+
Aa
-
like
comment

Một đề xuất nức lòng đến từ Thủ tướng

Thế Khoa - 25/05/2020 09:52

Báo cáo trước Quốc hội trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, khóa XIV sáng 20/05, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết so với năm 2019 tình hình có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều do tác động bởi dịch covid – 19. Chính vì vậy, người đứng đầu Chính phủ đã đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01/07/2020.

Việc người đứng đầu Chính phủ đề nghị Quốc hội chưa tăng lương cũng là điều dễ lý giải trong hoàn cảnh hiện nay. Bởi cơn bão dịch bệnh đến bất thình lình đã gây ra rất nhiều khó khăn cho nguồn thu ngân sách đối với tất cả các nước trên thế giới chứ không chỉ riêng gì với Việt Nam. Con virus này đã tác động, thiệt hại rất nặng nề tới kinh tế, xã hội và tất cả mọi mặt, mọi lĩnh vực, khiến ngân sách nhà nước không chỉ giảm nguồn thu; mà còn phải chi ra nhiều khoản tiền lớn để chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội. Như gói 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo, người lao động tự do và các đối tượng bị tác động bởi dịch. Cùng với đó là nhiều gói hỗ trợ cho doanh nghiệp như gói tín dụng 300.000 tỷ đồng; gói tài khóa 180.000 tỷ đồng…

Khi đưa ra những lời đề nghị trên, chắc chắn Thủ tướng và các thành viên trong Chính phủ cũng đã phải cân nhắc rất kỹ về tình hình kinh tế đất nước. Đến nay, có gần 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, nghỉ luân phiên do ảnh hưởng của dịch bệnh. Với những người lao động không có bảo hiểm xã hội, hưởng lương hợp đồng thời vụ hoặc không có hợp đồng… đã rơi vào hoàn cảnh khốn khó. Đặc biệt là những lao động tự do cũng tới hàng chục triệu người như những cô bán hàng rong, chú bán vé số, bác chạy xe ôm… còn khó khăn hơn nữa khi mà nguồn thu nhập họ có được từng ngày để lo cho cuộc sống bị ngắt đoạn nhưng vẫn phải gánh đủ thứ hóa đơn, nào là tiền thuê nhà, phí sinh hoạt, điện, nước…

Vẫn biết là việc hoãn tăng lương sẽ có những thiệt thòi nhất định cho cán bộ công chức, viên chức nhà nước, vậy nhưng trong bối cảnh hiện nay không cho phép Chính phủ tăng lương theo lộ trình đã đề ra. Việc hoãn tăng tiền lương cho các cán bộ nhà nước sẽ giúp Chính phủ có thêm nguồn lực để tăng chi an sinh xã hội cho các khu vực khác. Mỗi cán bộ, công chức cùng chung tay một phần nhỏ, sẽ có hàng ngàn tỷ ngân sách chính là điểm tựa, là nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách, cùng cộng đồng vượt qua khó khăn. Chắc chắn, động thái ở tầm vĩ mô này của Chính phủ sẽ phần nào ổn định đời sống của người dân, giúp cho toàn xã hội yên tâm đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh.

Trước đó, TP. Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện giảm hệ số tăng thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức của thành phố từ 33 – 50% để hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh và người lao động bị tác động bởi dịch covid – 19. Đây là hành động nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức thành phố, cùng chia ngọt sẻ bùi trên tinh thần tương thân tương ái rất đáng trân trọng. Và thực tế, chủ trương này không chỉ tạo được sự đồng thuận từ đội ngũ cán bộ viên chức mà còn trực tiếp lan tỏa hiệu ứng ra cộng đồng.

Có thể thấy, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách năm nay giảm thì ngân sách chi cho tiền lương cũng phải cân đối chứ không thể tăng chi như dự kiến được. Như lời Thủ tướng phát biểu tại Quốc hội mới đây rằng: “Càng trong điều kiện khó khăn, chúng ta càng phải thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là người có công, người nghèo, người mất việc làm, người yếu thế, không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau”. Thông điệp của người đứng đầu Chính phủ rất rõ ràng và cần sự chung tay của mọi người, mọi ngành trên cả nước để góp phần vào mục tiêu chung của đất nước. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế – xã hội có những tín hiệu khởi sắc, đồng thời căn cứ khả năng cân đối ngân sách thì tính đến việc tăng lương cũng chưa muộn. Tin rằng, những cán bộ, công chức chưa được tăng mức lương cơ sở và lương hưu lần này cũng sẵn sàng ủng hộ, đồng thuận, “nhận thiệt về mình” để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội trong trạng thái “bình thường mới”.

Thế Khoa

Bài mới
Đọc nhiều