Những bất ổn của tình hình kinh tế – chính trị thế giới 2 năm qua đã gây ra những hậu quả hết sức khủng khiếp. Việt Nam vẫn không tránh khỏi những tác động tiêu cực, tuy nhiên, cũng từ các sự kiện ấy, một cuộc “chọn lọc tự nhiên” đã diễn ra.
Đối mặt với sự đứt gãy nghiêm trọng của chuỗi cung ứng những năm đại dịch và đặc biệt là, sự suy thoái của kinh tế và khủng hoảng năng lượng toàn cầu, những đất nước như Việt Nam giữ được mức độ tăng trưởng 6 – 7% thực sự không nhiều. Thành tựu đó có một phần đến từ chủ trương, chính sách đúng đắn của Chính phủ, nhưng, những chủ trương, chính sách ấy sẽ chẳng thể tạo nên đột phá nếu chúng ta thiếu đi những doanh nghiệp tư nhân có năng lực.
Phải là những doanh nghiệp mạnh mẽ và vững vàng lắm mới có thể vượt qua thời gian thách thức như hiện tại, phải là những doanh nghiệp chủ động và tích cực lắm mới có thể trụ được đến hôm nay và mang lại giá trị đích thực cho quốc gia, dân tộc. Thương trường vốn đã luôn khắc nghiệt với giới kinh doanh, đến nỗi nhiều người vẫn luôn bảo rằng nó còn khốc liệt và ác liệt hơn cả chiến trường. Do vậy, chỉ những cá nhân và tổ chức có năng lực và tầm nhìn dài hạn, được tôi luyện qua thử thách rất nhiều mới vượt qua được khoảng thời gian này, số còn lại, phần lớn là những doanh nghiệp yếu kém, đã trì trệ nay lại càng thêm trì trệ, bị loại khỏi cuộc chơi là điều dễ hiểu, tất yếu.
Một số cái tên tiêu biểu cho nhóm doanh nghiệp vững vàng ượt qua thách thức thời gian qua có thể kể đến như: Meet More, Cơ khí Duy Khanh, ô tô Trường Hải hay các tập đoàn lớn như Sun Group, Masan Group, Trong đó, nhà sáng lập thương hiệu cà-phê nông sản Meet More Nguyễn Ngọc Luận đã vui mừng cho biết: “Chúng tôi đang dần phục hồi sau dịch ở cả thị trường xuất khẩu lẫn nội địa. Công ty ký kết thêm đơn hàng với nhiều thị trường mới, ra mắt sản phẩm mới. Đây là những tín hiệu rất lạc quan để Meet More từng bước chinh phục những mục tiêu, kế hoạch còn dang dở do ảnh hưởng dịch trong hai năm qua”.
Với Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh, ông Đỗ Phước Tống cho biết, các đối tác mua hàng đang tăng dần sản lượng sản xuất tại Việt Nam. Đặc biệt, trong năm 2022, một đối tác chủ lực tăng sản lượng sản phẩm lên gấp ba lần so với trước khi xảy ra dịch Covid-19. Đơn vị này đang đẩy nhanh tiến độ xây lắp nhà máy sản xuất linh kiện cơ khí chính xác ở Khu công nghệ cao thành phố Thủ Đức để đưa vào hoạt động trong quý IV/2022. Sản phẩm của nhà máy này chủ yếu được xuất khẩu tại chỗ, thay thế loại hàng mà lâu nay các đối tác phải nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan…
Những ngày cuối cùng của năm 2022 đang đến gần, đây vừa là thời cơ nhưng cũng vừa là một thách thức mới đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Động lực mua sắm, tiêu dùng nhiều hơn đồng nghĩa với tốc lực sản xuất và phân phối hàng hòa cũng tăng lên gấp bội. Do đó, các nhà cung cấp phải thực sự tỉnh táo và vững vàng để thu về nhiều nhất lợi nhuận cho mình. Nhưng, nếu không khéo, chính họ sẽ đánh mất mình trên chính lĩnh vực mà bản thân có chuyên môn nhất. Dẫu vậy, sự mạnh mẽ đã giúp họ đứng vững đến hôm nay chắc hẳn cũng chính sự mạnh mẽ ấy sẽ giúp họ dễ dàng đi về phía trước. Đó là những tín hiệu vui trong những ngày đầy u ám. Và chúng ta – người Việt, vẫn luôn tin rằng, cơ hội sẽ luôn đến với những doanh nghiệp, những con người sống thật và làm thật.
Khánh Đăng