+
Aa
-
like
comment

Một góc nhìn từ vụ án bác sĩ Tuấn “tim”

TS Nguyễn Ngọc Điện - 24/04/2023 16:03

Bản án tuyên đối với một nguyên giám đốc bệnh viện có tiếng ở Hà Nội, với mức án thấp hơn đề nghị của cơ quan công tố, được dư luận chú ý.

Bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn ôm tạm biệt người thân

Hội đồng xét xử đưa ra nhiều lý do để giải thích quyết định của mình. Một trong những lý do đó là chính các quy định pháp luật chi phối hành vi của người bị kết án còn nhiều bất cập; việc người bị kết án làm sai được cho là sự lựa chọn “cực chẳng đã” nhằm đạt được các mục tiêu của công việc.

Cách giải quyết của tòa án có thể góp phần gợi mở một lối ra cho vòng luẩn quẩn về ứng xử của con người ở khu vực công trong hoàn cảnh hiện tại, vòng luẩn quẩn được cho là hệ quả của phản xạ theo bản năng sinh tồn trước nguy cơ bị cuốn vào đợt sóng thần phòng chống tham nhũng.

Rất nhiều vụ làm sai pháp luật của quan chức bị phanh phui trong thời gian qua; những người làm sai bị xử lý bằng những chế tài nghiêm khắc. Hiệu ứng tích cực của chủ trương xử lý kiên quyết và dứt khoát đối với những người phạm pháp, thuộc thành phần lâu nay được cho là khó chạm đến, đã và đang lan tỏa.

Tuy nhiên, một hiệu ứng khác không mong đợi, nhưng không tránh được, cũng xuất hiện. Đó là sự thu mình lại, thụ động, dè chừng, nghi ngại của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức trước những vấn đề đặt ra trong công tác chuyên môn. Nói cách khác, hiện không ít người không dám làm, đặc biệt là không dám đưa ra quyết định vì sợ sai.

Nếu luật pháp rõ ràng, chặt chẽ và hợp lý mà không chịu áp dụng để xử lý công việc thì đúng là hèn nhát và vô trách nhiệm. Cần kiên quyết loại bỏ loại người này ra khỏi hệ thống công quyền để hoạt động của bộ máy nhà nước, đặc biệt là hoạt động cung ứng dịch vụ công cho người dân, không bị đình trệ.

Nhưng cũng phải ghi nhận một trong những lý do khiến cán bộ, công chức, viên chức không dám làm, đó là vì người ta không biết làm thế nào cho đúng. Văn bản luật pháp ở chỗ này chỗ nọ có những quy định mập mờ, tối nghĩa, sơ hở hoặc mâu thuẫn.

Không ít trường hợp luật có thể được hiểu theo nhiều cách. Nếu người trực tiếp xử lý công việc hiểu luật và giải quyết vấn đề phát sinh trong công việc theo một cách, nhưng người có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra lại hiểu luật và đánh giá công việc đó theo một cách khác thì chắc chắn người bị thanh tra, kiểm tra sẽ gặp rắc rối.

Mặt khác, có những quy định mà được áp dụng vào một trường hợp đặc thù nào đó thì tỏ ra rất bất hợp lý. Làm theo những quy định bất hợp lý thì không đạt được mục tiêu mong muốn, dù đó là mục tiêu chính đáng; nhưng làm ngược lại thì có nguy cơ đối mặt với quy kết trách nhiệm do làm trái.

Luật luôn có những khuyết tật cố hữu và người làm luật gọi là có trách nhiệm cứ phải nỗ lực không ngừng để hoàn thiện hệ thống luật pháp. Tuy nhiên, ai cũng hiểu làm luật, sửa luật không phải là việc thực hiện được trong ngày một ngày hai mà cần phải có thời gian.

Trong hoàn cảnh như thế, để mọi người đủ tự tin dấn thân thì người có quyền đánh giá hành vi của người khác phải đọc, hiểu để áp dụng luật theo lương tri chứ không chỉ dựa vào câu chữ khô cứng, từ đó đưa ra phán xét vừa hợp lý, vừa hợp tình.

TS Nguyễn Ngọc Điện

Bài mới
Đọc nhiều