+
Aa
-
like
comment

Một chỉ đạo đặc biệt của Thủ tướng khiến hàng triệu phụ huynh vui mừng

Thế Khoa - 28/08/2021 21:45

Dịch bệnh kéo dài khiến cuộc sống của hàng trăm nghìn phụ huynh là người lao động nghèo, công nhân tại các vùng dịch đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Thời gian này thay vì rộn ràng chuẩn bị cho ngày khai giảng như mọi năm, nhiều gia đình vẫn đang mắc kẹt trong mối lo cơm áo, gạo tiền… thì tiền đâu mà đóng học phí cho con!

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải cố gắng cao nhất, quan tâm sâu sắc nhất đến học sinh và giáo viên trong thời khắc khó khăn.

Là một trong số hàng triệu phụ huynh sinh sống ở địa phương đang có dịch, phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, Chị N.T.L. (Nam Từ Liêm, Hà Nội) thở dài chia sẻ: “Tôi phải nghỉ việc ở công ty do ảnh hưởng của Covid-19, cuộc sống gia đình hiện đang rất bấp bênh. Mấy ngày trước, gia đình tôi may mắn được nhận khoản hỗ trợ 1,5 triệu đồng dành cho người lao động bị mất việc làm nhưng không thấm vào đâu với hàng trăm thứ tiền phải trả. Không biết tới đây, gia đình tôi lấy tiền đâu để đóng học phí cho 2 con đang học phổ thông”.

Cùng chung hoàn cảnh sống tại địa phương thực hiện giãn cách, cùng chung một mối lo các khoản phí của con trong năm học mới. Anh N.V.T. là một trong số hàng triệu người nhập cư, từ quê lên Sài Gòn kiếm sống: “Tháng trước, chủ nhà giảm 30% tiền trọ. Tháng này, tôi định xin chủ nhà cho nợ tiền trọ mà không biết như thế nào. Tiền hai vợ chồng dành dụm đã cạn rồi. Giờ về quê là không được nhưng ở lại thì không biết lấy gì ăn. Tiền ăn còn không đủ thì lấy tiền đâu ra để đóng học phí cho con. Tôi không biết phải xoay sở thế nào”.

Dẫu biết với hệ thống trường công lập, mức học phí một tháng không nhiều nhưng khi thu nhập của các phụ huynh không còn, chỉ vài chục nghìn/tháng tiền học phí của con cùng với các khoản khác như: sách giáo khoa, đồ dùng học tập, những khoản đóng góp đầu năm luôn là nỗi lo của những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ những vất vả, khó khăn của cả ngành giáo dục, của hơn 24 triệu học sinh, sinh viên, hàng triệu nhà giáo, hàng chục triệu phụ huynh học sinh

Rất mừng là mới đây, tại hội nghị tổng kết năm học 2020 – 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cho biết “Chính phủ đã họp bàn và đã chốt việc sẽ miễn, giảm học phí mầm non, phổ thông trung học năm học tới. Tinh thần là không được để cháu học sinh nào bị thất học vì nghèo, vì không được đến trường.”. Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã ký ban hành Chị thị về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 – 2022 ứng phó với dịch Covid-19 với nội dung “hỗ trợ, miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí, hỗ trợ kịp thời sách giáo khoa đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu” đầu năm học”.

Thời gian này do dịch bệnh nên tại một số tỉnh thành các học sinh vẫn chưa thể đến trường mà học trực tuyến tại nhà. Chính vì vậy, Chính phủ cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông sớm quyết định việc điều chỉnh giảm giá cước viễn thông. Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 83 thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện đợt 4 cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đây là tin vui đối với không ít gia đình kinh tế khó khăn khi năm học mới sắp bắt đầu. Chính sách hỗ trợ, miễn giảm, giãn thời gian đóng học phí là sự “tiếp sức” đến trường rất có ý nghĩa đối với phụ huynh và các em vào thời điểm này.

Biết rằng, nếu miễn, giảm học phí cho học sinh sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước, tuy nhiên hành động này của Chính phủ đối với các cấp mầm non, phổ thông trung học năm học tới là việc làm kịp thời, giúp phụ huynh bớt đi một phần gánh nặng kinh tế gia đình do dịch bệnh, đồng thời cũng là động viên, khích lệ các em học sinh trên cả nước trước thềm năm học mới. “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, bất kể vì lý do gì cũng không thể để trẻ em vì khó khăn mà không được đến trường được.

Thế Khoa

Bài mới
Đọc nhiều