+
Aa
-
like
comment

Một chuyện… tréo ngoe!

22/11/2020 06:14

Thật là một chuyện tréo ngoe (xin phép độc giả được dùng từ này, vì tôi vẫn chưa chọn được từ nào cho phù hợp hơn) về vai trò, tầm quan trọng của các cấp lãnh đạo, cán bộ tại địa phương!

Một chuyện… tréo ngoe! - 1

Bởi như báo chí đã phản ánh, ngày 15-16/10 trong khi có dự báo mưa lũ phức tạp kéo dài, người dân đang ra sức ứng phó thì một đoàn cán bộ huyện và lãnh đạo chủ chốt các xã gần 15 người vùng rốn lũ Hương Khê, Hà Tĩnh lại lên máy bay vào TP Hồ Chí Minh tham dự cuộc họp đồng hương diễn ra vào ngày 18/10.

Vấn đề này đã làm dấy lên bức xúc trong dư luận vào thời điểm đó.

Vậy nhưng, sau khi lũ lụt đi qua và nhìn nhận lại sự việc này, trả lời phóng viên, ông Ngô Xuân Ninh – Chủ tịch UBND huyện Hương Khê lại cho rằng: “Thực ra suy cho cùng thì không ảnh hưởng gì cả”.

Ông Ninh còn “khuyên” báo chí là “đừng nặng nề chuyện này” bởi theo khẳng định của vị Chủ tịch huyện, “bão lụt ở Hương Khê vừa rồi chủ động rất tốt, cái này không phải tôi tự nói mà trên thực tế.”

Theo ông Ninh, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão theo Luật phòng chống thiên tai do các chủ tịch địa phương làm trưởng ban, điều hành. Các đồng chí trong hệ thống lãnh đạo, phó chủ tịch và các trưởng đầu ngành là thành viên.

Nghe giải thích của ông Ninh, người viết hiểu ông Ninh đang cố gắng làm dịu dư luận, nhưng cách bảo vệ như thế liệu có hợp lý?

Có tới 15 cán bộ từ cấp huyện đến cấp xã ở vùng rốn lũ vắng mặt nhưng vẫn “không ảnh hưởng gì”. Theo ý ông Ninh là không có các cán bộ này, công việc phòng chống bão lũ vẫn được đảm bảo và chủ động. Nhưng các độc giả cũng đặt câu hỏi, vậy hoá ra những cán bộ này “có cũng như không”, có mặt cũng được mà không có mặt cũng chẳng sao?

Một độc giả có tài khoản là Nguyễn Hữu Hiên dưới bài viết đăng ngày 20/11 trên Dân trí còn hiến kế: “Nếu không ảnh hưởng gì thì từ khoá sau nên đề xuất huyện chỉ bầu chủ tịch và 2 phó là đủ, cho đỡ tiền thuế”. Thiết nghĩ là không phải không có lý?!!

Tóm lại là cách giải thích của ông chủ tịch huyện chưa đủ sức thuyết phục, và chẳng những không xoa dịu được dư luận mà còn gây thêm bức xúc, cho thấy lãnh đạo huyện không nhận thức hết tầm quan trọng của vấn đề cũng như chưa coi trọng ý kiến, phản hồi, góp ý của nhân dân với công tác điều hành.

Đành rằng, tâm huyết của lãnh đạo huyện Hương Khê nhằm nhân cuộc họp đồng hương mà mong mỏi kêu gọi vốn đầu tư về phát triển địa phương là rất đáng ghi nhận và người viết trân trọng sự trăn trở đó. Nhưng ở vào bối cảnh bão lũ nghiêm trọng như vừa qua thì không thể nói sự vắng mặt của một bộ phận cán bộ được coi là “cốt cán” lại không có ảnh hưởng gì được.

Ai mà chấp nhận nổi trong khi nhân dân bị cô lập vì bão lũ, tính mạng bị đe doạ, lực lượng vũ trang và cán bộ địa phương phải huy động “tổng lực”, bao nhiêu con người dầm mình trong mưa lũ suốt nhiều ngày vì nhiệm vụ, vì người dân nơi đây thì ở một nơi khác, có những vị lãnh đạo đang vui vẻ dự tiệc đồng hương (và cũng chưa rõ hiệu quả ra sao, kêu gọi được bao nhiêu tiền đầu tư). Nói thật là rất phản cảm!

Mà bây giờ tôi cũng mới biết là việc thu hút đầu tư lại được quyết định bởi một cuộc gặp gỡ trong bữa tiệc đồng hương chứ lâu nay vẫn nghĩ rằng, điều kiện để hút đầu tư về địa phương phải là môi trường, là quy hoạch, là chính sách cho doanh nghiệp cơ đấy!!

Không biết cảm nhận của những vị doanh nhân thành đạt, những người con quê hương Hương Khê, Hà Tĩnh ra sao về sự việc này ra sao nhỉ? Hẳn là rất thương quê hương và cũng xót xa vô cùng …

Bích Diệp/DT

Bài mới
Đọc nhiều