Một bài học về lao động từ phương Bắc
Trong thời gian gần đây, mạng xã hội rầm rộ truyền tai nhau bức ảnh được cho là chụp 8 vị lãnh đạo của một hãng hàng không tại Trung Quốc bị phạt đứng ngoài trời lạnh khoảng 0 độ C. Bức ảnh này không chỉ khiến cho nhiều người tò mò mà còn để lại cho chúng ta một bài học sâu sắc về cách để các doanh nghiệp đối xử với người lao động của công ty.
Theo tờ SCMP, 8 người được chụp trong bức ảnh là những quản lý cấp cao của hãng hàng không Hainan Airlines, có trụ sở chính đặt tại Bắc Kinh. Cả 8 người được công ty yêu cầu phải đứng ngoài trời khoảng 40 phút để cảm nhận cái lạnh thấu xương của Bắc Kinh khi vào đông. Tại thời điểm đó, nhiệt độ được cho là đã giảm xuống 0 độ C, trong khi cả 8 người đều chỉ được mặc áo sơ mi mỏng và quần tây.
Hình phạt này được công ty Hainan Airlines đưa ra sau khi có một hành khách đã gửi thư phản ánh đến các quan chức của HNA Group cũng chính là công ty chủ quản của Hainan Airlines về việc các tiếp viên của họ phải mặc đồng phục hè mỏng để làm việc vào mùa đông. Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh từ khách hàng, ông Gu Gang, Bí thư Đảng ủy của HNA Group yêu cầu công ty Hainan Airlines phải nhanh chóng khắc phục sự việc và cho tiếp viên thay đồng phục mùa đông. Tuy nhiên, các lãnh đạo của Hainan Airlines vẫn cố tình không thực hiện theo chỉ thị từ cấp trên và đó là lý do vì sao họ phải chịu phạt giữa trời lạnh như thế.
Trên thực tế đây là một hình phạt vô cùng thiết thực và nhân văn mà HNA Group dành cho các lãnh đạo của Hainan Airlines. Bởi thay vỉ chỉ đơn giản là phạt tiền thay kỷ luật họ, điều đó không đủ sức răn đe và cũng không thể hiện được hết khó khăn của người lao động. Do đó, phía HNA Group đã quyết định để cho các vị lãnh đạo của Hainan Airlines tự mình cảm nhận được nhân viên của mình đã phải chịu đựng cái rét như thế nào khi làm việc với đồng phục của mùa hè trong mùa đông lạnh giá. Từ đó, giúp họ nhận ra được những sai lầm trong cách làm việc và thay đổi chúng để đảm bảo quyền lợi cho người lao động tốt hơn. Đồng thời, hình thành nên một sợi dây liên kết giữa những người quản lý và nhân viên để giúp họ “hợp tác” trong công việc một cách hiệu quả hơn.
Trong khi đó, về phía người lao động, khi nhìn thấy những lãnh đạo, cấp trên phải chịu phạt, họ sẽ nhận ra rằng không có bất kỳ một sự thiên vị nào ở đây, kể cả khi họ là lãnh đạo của công ty. Quy tắc bất kỳ ai làm sai đều sẽ phải chịu phạt còn giúp cho các nhân viên trong công ty thận trọng hơn khi làm việc, đảm bảo hoàn thành công việc một cách tốt nhất và hạn chế tối đa các rủi ro trong quá trình làm việc. Rõ ràng, đây là một bài học về lao động mà các công ty tại Việt Nam cần phải học tập và áp dụng cho doanh nghiệp mình. Bởi thực tế tại Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp đều không quá coi trọng và đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người lao động.
Tại một số công trình xây dựng, nhiều doanh nghiệp chủ quan không trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cho người lao động trong lúc làm việc. Khi bị phát hiện hầu hết các doanh nghiệp này đều chỉ bị xử phạt tiền trong khi người lao động có thể bị thương, thậm chí tử vong do những sai sót trong lúc làm việc. Còn những lãnh đạo doanh nghiệp thì chỉ phải chịu phạt bằng việc nộp tiền cho nhà nước, như vậy liệu có công bằng hay không.
Thiết nghĩ, Việt Nam nên học hỏi nước bạn bằng cách bổ sung quy định, nếu doanh nghiệp nào không trang bị đủ đồ bảo hộ cho người lao động thì các vị lãnh đạo cũng sẽ phải chịu phạt bằng cách không mang vật dụng bảo hộ khi vào làm việc tại các công trình xây dựng. Điều này, sẽ là bài học mạnh mẽ đủ sức răn đe các doanh nghiệp nói chung và nhà quản lý nói riêng trong việc đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người lao động của công ty.
Minh Thanh