Một cách tiếp cận nguy hiểm ở biển Đông
Chuyên gia quốc tế cho rằng, cách tiếp cận của Trung Quốc trong vấn đề biển Đông với chính sách cưỡng ép, bắt nạt láng giềng như hiện nay là rất nguy hiểm và rủi ro.
Trong bài phân tích “Lòng tin và uy tín ở biển Đông – mảnh ghép quan trọng trong cuộc chơi quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc” đăng trên tờ “The 101world”, tiến sĩ Teewin Suputtikun, giảng viên Khoa Chính trị-Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), cho rằng, biển Đông không chỉ là tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia trong khu vực.
Mà đây còn là một bộ phận quan trọng trong cạnh tranh chiến lược toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo tiến sĩ Suputtikun, trong ván cờ quyền lực trên biển Đông, dù theo đuổi mục tiêu chiến lược khác nhau nhưng cả Mỹ và Trung Quốc đều rất coi trọng lòng tin và uy tín chính trị. Mỹ cần duy trì lòng tin của các đối tác và đồng minh về vai trò lãnh đạo và khả năng bảo đảm an ninh trong khu vực cũng như trên thế giới.
Sự hiện diện của Mỹ tại biển Đông là cụ thể hóa các cam kết đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đối với Trung Quốc, biển Đông được coi là “lợi ích cốt lõi” như vấn đề Đài Loan, Tân Cương hay Tây Tạng, đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp, kể cả vũ lực.
Những năm qua, Trung Quốc lợi dụng tâm lý dân tộc chủ nghĩa như một công cụ để hậu thuẫn các hành động leo thang căng thẳng trên biển Đông.
Tuy nhiên, đây là một cách tiếp cận nguy hiểm và rủi ro, do biển Đông có vai trò quan trọng đối với an ninh khu vực, liên quan lợi ích của nhiều quốc gia, việc thực thi các chính sách mang tính áp đặt, cưỡng ép có thể khiến uy tín và hình ảnh quốc tế của Trung Quốc bị tổn hại.
Mặt khác, điều này tạo cớ cho Mỹ và đồng minh gia tăng hiện diện tại biển Đông, làm tăng nguy cơ xung đột, va chạm. Nếu không có cơ chế giải quyết hiệu quả, các xung đột trên biển Đông sẽ là ngòi nổ đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực.
Nhận định của tiến sĩ Suputtikun được sự đồng tình của nhiều bạn đọc Philippines. Trao đổi với Tiền Phong ngày 18/10, nhà báo Philippines Jaime Laude nói mấy tháng gần đây, dư luận Philippines dậy sóng trước các hành động của phía Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng biển của Philippines, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vùng biển của Malaysia.
Cách tiếp cận nguy hiểm và rủi ro của Trung Quốc buộc Philippines phải nâng cao cảnh giác, lên kế hoạch hiện đại hóa các lực lượng vũ trang, đẩy mạnh hoạt động tuần tra trên biển Đông, liên tục tham gia tập trận với Mỹ, Nhật Bản…
Lo ngại về an ninh khu vực
Cuộc tập trận hải quân MTA Sama-Sama (tên cũ là CARAT) đang diễn ra ở tỉnh Palawan, với sự tham gia truyền thống của Philippines, Mỹ và lần đầu tiên có sự góp mặt của Nhật Bản. Tỉnh đảo Palawan gần khu vực quần đảo Trường Sa giàu tài nguyên của Việt Nam nơi Trung Quốc mấy năm gần đây ngang nhiên xây dựng các tiền đồn quân sự để củng cố yêu sách phi lý của họ.
Chuyên gia châu Âu: Thỏa thuận Việt Nam-EU là sự răn đe lớn đối với những phía muốn gây căng thẳng Tự hào súng bắn tỉa “Made in Vietnam”: Ngang tầm thế giới, vươn tới đỉnh cao Nga, Mỹ
Ngoài các tàu chiến, tàu đổ bộ, máy bay tuần thám săn ngầm của Hải quân Mỹ, lần đầu tiên, lực lượng cảnh sát biển Mỹ đưa tàu tới vùng biển Philippines tham gia tập trận.
Ngay trước cuộc tập trận MTA Sama-Sama kéo dài một tuần (bắt đầu hôm thứ Hai), các lực lượng của Nhật Bản cũng tham gia đợt tập trận Kamandag, trong đó có hạng mục đổ bộ của thủy quân lục chiến Philippines và Mỹ ở tỉnh Cavite của Philippines.
Kamandag diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Manila và Bắc Kinh về vấn đề chủ quyền ở biển Đông. Đầu tháng này, Philippines gửi công hàm phản đối Trung Quốc sau khi phát hiện tàu cảnh sát biển Trung Quốc đến gần bãi Cỏ Mây, và tàu Trung Quốc ngăn cản tàu Philippines tiếp tế cho binh sĩ Philippines ở trên bãi này.
Việc gia tăng tập trận chung Philippines-Mỹ cùng sự tham gia trực tiếp lần đầu tiên của các lực lượng Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế lo ngại về an ninh khu vực khi Trung Quốc gia tăng hoạt động đơn phương, phi pháp trên biển Đông để củng cố yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý dù đã bị tòa án quốc tế bác bỏ, nhà báo Philippines Jaime Laude nhận định.
(Theo Tiền Phong)