+
Aa
-
like
comment

Một cô gái từ Vũ Hán về Việt Nam nhập viện nghi bị viêm phổi cấp

Thành Nhân - 23/01/2020 15:19
Nữ sinh từ Vũ Hán về nhập viện ở Hà Nội nghi bị viêm phổi cấp - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (thứ 3 từ phải) kiểm tra phương tiện xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương – Ảnh: BYT

Sáng nay 23-1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến kiểm tra công tác chống dịch viêm phổi cấp mới tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội. Theo báo cáo của bệnh viện, đang có hai bệnh nhân được cách ly vì nghi ngờ mắc bệnh.

Một trong hai người là L.P.T, 20 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội. T. là sinh viên du học tại Vũ Hán và vừa trở về Hà Nội 8 ngày.

T. sống trong vùng được Chính phủ Trung Quốc thông báo là an toàn, nhưng 4 ngày trước bắt đầu sốt không rõ nguyên nhân, đau rát họng, ho khan, kiểm tra cúm A, B và sốt xuất huyết đều âm tính.

Hiện T. được cách ly và đang đợi kết quả xét nghiệm từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Nữ sinh từ Vũ Hán về nhập viện ở Hà Nội nghi bị viêm phổi cấp - Ảnh 2.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đại diện Bộ Y tế, lãnh đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương kiểm tra tại Bệnh viện – Ảnh: BYT

Bệnh nhân thứ hai là nam, 55 tuổi, làm nghề buôn bán tại chợ cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc, hiện bệnh nhân sốt cao liên tục 5 ngày nay chưa rõ nguyên nhân, chưa loại trừ coronavirus.

Phát biểu tại cuộc làm việc với Bộ Y tế và bệnh viện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nguy cơ lây lan dịch từ Trung Quốc là cao, do giao lưu giao thương, đi lại trong dịp tết tăng cao.

“Tôi đã kiểm tra trang thiết bị, thấy anh em sẵn sàng nhưng vẫn phải nâng cao hơn, chuẩn bị sẵn sàng hệ thống, cơ sở chống dịch”, ông Đam yêu cầu.

Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Y tế, tính đến 23-1 Trung Quốc đã ghi nhận 541 trường hợp mắc bệnh viêm phổi cấp do coronavirus, 17 người đã tử vong. Các trường hợp mắc bệnh ghi nhận tại 13 tỉnh thành của Trung Quốc, ngoài ra Thái Lan đã ghi nhận 4 ca bệnh, Hàn Quốc 1, Nhật Bản 1, Hoa Kỳ 1, Ma Cao và Hong Kong mỗi nơi 1 bệnh nhân.

Tại Việt Nam, đã có 5 ca bệnh nghi ngờ (bao gồm ca 2 bệnh nhân kể trên). 3 người vào viện trước đó đều đã được loại trừ mắc bệnh và đều đã trở về Trung Quốc.

Để phòng tránh bệnh, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo các biện pháp dự phòng cá nhân, tránh tiếp xúc với người đang bị viêm phổi cấp/viêm đường hô hấp cấp, thường xuyên rửa tay sạch, trong trường hợp bắt buộc tiếp xúc với người có ho, hắt hơi nên đứng/ngồi song song thay vì đối diện và khoảng cách tối thiểu là 2m.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nghe lãnh đạo BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương báo cáo công tác chuẩn bị phòng, chống dịch viêm hô hấp cấp nCorona. Ảnh: VGP/Đình Nam

Theo thông tin mới nhất từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam, hiện Trung Quốc đã ghi nhận 541 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 17 trường hợp tử vong, 15 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh. Các trường hợp mắc bệnh được ghi nhận tại 13 tỉnh/thành phố gồm: Hồ Bắc, Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Trùng Khánh, Quảng Đông, Chiết Giang, Sơn Đông, Giang Tây, Hà Nam, Hồ Nam, Tứ Xuyên và Vân Nam. Một số nước, vùng lãnh thổ trong khu vực đã ghi nhận các trường hợp bệnh xâm nhập như: Thái Lan (4 trường hợp), Nhật Bản (1 trường hợp), Hàn Quốc (1 trường hợp), Đài Loan (1), Mỹ (1), Ma Cao (1), Hồng Kông (1).

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV đã có khả năng lây truyền hạn chế từ người sang người. Ngày 22-1, WHO đã tổ chức cuộc họp Ủy ban đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng để xem xét tuyên bố vụ dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại Trung Quốc là một Sự kiện y tế công cộng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) hay không và đưa ra các khuyến nghị cho các quốc gia thành viên. Hiện, Giám đốc của WHO tuyên bố cần thêm thông tin và bằng chứng để đưa ra quyết định cuối cùng. Hôm nay 23-1, WHO sẽ tiếp tục họp về vấn đề này.

Trang thiết bị cấp cứu chuẩn bị ứng phó với dịch đã được sẵn sàng.

Virus corona (CoV) là một họ virus lớn gây bệnh từ cảm lạnh thông thường đến bệnh nặng, đe dọa tính mạng người bệnh. Theo các bác sĩ, virus corona gây bệnh viêm phổi lạ xuất hiện ở Trung Quốc có thể liên quan đến loại virus gây Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) từng bùng phát năm 2002 khiến 8.000 người lây nhiễm, 916 người tử vong và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) gây tử vong cho khoảng 851 người trên toàn cầu. Nhiều người lo ngại virus corona có họ hàng với virus SARS, nếu bùng phát thành dịch lớn, nguy cơ tử vong cao.

Một số triệu chứng viêm phổi cấp ở Trung Quốc dễ nhận biết đó là ho, sốt, khó thở, có thể diễn biến đến viêm phổi nặng. Kết quả chụp phổi cho thấy phổi có tổn thương. Nhiều trường hợp nặng có thể suy thận, suy đa tạng, suy hô hấp cấp tiến triển và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.

Tại Việt Nam, dù chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh nhưng nguy cơ dịch xâm nhập cũng rất cao. Để chủ động phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV phù hợp với diễn biến tình hình dịch, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

2. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.

3. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

4. Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc các tỉnh/ thành phố khác của Trung Quốc đang có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

5. Khi phát hiện dịch bệnh cần thông tin, cho cơ quan y tế, chính quyền địa phương để giám sát, xử lý, ứng phó với dịch bệnh không để dịch bùng phát, lây lan.

Hành khách đến từ các vùng có dịch viêm phổi cấp đều được kiểm tra thân nhiệt

Ai có nguy cơ mắc bệnh?

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng đề nghị giám sát chặt chẽ những người có nghi ngờ từ vùng dịch đang trong thời kỳ ủ bệnh, chưa phát bệnh bởi đây là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Hiện các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus corona mới bao gồm: Người bị sốt và viêm phổi, viêm phổi kẽ hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS); Người bệnh sống hoặc đi du lịch tới vùng dịch tễ có bệnh do virus corona mới trong vòng 14 ngày trước khi bắt đầu có triệu chứng; Người tiếp xúc vật nuôi bị bệnh, động vật hoang dã ở các vùng dịch tễ trong vòng 14 ngày; Người tiếp xúc (trong thời gian ủ bệnh 14 ngày) với trường hợp sốt và nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính chưa rõ nguyên nhân xuất hiện trong vòng 14 ngày sau khi du lịch tới vùng dịch tễ có bệnh do virus corona mới.

Thành Nhân

Bài mới
Đọc nhiều