lệ tái đàn. Trước đó liên tiếp trong các năm 2020-2022, giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã thêm 40% so với trước năm 2020 nên người chăn nuôi lớn gặp không ít khó khăn.

Giá thức ăn gia súc dần hạ nhiệt, nhu cầu ổn định và khả năng được giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có mặt hàng khô đậu tương sẽ là cơ sở cho các doanh nghiệp lên kế hoạch tái đàn, phát triển hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.

Bích Vân 

Bài mới
Đọc nhiều