Bước tiến cần thiết để “hồi sinh” trái phiếu doanh nghiệp
Kể từ khi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP với những quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được ban hành, trong bối cảnh tín dụng tương đối dễ dàng giai đoạn 2020-2021, kênh trái phiếu doanh nghiệp đã có sự phát triển rất mạnh. Tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hết quý III năm 2022 ước đạt tới gần 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 10% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng quá nhanh chóng của thị trường trái phiếu khiến những rủi ro cũng bắt đầu xuất hiện. Để rồi trong năm 2022, không ít các vụ việc hình sự và pháp lý liên quan đến các doanh nghiệp phát hành trái phiếu và các công ty cung cấp dịch vụ đã bị đưa ra xử lý. Niềm tin của nhà đầu tư bị suy giảm nghiêm trọng.
Có những vấn đề đã được chỉ ra. Đầu tiên, một tỷ lệ lớn trái phiếu phát hành riêng lẻ được phân phối qua hệ thống ngân hàng và các công ty chứng khoán, nên nhiều nhà đầu tư cá nhân không chuyên đã không hiểu đầy đủ về những rủi ro tiềm ẩn, thậm chí còn lầm lẫn với việc gửi tiết kiệm. Việc công bố thông tin cũng rất thiếu khiến nhiều nhà đầu tư hầu như không biết gì về hoạt động của tổ chức phát hành và không thể đánh giá chất lượng trái phiếu. Trong khi đó, nhiều tổ chức trung gian khi thực hiện cung cấp dịch vụ liên quan đến phát hành trái phiếu riêng lẻ đã vì lợi ích mà không thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong công tác thẩm định hồ sơ, dẫn đến chào bán các lô trái phiếu chất lượng kém cho nhà đầu tư.
Rất nhanh chóng, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đã được ban hành để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153. Đây là một bước tiến quan trọng nhằm củng cố niềm tin đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, nhà đầu tư cá nhân muốn trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, phải đảm bảo phải có 2 tỷ đồng danh mục đầu tư với giá trị trung bình trong vòng 6 tháng và việc xác nhận đó sẽ có hiệu lực trong vòng 3 tháng. Nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ không được tham gia vào các hợp đồng cùng đầu tư trái phiếu do các nhà đầu tư chuyên nghiệp khác rao bán. Như vậy, đối tượng tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đã được giới hạn hơn so với trước, đảm bảo rằng chỉ những nhà đầu tư có đủ năng lực hiểu các quy định pháp luật cũng như các thông tin của doanh nghiệp mới tham gia kênh đầu tư này. Điều này giúp bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư khi khắc phục một trong những vấn đề chúng ta nêu trên kia, đó là trái phiếu phát hành riêng lẻ được phân phối một cách rộng rãi cho cả những nhà đầu tư cá nhân không chuyên.
Tiếp nữa, doanh nghiệp sẽ phải mua lại bắt buộc trái phiếu, nếu vi phạm phương án phát hành công bố cho nhà đầu tư. Việc sửa đổi mục đích sử dụng vốn cũng không dễ dàng như trước khi phải được cơ quan quản lý chấp thuận và có hơn 65% trái chủ sở hữu trái phiếu đồng ý với việc sửa đổi. Điều này giúp tránh tình trạng như trước đây, doanh nghiệp đăng ký mục đích sử dụng vốn và phát hành trái phiếu nhưng đến khi thu được tiền lại thay đổi mục đích khác.
Kể từ khi Nghị định 65 có hiệu lực đến nay, đã có những chuyển biến rất đáng ghi nhận trên thị trường trái phiếu. Đặc biệt hơn cả, rất nhiều lô trái phiếu đã được doanh nghiệp mua lại trước hạn. Điều này phần nào trấn an tâm lý của nhà đầu tư trước những sự lo lắng kéo dài suốt thời qua về rủi ro mất trắng số tiền đầu tư vì trái phiếu.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà chúng ta cần hết sức chú ý. Đó là dù Nghị định 65 đã giúp khắc phục nhiều tồn tại trước đó trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhưng trong bối cảnh hiện nay – khi tín dụng thu hẹp, lãi suất cho vay tăng cao cùng với những diễn biết không mấy khả quan của nền kinh tế toàn cầu – phần lớn các doanh nghiệp đều không thích ứng kịp với quy định mới. Nghị định đã làm giảm số lượng nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kéo theo giảm lượng cầu đột ngột đối với trái phiếu phát hành riêng lẻ (vốn chiếm phần lớn khối lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành), trong khi quy mô đáo hạn trái phiếu sẽ tăng trong hai năm tiếp theo và ngày càng nhiều doanh nghiệp phát hành cần thu xếp dòng tiền để thanh toán trái phiếu đáo hạn.
Do đó mà mới đây, Bộ Tài chính đã nêu vấn đề giãn thời gian thực hiện quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 1 năm, hay cho phép các trái phiếu phát hành trước đây còn dư nợ được gia hạn tối đa 2 năm để giúp doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn khi cơ cấu lại trái phiếu đã phát hành và thoả thuận với nhà đầu tư giúp giảm nguy cơ vỡ nợ.
Tất nhiên những khó khăn vừa nêu này chỉ là tạm thời. Khi cơn giông tố qua đi, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng, với tinh thần của Nghị định 65, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam sẽ bước sang một giai đoạn phát triển thực chất hơn, minh bạch thông tin hơn và đảm bảo vai trò huy động được nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.
Mạnh Hải