Tham nhũng và cuộc chiến giành lại xương máu của nhân dân
Soi vào công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhất là ở khâu thu hồi tài sản hiện nay, việc phong tỏa tài khoản, tài sản tuy không mới, nhưng nó lại vô cùng hữu ích, nếu không muốn nói đó là bước tiến mới.
Liên quan đến vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty Địa ốc Alibaba, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã gửi công văn đề nghị phong tỏa tài khoản kèm bảng danh sách 16 người đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh.
Đáng chú ý, trong bảng danh sách này có tên cha mẹ ông Nguyễn Thái Luyện (Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Alibaba) là ông Nguyễn Văn Huấn và bà Thái Thị Túc. Việc này phần nào cho thấy cơ quan bảo vệ pháp luật đang có những động thái tương đối quyết liệt và hợp lý trong công tác kiểm soát và thu hồi tài sản chiếm đoạt, tham nhũng.
Chuyện tẩu tán tài sản
Nói đến chuyện kê khai tài sản, ở Việt Nam không phải ai, không phải cán bộ nào cũng kê và khai. Nhiều trường hợp các đối tượng chiếm đoạt, tham nhũng tẩu tán, dịch chuyển tài sản từ trước khi kê khai. Bên cạnh đó, chúng ta có kê khai nhưng lại để trong ngăn kéo tủ mà không hề có sự liên thông.
Hiện nay theo Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và luật Thanh tra đã quy định việc cấm giao dịch, phong tỏa, kê biên tài sản tham nhũng nhưng vẫn còn chung chung, tùy nghi. Vì vậy, trong thực tiễn rất ít áp dụng các biện pháp này, từ giai đoạn thanh, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử mà đa số vẫn đến giai đoạn thi hành án dân sự mới áp dụng.
Thực tiễn chứng minh cho đến giai đoạn Thi hành án dân sự thì đa số tài sản đều đã được chuyển dịch và tẩu tán nên cần phải quy định cụ thể về thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện các biện pháp ngăn chặn, tẩu tán tài sản ngay trong luật này. Việc này sẽ tạo hành lang pháp lý để các cơ quan yên tâm thực hiện, nâng cao trách nhiệm trong việc ngăn chặn tẩu tán tài sản và tránh tùy tiện trong thực hiện nhiệm vụ.
Tức là, đã có rất nhiều trường hợp khi phát hiện dấu hiệu của đối tượng tham nhũng, khởi tố, bắt giam thì đa phần tài sản tham nhũng đã được tẩu tán trước đó không thể thu hồi được. Đến khâu thi hành án bị cáo, bị án trở thành trắng tay.
Ví dụ: Hẳn chúng ta còn nhớ sự việc Giang Kim Đạt chiếm đoạt gần 19 triệu USD, sau đó “chuyển dịch” cho người thân, thậm chí tẩu tán ra nước ngoài… đặt ra vấn đề khá nhức nhối trong cuộc chiến chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng.
Hoặc, vụ án tham nhũng tại Công ty cho thuê tài chính 2. Nguyên Tổng giám đốc Vũ Quốc Hảo bị tuyên án tử hình, tổng giá trị thiệt hại do Hảo và đồng phạm gây ra là hơn 500 tỉ đồng. Dù thiệt hại lớn nhưng cơ quan điều tra chỉ mới thu hồi được 5,8 tỉ đồng cùng 4 căn nhà và 1 thửa đất.
Một đại án tham nhũng khác mà kẻ cầm đầu là Dương Chí Dũng – cựu Cục trưởng cục Hàng hải Việt Nam. Thiệt hại trong vụ án được xác định gần 367 tỉ đồng. Theo bản án phúc thẩm, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc phải nộp khoản tiền đền bù thiệt hại là 110 tỉ đồng. Trước đó, Cơ quan điều tra có kê biên 3 ngôi nhà của Dương Chí Dũng ở phố Nguyên Hồng (Đống Đa, Hà Nội); căn hộ ở tháp B của tòa nhà Sky City số 88 Láng Hạ (quận Đống Đa) và căn hộ ở tòa nhà Pacific số 83 Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm)..v..v.
Tất cả những vụ án trên có một điểm chung là tài sản thu hồi rất nhỏ so với con số công bố mà cơ quan pháp luật nhận định. Nên điều đáng tiếc là tài sản liên quan phòng chống tham nhũng chưa thu hồi được nhiều. “Tài sản liên quan đến tham nhũng thu được khoảng 10%. Đây là điểm nghẽn lớn nhất và cần tìm ra giải pháp thu hồi” – TS. Nguyễn Đình Quyền từng trăn trở.
Nếu không áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời thì như nhiều vụ án tham nhũng thời gian qua cho thấy, kẻ tham nhũng tẩu tán tài sản một cách nhanh chóng, thậm chí gửi tài sản ra các ngân hàng nước ngoài. Các ngân hàng nước ngoài lại có những quy định chặt chẽ về bí mật đời tư nên rất khó xử lý, nhất là khi những tài sản ấy đang ở nước ngoài.
Phong tỏa nhanh tài sản – Một bước tiến trong đấu tranh phòng chống tham nhũng
Trở lại với trường hợp Alibaba, theo thông tin ban đầu, với số tiền 2.500 tỷ đồng, Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba lừa đảo khách hàng như vậy, mà tới nay mới chỉ thu giữ được 10 tỷ đồng, vậy số tiền nghìn tỷ kia đang ở đâu, làm gì? Nó đang là những băn khoăn không chỉ của các đại biểu, mà cũng là những khúc mắc nói chung của dư luận.
Có lẽ đây không phải loại hình lừa đảo mới, nhưng quả là họ lừa đảo hết sức tinh vi, có tổ chức. Alibaba có bộ não điều hành bộ máy lừa đảo rất giỏi, rất dễ mê hoặc lòng người khi đánh thẳng vào niềm tin và lòng tham của khách hàng. Đầu tiên, có thể họ sẵn sàng bỏ tiền ra, thậm chí chấp nhận chịu lỗ để gây dựng lòng tin và uy tín với khách hàng. Khi có uy tín thực sự rồi, họ mới tha hồ lừa đảo kiếm lời.
Nói về việc phong tỏa tài khoản trong đó có người thân của Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Alibaba, theo đại diện Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh, động thái này nhằm để xác minh người thân của Luyện và các giám đốc thuộc Alibaba có đứng tên tài khoản nào không, từ đó cơ quan điều tra sẽ tổng rà soát để phong tỏa và thu hồi.
Song song, các chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, ngoài việc phong tỏa tài khoản ngân hàng, còn phải xem các nghi can có tài khoản chứng khoán không để ra lệnh phong tỏa, chứ không chỉ riêng số tiền cố định trong tài khoản. Điều quan trọng ở đây là cơ quan điều tra phải xác định được những tài sản của đối tượng gồm những gì, tài sản đó để ở đâu. Tài sản ở đây bao gồm nhà cửa, đất đai, vàng bạc đá quý, máy bay, tàu biển, ô tô, thẻ ngân hàng..v..v.
Soi chiếu vào công tác thu hồi tài sản mà các đối tượng có được do chiếm đoạt, tham nhũng thì có thể nói, đây là một trong những biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn mà luật pháp cho phép nhằm tránh tẩu tán tài sản do lừa đảo, chiếm đoạt mà có.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến, trên diễn đàn Quốc hội đã nhiều lần đề cập đến việc phải có những giải pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản của những kẻ tham nhũng bởi những đối tượng này rất nhiều mưu ma chước quỷ, thủ đoạn tinh vi. Họ không dại gì giữ khối tài sản khổng lồ cho chính bản thân mình mà tiến hành chuyển dịch tài sản cho người thân trong gia đình như con cháu, vợ/chồng, bố mẹ… Và trường hợp của Nguyễn Thái Luyện cũng không ngoại lệ.
Điều này cũng có nghĩa, tuy phát hiện những hành vi vi phạm liên quan đến khối tài sản khổng lồ mà các đối tượng có được do chiếm đoạt, tham ô, tham nhũng, nhưng kết quả thực hiện vẫn tập trung nhiều vào việc xác định mức độ vi phạm và việc áp dụng hình thức xử lý vi phạm hơn là ngăn chặn tình trạng tẩu tán tài sản và thu hồi tài sản hoặc hạn chế thiệt hại do hành vi chiếm đoạt, tham nhũng gây ra.
Vì thế, đến giờ dư luận vẫn chưa biết rõ con số hàng ngàn tỉ đồng mà Công ty Địa ốc Alibaba lừa đảo chiếm đoạt khách hàng đi theo con đường nào. Nên việc phong tỏa tài khoản người thân của “Tổng Giám đốc Alibaba” như Cơ quan CSĐT TP Hồ Chí Minh thực hiện là biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cần thiết.
Soi vào công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhất là ở khâu thu hồi tài sản hiện nay, việc phong tỏa tài khoản, tài sản tuy không mới, nhưng nó lại vô cùng hữu ích, nếu không muốn nói đó là bước tiến mới. Bởi từ trước tới giờ, chúng ta chỉ nghe nói về điệp khúc “thanh tra, kiểm tra phát hiện ra sai phạm” lớn, nhưng việc thu hồi tài sản tham nhũng dường như là vô vọng. Trong khi đó là những con số thất thoát khổng lồ, ảnh hưởng đến ngân sách, đến nhiều chương trình mang tính “quốc kế dân sinh”.
Sông Trà