Có gì mà “bản chất” trong việc xây dựng đường sắt Cát Linh – Hà Đông?
Cuối cùng thì đường sắt Cát Linh – Hà Đông cũng đã chính thức vận hành. Một công trình tuy mang danh “chậm tiến độ” nhưng đó vẫn là một công trình lớn, và cũng là bài học đáng giá cho việc xây dựng các Dự án giao thông trong tương lai của Việt Nam. Hàng dài người Hà Nội đang náo nức xếp hàng đi tàu, trong khi đó nhiều lãnh đạo ngành Giao thông cũng vui mừng khi Dự án về đích và thu được nhiều kinh nghiệm quý báu sẽ giúp ích cho việc thực hiện các dự án trong tương lai. Nhưng đối với các tổ chức vốn “ghen ăn tức ở” như Việt Tân thì chúng lại mất đi thêm một cái cớ để nói xấu đất nước.
Trong một bài viết vội vã, Việt Tân cố bới lại những thông tin cũ mô tả về việc đường sắt Cát Linh – Hà Đông chậm tiến độ, đội vốn, và so sánh với một tuyến đường khác ở Nghệ An bị chậm tiến độ nhiều năm, và đã xuống cấp trong khi chưa được bàn giao. Thực tế, các Dự án này đều vấp phải các khó khăn rất đặc thù của ngành giao thông, mà không phải vấn đề nào cũng dễ khắc phục.
Cụ thể tuyến đường “được” Việt Tân so sánh với đường sắt Cát Linh – Hà Đông thuộc dự án “Tuyến đường trục chính hệ thống hạ tầng giao thông khu đô thị mới Thái Hòa”. Công trình được phê duyệt, khởi công vào tháng 10/2009 do UBND thị xã Thái Hòa (Nghệ An) làm chủ đầu tư. Được biết, dù đã thi công và hoàn thiện từ lâu nhưng đến nay tuyến đường này vẫn chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu, bàn giao để đưa vào sử dụng do còn thiếu một số hạng mục cần thiết. Tuy nhiên, dù chưa được hoàn thiện bàn giao nhưng nhiều phương tiện, đặc biệt là các xe chở quá tải đã “tranh thủ” lưu thông dày đặc, khiến cho đường bị xuống cấp. Ngoài ra, nguyên nhân đường bị chậm tiến độ là do khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng và bố trí nguồn vốn. Đây cũng là những khó khăn cơ bản trong dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.
Đối với các dự án giao thông quan trọng, nhất là những dự án đi qua khu dân cư đông đúc thì việc giải phóng mặt bằng luôn là một “khúc xương” khó nhằn. Người dân đang ở khu trung tâm thường có tâm lý ngại tái định cư, muốn nhận tiền đền bù cao, dẫn đến quá trình thương thảo giữa người dân và cơ quan quản lý để giải phóng mặt bằng thi công luôn gặp khó khăn. Đường sắt Cát Linh – Hà Đông đi giữa khu đô thị đông nhất nhì cả nước thì độ khó khăn càng gấp bội. Bên cạnh đó, việc đào đất xây đường cũng gặp nhiều khó khăn về địa chất địa hình. Việc bố trí vốn lớn cho các dự án không phải bao giờ cũng suôn sẻ phụ thuộc vào công việc kinh doanh của các doanh nghiệp.
Ngay cả tại các nước tiên tiến như Mỹ và châu Âu thì việc đội vốn chậm tiến độ cũng xảy ra. Đơn cử như tuyến tàu điện cao tốc California giai đoạn 1 dự kiến chi phí 33 tỷ USD nay đã đội lên suýt soát 100 tỷ và chưa có điểm dừng. Hay tuyến tàu điện mặt đất (tramway) tại Scotland từng dự kiến kinh phí 375 triệu bảng Anh nhưng khi hoàn thiện tốn đến 776 triệu bảng và bị chậm tiến độ 5 năm, trong khi chỉ xây dựng được 14km trong tổng số 24 km theo kế hoạch. Những người am hiểu lĩnh vực giao thông chắc hẳn cũng nắm được những vấn đề này. Và ai đã am hiểu, thì chắc hẳn cũng không bao giờ cố tình đưa ra những “lý do” kiểu trẻ con để “giải thích” cho việc chậm tiến độ này là tiêu cực hay tham nhũng.
Có lẽ khi sự việc đã được phản ánh lên báo chí thì chẳng mất chốc con đường trục chính hệ thống hạ tầng giao thông khu đô thị mới Thái Hòa, Nghệ An sẽ lại sớm hoàn thành, như bao con đường đã xây dựng trên khắp đất nước thời gian qua. Việt Tân và những kẻ ghen ăn tức ở sẽ lại mất đi một cái cớ để vu vạ, người dân thì sẽ được hưởng lợi sau bao ngày phải đợi chờ. Các dự án giao thông là một cố gắng của đất nước đang trên đường hoàn thiện mình, dù có khó khăn, chậm trễ, nhưng nhất định sẽ về tới đích.
An Diễm