Một biểu tượng đau xót, xấu hổ, nhàm chán nhưng không thể không nói
Xin nói ngay, nó là dự án Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, một công trình tủi hổ nằm chềnh ềnh giữa Thủ đô Hà Nội nhiều năm qua.
Theo thông tin mới nhất của các đồng nghiệp chúng tôi cho biết: “Trên toàn tuyến ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông, hệ thống đường ray trên cao vẫn vắng tàu hoạt động. Toàn công trường vắng bóng cán bộ, công nhân viên vận hành. Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong chiều 3/1, tại các cửa vào cầu thang để đi lên ga, hầu hết bị bịt kín, với các cửa ga tại nhà ga Vành đai 3, nhà ga Hoàng Cầu… đơn vị thi công căng dây và dựng các biển báo tự chế với các dòng chữ viết tay “Cấm vào ga”, “Không phận sự miễn vào”…”.
Nói đau xót là bởi đây là công trình có đầy đủ các khuyết tật, từ đội giá nhiều lần với nhiều ngàn tỉ đồng, gây ách tắc giao thông và từng không ít lần gây tai nạn chết người.
Nói xấu hổ bởi nó là biểu tượng cho thói làm ăn coi tiền dân như cỏ rác mà nguyên nhân, không loại trừ có cả ngu dốt và vụ lợi.
Nói nhàm chán bởi có lẽ đã có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn bài báo viết về dự án này cùng với nhiều lời cam kết của lãnh đạo địa phương cũng như lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải.
Ngày 5.6.2019, trả lời chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết dự án đã hoàn thành 99%.
Mới đây (11/2019) báo cáo với cử tri, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết thành phố đang phối hợp với nhà thầu đưa dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vận hành vào cuối tháng 12/2019.
Thế nhưng đến hiện tại đã là trung tuần tháng 1.2020, nó vẫn như một con lươn chết nằm vắt ngang Hà Nội, để không được, chôn cũng chẳng xong. Có thể, nó sẽ mãi mãi đi vào lịch sử các dự án Việt Nam với kỉ lục chỉ có ngày khởi công mà không có ngày khánh thành?
Còn có một sự nhàm cách không kém, đó là từ người dân cho đến đại biểu quốc hội, báo chí đã có hàng trăm, hàng ngàn câu hỏi về trách nhiệm. Thế nhưng giờ đây, nó vẫn chỉ là câu hỏi “nhàm chán”, hình như bị bỏ ngoài mọi cái tai nên vẫn không có câu trả lời.
9 năm chưa hoàn thành, 9 lần lỗi hẹn, đầu tư 552 triệu USD đội vốn lên 891 triệu USD. Mỗi ngày, chủ đầu tư Việt Nam phải trả lãi suất cho Trung quốc 1 tỷ đồng, gây tai nạn và ách tắc giao thông…
Với các “thành tích” này, phải chăng “thanh củi” Cát Linh – Hà Đông đang chờ đợi “cửa lò” rộng mở?
Bùi Hoàng Tám