+
Aa
-
like
comment

Một hình ảnh đẹp cần nhân rộng

Như Yên - 11/09/2020 16:36

Ngày 7/9, sở Văn hóa – Thể thao (VH-TT) Thừa Thiên – Huế đã triển khai cho toàn thể cán bộ công chức của Sở mặc áo dài truyền thống đến cơ quan làm việc trong ngày đầu tuần mỗi tháng. Đặc biệt nam giới sẽ mặc áo dài ngũ thân.

Áo dài chỉ nên để nữ mặc?

Sở VH – TT Thừa Thiên Huế sẽ áp dụng quy định mặc áo dài truyền thống vào ngày thứ hai đầu mỗi tháng đối với toàn bộ cán bộ, công chức. Đây là ngày tổ chức lễ chào cờ tập trung kết hợp giao ban đơn vị và tặng hoa chúc mừng sinh nhật các thành viên có sinh nhật trong tháng.

Trên thực tế, ngày thứ hai và thứ sáu hàng tuần, các nữ công chức của sở VH -TT đều mặc áo dài đi làm. Và không chỉ riêng đơn vị này, rất nhiều cơ quan, công ty lớn nhỏ và cả trường học trên cả nước từ lâu đã có quy định đồng phục áo dài cho nữ nhân viên, học sinh.

“Phụ nữ mặc áo dài được sao đàn ông không mặc được. Nếu trong các dịp lễ, thay vì mặc áo vest, đàn ông mặc áo dài cũng rất ý nghĩa với tư cách là trang phục truyền thống”, ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở VH – TT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết.

Đại sứ Phạm Việt Anh trong trang phục áo dài đến gặp nhà vua Hà Lan

“Thực tế, Sở VH – TT hoàn toàn không biến nó thành trang phục công sở mà chỉ mong muốn khuyến khích mọi người nhớ đến di sản văn hóa và phục hồi di sản văn hóa đó của dân tộc” ông Hải nói thêm.
Hơn nữa, việc mặc trang phục áo dài đến nơi làm việc đã được thống nhất ý kiến đồng thuận của toàn thể cán bộ, công nhân viên khối văn phòng của Sở. Từ việc chọn màu áo để cả ngày mặc đồng phục trong tháng.

Xây dựng “Quốc phục nam” truyền thống

Hướng đến “Huế – Kinh đô Áo dài Việt Nam” không chỉ dừng ở việc tôn vinh, quảng bá nét đẹp Áo dài của người phụ nữ. Ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang xây dựng lại nét đẹp văn hóa truyền thống từ áo dài ngũ thân dành cho nam giới.

Có thể nói, đàn ông Việt Nam hiện nay chưa có một bộ trang phục mang đúng bản sắc dân tộc. Do quá trình tây hóa, áo dài ngũ thân của đàn ông Việt Nam dần biến mất trong đời sống, chỉ còn áo dài của phụ nữ. Áo dài ngũ thân của nam giới là trang phục có từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát và trở nên phổ biến dưới thời vua Minh Mạng. Tà áo thiết kế ngắn, ống quần cũng được cắt ngắn đến mắt cá đảm bảo gọn gàng, trang nghiêm, kín đáo thường được dùng làm lễ phục.

Tuy nhiên, ngày nay trong dịp lễ cưới trọng đại trong khi cô dâu mặc trang phục áo dài truyền thống thì chú rể lại chọn mặc áo vest. Phong cách nửa Tây nửa ta này vô tình làm mờ nhạt đi hình ảnh long trọng của chiếc áo dài trong ngày đặc biệt của đời người. Việc người đàn ông mặc áo dài ngũ thân cũng trở nên xa lạ với hầu hết giới trẻ hiện nay.

Vì thế, việc đưa áo dài truyền thống vào môi trường công sở và vào các dịp lễ lớn nhằm góp phần giữ lại nét văn hóa riêng của dân tộc trong quá trình hội nhập. Bên cạnh đó, quảng bá được nét đẹp văn hóa của người Việt đến với bạn bè quốc tế là tiền đề tạo thêm sản phẩm du lịch, tạo công việc cho những người làm nghề may mặc.

Tiêu biểu là vào ngày 8/7 đại sứ Phạm Việt Anh đã mặc áo dài ngũ thân trình Quốc thư của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lên Nhà vua Hà Lan Willem-Alexander tại Cung Ɖіệп Noordeinde, thành phố La Haye – Thủ đô hành chính của Hà Lan. Giữa trời Tây, đại sứ đã khiến nước bạn rất ấn tượng với bộ trang phục truyền thống Việt Nam, hồn dân tộc được khẳng định mạnh mẽ từ phong cách ăn mặc đến cách giao tiếp ứng xử.

Toàn thể cán bộ Sở VH – TT trong trang phục áo dài

Việc các đại sứ, lãnh đạo cấp cao mặc áo dài trong các sự kiện quốc tế đã không còn xa lạ và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo người dân, bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, áo dài ngũ thân hiện nay chỉ dừng lại ở các dịp lễ nghi lớn, hội họp lớn chứ thực sự phổ biến đến đông đảo người dân.
Sở VH – TT là đơn vị được UBND Thừa Thiên Huế giao nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai đề án Huế – Kinh đô áo dài Việt Nam. Việc triển khai cho cán bộ công chức của sở mặc áo dài đi làm là việc làm tiên phong nhằm phục hồi truyền thống mặc áo dài Việt xưa và đưa áo dài ngũ trở nên phổ biến được mặc thông dụng như áo dài của nữ giới hiện nay. Đặc biệt, góp phần khẳng định vị trí “Quốc phục nam” Việt Nam của áo dài ngũ thân.

Nói tóm lại, trong thời đại hội nhập như hiện nay nước ta đã học hỏi, tiếp thu được rất nhiều nền thời trang lớn, trang phục cũng thay đổi tiến bộ theo từng năm tháng. Điều quan trọng là hội nhập nhưng vẫn phải gìn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc mà tiêu biểu là qua tà áo dài. Việc làm tiên phong của Sở VH – TT Thừa Thiên Huế là việc làm rất ý nghĩa và sẽ nhanh chóng lan rộng khắp cả nước. Không chỉ đưa tà áo dài trở thành niềm tự hào dân tộc,phổ biến hơn trên mọi miền tổ quốc mà còn tiến xa hơn đến đông đảo bạn bè quốc tế.

Như Yên

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều