+
Aa
-
like
comment

Một câu hỏi ngớ ngẩn lại được trang mạng BBC News Tiếng Việt tiếp sức

sông trà - 23/08/2021 16:53

Các đối tượng thù địch, các cây bút dân chủ có thể vì những đồng tiền bẩn thỉu, cũng có thể vì tư tưởng thù hằn hẹp hòi nên vẫn nhìn đời bằng cách giả mù, giả điếc, bỏ qua hiện thực khách quan để phóng đại và thêu dệt lên những câu chuyện không có thật… nhằm kích động lòng dân. Như mới đây, đài BBC News Tiếng Việt tiếp tục thể hiện sự thù hằn đó bằng bài viết “Phong tỏa ở TPHCM: Họ còn giam mình cho đến bao giờ?”

Câu hỏi ngớ ngẩn của BBC News Tiếng Việt.

Một câu hỏi ngớ ngẩn

Tác giả bài này tỏ bày tình cảm buồn và bức bối khi tự nói rằng: “Tôi đã chứng kiến Sài Gòn sụp đổ vào tháng 4/1975; chứng kiến thời bao cấp chen chúc chờ mua từng ký gạo, từng lít dầu hôi và chỉ thèm một bữa cơm trắng không độn; chứng kiến lũ bạn trung học đứa vượt biên và mất tích trên biển, đứa bị chết trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam…nhưng chưa bao giờ cảm thấy Sài Gòn ngày càng trở nên khó thở như hơn 1 tháng qua.

Tiếp theo, kẻ này thể hiện sự hoài nghi vào chính quyền, xuyên tạc những chủ trương, chính sách của chính quyền trong nỗ lực đối phó lại với đại dịch COVID-19, rằng: “Niềm tin của tôi vào chính quyền ngày càng rạn vỡ. Ngược lại, tôi thấy họ cũng không tin người dân. Họ – những quan chức chứ không phải viên chức – chỉ thích kiểm soát, kiểm soát và kiểm soát, ngay cả con virus, cái thứ mà bằng mắt thường con người không thể nhìn thấy….chẳng ai biết ngày mai sẽ ra sao?”

Nhìn từ thực tế, quyết định phong tỏa cách ly lần này không còn thái độ cầm chừng gia hạn một tuần hoặc một tuần, TP.HCM quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm một tháng nữa, từ 15/8 đến 15/9. Một tháng phong tỏa cho hy vọng dài lâu của đô thị nhộn nhịp nhất cả nước.

Tính cả một tháng sắp tới, thì TP.HCM nếm trải 105 ngày giãn cách xã hội. Đây là một động thái cần thiết, như cách giải thích của lãnh đạo TP.HCM: “Để tập trung khống chế nguồn lây nhiễm, đưa số ca nhiễm về mức thấp nhất, đưa số ca bệnh về dưới công suất điều trị của hệ thống y tế, từng bước đưa thành phố trở về trạng thái bình thường mới”.

Đúng là, dịch bệnh tấn công dồn dập như thế, một thành phố rộng lớn như thế, đông đúc như thế thì không phải lúc nào cũng có thể vận hành trơn tru được ở mức tuyệt đối. Cho nên, cần lắm sự thấu hiểu, cảm thông, sẻ chia để cùng nhau vượt khó.

Ấy thế mà, các đối tượng thù địch, các cây bút “dân chủ” có thể vì những đồng tiền bẩn thỉu, cũng có thể vì tư tưởng thù hằn dân tộc hẹp hòi…nên vẫn nhìn đời bằng cách giả mù, giả điếc, bỏ qua hiện thực khách quan để phóng đại và thêu dệt lên những câu chuyện không có thật… nhằm kích động lòng dân, làm xao động lòng tin của nhân dân vào chính quyền.

Vì thế mới nói, tựa đề trên là một câu hỏi ngu ngốc, ngớ ngẩn của tác giả bài viết và đài BBC News Tiếng Việt đã tiếp tay, “họa theo” bằng cách đăng tải để cho các nhà dân chủ rởm tha hồ chém gió, cào phím mà thôi.

Đem thù riêng để kích động người dân

Nhìn rộng một chút về việc khống chế dịch ở Vũ Hán, chính quyền Trung Quốc còn thiết lập, cô lập hẳn thành phố này, không cho người ngoài vào thành phố. Còn ở Việt Nam thì sao, TP.HCM và các tỉnh phía Nam tuy thiết lập giãn cách xã hội ở mức cao, nhưng các “luồng xanh” đã được thiết lập để đảm bảo mọi nhu cầu tối thiểu của nhân dân.

Nên xin nói lại một lần nữa rằng, nếu như cây bút “dân chủ” kia có cái nhìn thiển cận, chủ quan, đem cái thù riêng của mình để đánh đồng, lôi kéo kích động người dân hùa theo với bản thân mình, thì BBC News Tiếng Việt ngày ngày rêu rao về “tự do ngôn luận”, cũng nên biết thế nào là tự do ngôn luận đúng đắn. Vì vấn đề ở đây nó liên quan đến cả một dân tộc, chứ không phải cá nhân hay nhóm người nào.

Liên quan đến vấn đề này, có người nói: “Lock” thì bảo không cho dân ăn. “Không lock” thì lại kêu tại nhà nước không chống dịch. Nên tư tưởng, suy nghĩ của họ thật ích kỷ. Không biết tác giả này có thật sự ở Việt Nam hay không? Viết bài viết, suy nghĩ đó vì tinh thần của một người trung lập hay đích thị là một tên dân chủ rởm chính cống, thù hằn dân tộc?”.

Vậy nên, xin trả lời một cách nhanh gọn câu hỏi ngu ngốc của tác giả và cũng là cái tựa đề bài viết mà BBC News Tiếng Việt đăng tải đó là: Người dân sẽ ủng hộ các biện pháp chống dịch của chính quyền cho đến khi nào kiểm soát được dịch, tức là khi nào dịch Covid-19 giảm đến mức chấp nhận được; Đến khi nào ổn định xã hội, cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Tất cả vì sức khỏe, mạng sống của người dân cả đấy ạ.

Hãy cứ nhìn vào tinh thần “chống dịch như chống giặc” của Việt Nam. Và TP.HCM đâu dễ gục ngã khi chúng ta đã có kế hoạch, đúng hơn là kịch bản, cho việc Sài Gòn phải điều trị 50.000 ca mắc Covid-19, thậm chí là 100.000 ca, đã nhanh chóng được đặt ra.

Người đứng đầu thành phố cũng đã quả quyết “không để người dân nào bị đói” trong dịch… Người đứng đầu Chính phủ cũng đã công bố ưu tiên nguồn lực vắc-xin cho TP.HCM. Đã có hàng loạt chuyến xe chở đội ngũ thầy thuốc, bộ đội, hàng quà… từ tứ xứ hướng về TP.HCM.

Nói cách khác, đến nay, chính quyền thành phố vẫn chưa để ai phải đứt bữa. Dù rất đau đầu với việc khoanh vùng, phân loại, truy vết… đêm ngày không nghỉ nhưng người lo chống dịch thì cứ hăng hái chống dịch, người không trực tiếp chống dịch thì hỗ trợ chống dịch. Những suất cơm từ thiện; Những gói quà từ các cơ quan, đơn vị, cá nhân, hội đoàn vẫn liên tục chảy về những điểm cách ly, những khu phong tỏa. Rồi những tủ rau quả miễn phí đặt nơi công cộng… Cứ thế, trải rộng!

Người dân cũng như các chiến sĩ áo xanh, áo trắng lúc này, không cần ngon, chỉ cần no để chống dịch là vui rồi. Lại vui nữa là điện, nước chưa thấy cắt cúp bữa nào… Vâng! Phải nói rằng, tinh thần lá lành đùm lá rách đã phát huy rồi đấy, và biên độ “bầu ơi, thương lấy bí cùng” cũng đã mở hết giới hạn rồi đấy.

Có thể nói, đợt bùng phát dịch thứ 4, dù trong tầm kiểm soát – kịch bản, nhưng vượt khỏi dự báo của chính quyền và tiên liệu của người dân. Theo đó, tuân thủ mọi biện pháp phòng chống dịch; Thông cảm cho nhau, san sẻ cho nhau theo nghĩa đồng bào, là điều quan trọng nhất lúc này.

Và mọi quyết định điều hành xã hội, đặc biệt là trong thời điểm hiện tại, luôn được tư vấn từ nhiều cơ quan khác nhau. Lãnh đạo các địa phương cân nhắc với tình hình thực tiễn để đưa ra quyết định sau khi có đủ sự chuẩn bị về nhân lực, vật lực, phương án dự phòng, lực lượng hậu bị…chứ không phải cohongs dịch theo kiểu tù mù, không kế hoạch.

TP.HCM khỏe thì cả nước khỏe, cả nước chung tay vì TP.HCM…đó là tinh thần hừng hực khí thế chống dịch của toàn quân toàn dân, của cả hệ thống chính trị nước ta hiện nay. Điều đó mang lại niềm tin vào tương lai an lành và phồn vinh trở lại.

Rồi mai đây hết dịch, ta lại được mỉm cười vì TP.HCM đi qua những ngày khó khăn, mà vẫn ấm tình người đến thế. Rồi chúng ta lại được sớm cười mỉa vào những suy nghĩ thù hằn, ích kỷ, hẹp hòi của các nhà “dân chủ rởm” mà thôi.

Sông Trà

Bài mới
Đọc nhiều