Một cán bộ làm sai, cả ngành bị mang tiếng
Cần xốc lại kỷ cương của lực lượng quản lý thị trường, xử lý không có vùng cấm. Nếu trường hợp né tránh, ngại xử lý, để tình trạng nhờn chỉ đạo, nhờn kỷ cương thì lãnh đạo tổng cục phải chịu trách nhiệm, áp dụng ngay việc thay đổi vị trí.
Sáng 21-1, Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Thông tin chung, tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết năm 2021 đã ký cam kết với gần 100.000 cơ sở kinh doanh, tập trung cho đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại. Nhờ vậy, nhiều vụ việc lớn, phức tạp được lực lượng quản lý thị trường và lực lượng công an phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm thay vì những vụ nhỏ lẻ, vụn vặt như trước.
“Lãnh đạo xấu hổ khi có cán bộ sai phạm”
Tuy vậy, ông Linh cũng thẳng thắn nêu nhận thức, tư duy của toàn lực lượng chưa đầy đủ khi để xảy ra nhiều sai phạm của cán bộ, suy giảm đạo đức công vụ, đơn thư khiếu nại. Nguyên nhân là do năng lực trình độ hạn chế, chưa quyết liệt kiểm tra kiểm soát, nên cán bộ bị kỷ luật, bị khởi tố.
“Ban lãnh đạo có lúc còn xấu hổ do có cán bộ sai phạm, nên tổng cục yêu cầu 63 cục trưởng ký cam kết, ràng buộc trách nhiệm” – ông Linh nhấn mạnh năm 2022 sẽ quyết liệt chấn chỉnh kỷ cương, đạo đức công vụ.
Đánh giá cao những kết quả đạt được, song Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho rằng để tiến tới chính quy, hiện đại đòi hỏi cán bộ quản lý thị trường nỗ lực nhiều hơn nữa. Bởi hiện số vụ vi phạm được phát hiện còn nhỏ, khi thực tế chỉ cần “xộc” vào bất kỳ cửa hàng nào hay gõ hàng “fake 1, 2” trên sàn thương mại điện tử mà vẫn còn hàng fake (hàng giả).
Đặc biệt, đề cập đến “nỗi đau” của toàn lực lượng khi đã có 117 người bị kỷ luật, thậm chí khởi tố, tạm giam, Thứ trưởng An cho rằng cần loại những ai coi nhờn pháp luật. Muốn thay đổi hình ảnh của lực lượng thì không được phép xảy ra các vi phạm, nên cần có buổi sinh hoạt chính trị, đoàn kết nội bộ, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu.
Đồng quan điểm cần phải làm lành mạnh đội ngũ, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng việc có nhiều cán bộ còn vi phạm pháp luật, thông đồng tiếp tay, bỏ lọt, bỏ sót tội phạm, đánh bạc… phải xử lý bằng pháp luật, là “nỗi sỉ nhục” của ngành.
Theo ông, quản lý thị trường là lực lượng thực thi pháp luật, có quyền hạn và được phép xử lý trực tiếp, nên việc lực lượng này vi phạm pháp luật là “không thể chấp nhận được, dứt khoát phải xử phạt nặng hơn”.
Do đó, ông yêu cầu cần thảo luận, xây dựng cơ chế, trong trường hợp đơn vị có cán bộ vi phạm thì người đứng đầu phải bị xử lý thế nào? Trong đó, có thể tính toán thay đổi vị trí công tác, giáng chức, cùng với xử lý theo quy định pháp luật.
“Chỉ cần một cán bộ vi phạm trong lực lượng quản lý thị trường, lập tức ngành công thương bị mang tiếng, hình ảnh bị méo mó, nên cần phải có cơ chế. Bởi trao quyền lớn nhưng không gắn liền với trách nhiệm tương xứng là không ổn” – ông Diên nói.
Cán bộ vi phạm, người đứng đầu có trách nhiệm
Chỉ ra những mặt tích cực trong năm qua, ông Diên cho rằng toàn lực lượng đã tấn công, triệt phá được nhiều đường dây, ổ nhóm lớn, phức tạp; xử lý các vụ việc có dấu hiệu phạm tội trên địa bàn rộng, góp phần cho hoạt động thương mại diễn ra bình thường, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh.
Song bộ trưởng cũng cho rằng công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả hàng nhái và gian lận thương mại chưa đáp ứng được yêu cầu, thực tế. Nhiều vụ việc vi phạm lớn chậm trễ được xử lý, giải quyết, một số vụ việc ở cục quản lý thị trường địa phương “đánh bùn sang ao”, xử lý kiểu rũ bụi rồi thậm chí khi “cầu cứu” thì xử lý cho qua.
Do đó, Bộ trưởng Diên đề nghị nhiệm vụ trọng tâm là tập trung vào việc kiện toàn, sắp xếp bộ máy quản lý thị trường của địa phương, quán triệt và thực hiện nghiêm tăng cường kỷ luật kỷ cương, ngăn chặn tình trạng sách nhiễu, phiền hà, đẩy mạnh chống tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ suy thoái đạo đức, lối sống…
Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, thường xuyên và đột xuất với hoạt động cán bộ, đặc biệt là đội ngũ trực tiếp xử lý nghiệp vụ, tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp.
“Mấy ông này quyền to, xử hay không xử là ông ấy trước. Trong chừng mực nào đó, các ông này to như ông giời. Nên phải kiểm tra và giám sát, xử lý nghiêm nếu vi phạm. Chứ vi phạm xong, vỗ vai rồi thỏa hiệp là không được” – bộ trưởng nói.
Ngọc Anh