+
Aa
-
like
comment

Một công ước quan trọng sẽ xuất hiện trên bàn họp Hội nghị Mỹ – ASEAN 2022

Lan Hoa - 10/05/2022 12:56

Hội nghị Cấp cao Mỹ-ASEAN vào ngày 13/5 sắp diễn ra. Xoay quanh những nội dung chính của Hội Nghị, mới đây Geopolitical Monitor – Tạp chí phân tích chính trị nổi tiếng của Canada, đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Việc phê chuẩn UNCLOS sẽ tiếp tục xuất hiện trong hội nghị thượng định Mỹ-ASEAN”.

Qua bài viết, tác giả tiếp tục khẳng định lại một lần nữa tầm quan trọng của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) bằng việc nêu rõ quan điểm, lập trường của các bên về Công ước này trong hội nghị sắp diễn ra.

Việc phê chuẩn (UNCLOS) sẽ giúp Mỹ có thêm đòn bẩy để thể hiện vị thế và vai trò của mình tại khu vực Châu Á–Thái Bình Dương.

Một trong những mục tiêu của việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN là nhằm đảm bảo các nước Đông Nam Á tham gia vào trật tự quốc tế dựa trên pháp quyền, hay còn được biết đến là trật tự theo mô hình “Hòa bình kiểu Mỹ” ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có sự tham gia của các đồng minh và đối tác của Mỹ. Sự tham gia này sẽ giúp kiềm chế những yêu sách phi lí của Trung Quốc ở Biển Đông. Khi đó, một câu hỏi đặt ra là khi nào là thời điểm thích hợp để Mỹ tham gia ký kết UNCLOS?

Theo Geopolitical Monitor, chính quyền Tổng thống Joe Biden và Quốc hội Mỹ nếu muốn nâng cao tiếng nói của mình thì Mỹ có thể sẽ đưa ra một cuộc bỏ phiếu phê chuẩn UNCLOS, với mục đích lấy lại uy tín của nước Mỹ sau loạt “khủng hoảng” đến từ chiến dịch quân sự Nga – Ukraine.

Mặc dù Hội nghị Thượng đỉnh lần này đóng vai trò giải thích sứ mệnh của Mỹ trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, qua đó tái củng cố cam kết đối với luật lệ quốc tế, song việc thông qua UNCLOS sẽ giúp thuyết phục các nước thành viên ASEAN rằng Mỹ không đơn thuần chỉ đưa ra những cam kết mang tính “thùng rỗng kêu to” và những tuyên bố “đao to búa lớn” về những vấn đề chính trị.

Hơn nữa, những hành động ngày càng quyết đoán và nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như hoạt động quân sự hóa các tiền đồn ở vùng biển tranh chấp càng khiến Quốc hội Mỹ mong muốn thông qua UNCLOS, tạo thế gọng kìm, kìm kẹp Trung Quốc trên trường quốc tế.

Nếu Quốc hội Mỹ phê chuẩn UNCLOS, Mỹ sẽ có tư cách pháp lý để gửi bất kỳ khiếu nại nào lên cơ quan giải quyết tranh chấp quốc tế, do đó, tránh được nguy cơ xảy ra đối đầu với lực lượng hải quân và tàu đánh cá bán quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.

Không chỉ vậy, điều này sẽ cho phép Mỹ lấy lại vị trí chiến lược đúng đắn của mình ở Thái Bình Dương và biến những cam kết “đao to búa lớn” thành hành động. Cũng giống như thế giới đang theo dõi và chờ đợi xem hành động và lời hùng biện của Mỹ hội tụ như thế nào để giúp Ukraine, điều cấp thiết lúc này là Mỹ cần đưa ra một quyết định táo bạo để phê chuẩn UNCLOS nhằm thể hiện cam kết củng cố hơn nữa quan hệ đối tác của mình với các quốc gia Đông Nam Á, trang Geopolitical Monitor đưa ra phân tích.

Theo nguồn tin từ Geopolitical Monitor, hội nghị năm nay, riêng về vấn đề phát triển kinh tế và đảm bảo an toàn vùng biển, 1 trong 3 chủ đề chính sẽ được thảo luận đó là “Duy trì hòa bình và đề cao trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển (UNCLOS) 1982. Trong đó, việc đề cao vai trò quan trọng của UNCLOS 1982, các đại biểu đều khẳng định tính thống nhất và phổ quát của Công ước, là khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển.

Theo đó, UNCLOS tiếp tục là khung pháp lý để các nước giải quyết các thách thức truyền thống như phân định ranh giới các vùng biển, giải quyết tranh chấp về biển, chống cướp biển, chống tội phạm xuyên quốc gia đồng thời ứng phó với các thách thức mới trên biển như chống ô nhiễm biển, cạn kiệt tài nguyên biển, chống rác thải nhựa trên biển,… nhằm hướng tới quản lý và bảo vệ biển một cách bền vững, phù hợp với các tiêu chí của Mục tiêu phát triển bền vững số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và tài nguyên biển (SDG14) thuộc Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc.

Các nước thành viên tham gia đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Bên cạnh đó, các nước cũng kêu gọi kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Ngoài ra, hội nghị Mỹ – ASEAN năm 2022 cũng trùng hợp là dấu mốc đánh dấu 40 năm kỷ niệm UNCLOS 1982 và 20 năm DOC. Trước đó, các quốc gia ASEAN cùng nhất trí xây dựng Tuyên bố chung kỷ niệm 20 năm DOC (2002-2022), qua đó khẳng định quyết tâm của ASEAN xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình và hợp tác, nơi tàu bè qua lại tự do và an toàn, các nước đối thoại thẳng thắn và hợp tác chân thành trên tinh thần tôn trọng luật lệ quốc tế.

Dự kiến, trong hai ngày làm việc, hội nghị sẽ dành khá nhiều thời gian để tập trung thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả thực thi Công ước Luật biển UNCLOS và các văn kiện pháp lý quốc tế có liên quan trong giải quyết các thách thức nêu trên; chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn mới trong thực thi luật biển và các văn kiện pháp lý, nhất là về giải quyết tranh chấp và ứng phó với các vấn đề mới nổi trong khu vực, từ đó đề xuất các khuyến nghị để củng cố hơn nữa hợp tác giữa các quốc gia, tăng cường vai trò của các cơ chế và khuôn khổ khu vực trong quản trị biển.

Việt Nam đang và sẽ nỗ lực kiên trì giải quyết một cách hòa bình các vấn đề Biển Đông, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 UNCLOS.

Nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN năm nay.

Là quốc gia gắn liền với biển, kể từ khi trở thành thành viên UNCLOS vào năm 1994, Việt Nam luôn đề cao mục tiêu, tôn chỉ và các quy định của UNCLOS, nỗ lực triển khai các biện pháp để thực thi UNCLOS; đồng thời kiên trì, kiên quyết yêu cầu và kêu gọi các quốc gia khác tuân thủ các nghĩa vụ của UNCLOS. Qua đó, Việt Nam đóng góp vào bảo vệ trật tự pháp lý trên biển, xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình và mang lại thịnh vượng cho tất cả các quốc gia trong khu vực.

Việt Nam đề cao hợp tác quốc tế về biển, đặt vấn đề này trong tổng thể chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế và khu vực, phù hợp với phương châm “chủ động tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển”.

Việc tăng cường hợp tác quốc tế về biển theo Công ước UNCLOS nhằm mục đích khai thác tối đa các tiềm năng mà biển đem lại cũng như để giải quyết, xử lý các thách thức đặt ra nhằm tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định tại Biển Đông, phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Đây là những bằng chứng sinh động thể hiện thiện chí, sự tích cực, quyết tâm và cam kết thực tế của Chính phủ Việt Nam đối với việc tôn trọng và thực thi các quy định của Công ước Luật Biển 1982, đồng thời thể hiện nỗ lực và chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc hợp tác giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982, nhằm thúc đẩy hợp tác với các quốc gia, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông.

Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam

Trong bối cảnh hiện nay, theo quan điểm của Việt Nam, việc tôn trọng và tuân thủ đầy đủ Công ước Luật Biển 1982 càng có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực. Mọi yêu sách về biển của các nước cần dựa trên các quy định của Công ước, không áp đặt các yêu sách thái quá, không phù hợp với quy định của Công ước. Khi có bất đồng hoặc khác biệt liên quan đến giải thích và thực thi Công ước, các bên liên quan cần thương lượng, giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Hiện nay, UNCLOS đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, vừa giúp cung cấp cho các quốc gia có biển cơ sở pháp lý để phân định vùng biển, quản lý biển và giải quyết các quan hệ giữa các quốc gia liên quan, vừa đồng thời giải quyết những thách thức, xung đột, bất đồng hoặc các vấn đề khác trên biển. Có thể xem công ước này như “Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) về biển”. Nhờ đó, các quốc gia có cơ sở pháp lý để quản lý và hợp tác quản lý để bảo vệ, bảo tồn biển và khai thác, sử dụng tài nguyên biển hợp lý, hiệu quả và bền vững hơn.

Chúng ta hãy cùng chờ đợi những kết quả tích cực từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN sắp diễn ra, đồng thời hy vọng mọi căng thẳng, xung động trên Biển Đông sẽ được giải quyết một cách thỏa đáng và hài hòa nhất trong thời gian sắp tới!

Lan Hoa (Theo Geopolitical Monitor)

Bài mới
Đọc nhiều